Những dấu ấn hoạt động bảo hiểm tiền gửi năm 2024
Năm 2024 đánh dấu ¼ thế kỷ chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) đi vào cuộc sống. Bước sang giai đoạn phát triển mới, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) sẽ nỗ lực khẳng định vai trò “cánh tay nối dài” của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD). Cùng nhìn lại những dấu ấn nổi bật trong hoạt động BHTG năm 2024.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam vinh dự đón Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị kỷ niệm 25 năm thành lập
Ngày 8/11/2024, đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị kỷ niệm 25 năm thành lập BHTGVN (09/11/1999-09/11/2024), đồng chí Nguyễn Thị Hồng – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Thống đốc NHNN biểu dương và ghi nhận thành tích BHTGVN đã đạt trong 25 năm qua. Theo đó, BHTGVN đã tích lũy được nguồn lực với quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt trên 115.000 tỷ đồng. Các hoạt động nghiệp vụ được triển khai nghiêm túc, đúng quy định.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá, báo cáo giám sát của BHTGVN có chất lượng tốt; hoạt động kiểm tra tại quỹ tín dụng nhân dân đã chứng minh tính hiệu quả - là kênh thông tin khách quan giúp NHNN trong quá trình giám sát và xử lý các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém.
“Với sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, BHTGVN đã từng bước khẳng định vai trò của mình và hoàn thiện tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, nâng cao năng lực tài chính và nghiệp vụ’” - Thống đốc nhấn mạnh.
Bước sang giai đoạn phát triển mới, thay mặt Ban Cán sự Đảng NHNN, Thống đốc đề nghị tập thể lãnh đạo và người lao động của BHTGVN phấn đấu đạt được các mục tiêu, lộ trình đề ra tại Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tham mưu xây dựng Luật sửa đổi Luật BHTG nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc để BHTGVN tham gia cơ cấu lại TCTD, từng bước đưa BHTGVN trở thành tổ chức BHTG hiện đại, tiệm cận thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Đồng thời, tăng cường năng lực tài chính, năng lực hoạt động; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức để đóng góp vào sự phát triển của BHTGVN cũng như của ngành Ngân hàng.
Dấu ấn 25 năm hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam
Năm 2024 đánh dấu chặng đường ¼ thế kỷ triển khai chính sách BHTG tại Việt Nam kể từ ngày 9/11/1999 khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 218/1999/QĐ-TTg, khai sinh tổ chức BHTG đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam.
Chủ tịch HĐQT BHTGVN Phạm Bảo Lâm nhận định tại Hội nghị kỷ niệm 25 năm thành lập BHTGVN hôm 8/11/2024: Những năm qua, BHTGVN đã nỗ lực xây dựng cơ chế chính sách, thực hiện tốt vai trò bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Qua 25 năm xây dựng và phát triển, BHTGVN đã mở rộng mạng lưới hoạt động, đào tạo được đội ngũ cán bộ có năng lực và gắn bó với tổ chức, qua đó ngày một thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao phó.
Từ nguồn vốn 1.000 tỷ đồng được cấp ban đầu, đến nay, tổng tài sản tích lũy được của BHTGVN đạt trên 120 nghìn tỷ đồng, trong đó có hơn 115 nghìn tỷ quỹ dự phòng nghiệp vụ, còn lại là vốn điều lệ.
Thông qua các nghiệp vụ gắn liền với “vòng đời” của TCTD như: Giám sát từ xa, kiểm tra việc chấp hành quy định về BHTG và kiểm tra chuyên sâu theo chỉ đạo của NHNN; cử cán bộ tham gia Ban kiểm soát đặc biệt và quản trị tại các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém; chi trả bảo hiểm cho người gửi tiền và tuyên truyền chính sách BHTG, BHTGVN đã có những đóng góp nhất định giúp bảo đảm an toàn các TCTD, củng cố niềm tin của người gửi tiền.
Thời gian tới, BHTGVN sẽ tập trung nguồn lực để tổng kết chính sách và chủ động tham mưu cho NHNN để trình Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật BHTG; thực hiện các mục tiêu, lộ trình tại Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng gắn với đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động nghiệp vụ.
Công bố quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc BHTGVN
Ngày 18/9/2024, BHTGVN tổ chức Lễ công bố Quyết định chỉ định nhân sự tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy BHTGVN; bổ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc BHTGVN đối với đồng chí Đặng Duy Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ NHNN.
Cụ thể, theo Quyết định số 2148/QĐ-ĐUK ngày 18/9/2024 của Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, đồng chí Đặng Duy Cường được chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy BHTGVN nhiệm kỳ 2020-2025.
Quyết định số 2158/QĐ-NHNN ngày 18/9/2024 của Thống đốc NHNN điều động và bổ nhiệm đồng chí Đặng Duy Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ NHNN đảm nhiệm chức vụ thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc BHTGVN.
Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, đồng chí Đặng Duy Cường từng công tác tại BHTGVN, sau một thời gian sang NHNN để đào tạo cũng như hoàn chỉnh các điều kiện về chính trị đã được điều động trở về BHTGVN. Với năng lực trình độ, kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng quản lý, điều hành tích lũy trong quá trình công tác, đồng chí Tổng Giám đốc có nhiều thuận lợi để thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ được giao, đóng góp vào sự phát triển của ngành Ngân hàng, xứng đáng với sự tin tưởng của Ban cán sự Đảng, Ban lãnh đạo NHNN và niềm tin của cán bộ, nhân viên BHTGVN.
Luật Các TCTD 2024 tăng cường vai trò của BHTGVN trong cơ cấu lại TCTD
Ngày 18/1/2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Các TCTD năm 2024, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Luật Các TCTD 2024 gồm 15 chương, 210 điều với những nội dung mới được kỳ vọng có thể hạn chế các mối quan hệ lợi ích nhóm, từ đó tạo sự minh bạch cao hơn trong hoạt động ngân hàng, giúp tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, an toàn, ổn định, tạo tâm lý tin tưởng cho người gửi tiền vào hệ thống TCTD.
Tại Luật Các TCTD 2024, cơ quan soạn thảo đã chú ý nhiều hơn đến vai trò của BHTGVN trong quá trình cơ cấu lại các TCTD, đặc biệt trong phương án phục hồi và biện pháp hỗ trợ thực hiện phương án phục hồi TCTD được kiểm soát đặc biệt; trong hỗ trợ đối với ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc; trong trường hợp phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt…
Luật đề cập đến việc để BHTGVN cùng tham gia vào quá trình can thiệp sớm đối với TCTD là cần thiết, vừa tận dụng được nguồn lực, vừa thể hiện vai trò và trách nhiệm của BHTGVN đối với người gửi tiền cũng như tổ chức tham gia BHTG. Đặc biệt, Luật Các TCTD 2024 tạo thêm cơ sở cũng như nền tảng pháp lý cho việc tiếp tục xem xét sửa đổi, bổ sung Luật BHTG.
Tổng kết 5 năm BHTGVN kiểm tra quỹ tín dụng nhân dân theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN
Hoạt động kiểm tra quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN được BHTGVN triển khai từ năm 2019. Sau 5 năm thực hiện, số lượng QTDND được kiểm tra theo chỉ đạo đến nay đạt 234 quỹ, tăng dần qua các năm.
Cụ thể, năm 2019: 06 QTDND; 2020: 18 QTDND; 2021: 22 QTDND; 2022: 53 QTDND; 2023: 60 QTDND; 2024: 75 QTDND. Nội dung kiểm tra cũng được mở rộng hơn qua các năm với nhiều vấn đề khá phức tạp, mới mẻ. Tuy nhiên, BHTGVN luôn hoàn thành tất cả các nội dung được giao kiểm tra, đảm bảo chất lượng và thời gian theo yêu cầu của NHNN.
Tính đến 30/11/2024, BHTGVN đã hoàn thành kiểm tra 74/75 QTDND theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN, đạt 98,7% kế hoạch được giao năm 2024. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, BHTGVN đã kiến nghị QTDND khắc phục các tồn tại, thiếu sót, đồng thời tham mưu NHNN chỉnh sửa một số cơ chế, chính sách đối với hoạt động của hệ thống QTDND.
NHNN đã ghi nhận, đánh giá cao kết quả kiểm tra và việc phối hợp, tham gia của BHTGVN trong hỗ trợ hoạt động kiểm tra của NHNN đối với QTDND. Đây được xem là kênh kiểm soát rủi ro hữu hiệu hỗ trợ công tác thanh tra, giám sát của NHNN trong quá trình xử lý QTDND yếu kém.