Đưa chính sách bảo hiểm tiền gửi tới người gửi tiền tại quỹ tín dụng nhân dân
Từ khi Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2012 có hiệu lực tới nay, BHTG Việt Nam xác định đối tượng công chúng mục tiêu trọng tâm, được quan tâm đặc biệt là người gửi tiền tại các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), tại vùng nông thôn, miền núi, bên cạnh việc tuyên truyền chính sách BHTG một cách phổ quát tới công chúng nói chung với mục tiêu lan tỏa chính sách tới đối tượng công chúng dễ bị tổn thương nhưng ít có điều kiện tiếp cận với thông tin, kiến thức về lĩnh vực tài chính ngân hàng BHTG.
QTDND được biết đến là địa chỉ cung cấp vốn và dịch vụ ngân hàng cho các đối tượng có năng lực tài chính hạn chế (người thu nhập thấp, hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ...) khó tiếp cận được nguồn vốn của các ngân hàng thương mại tại khu vực nông thôn.
Đây cũng là nhóm công chúng ít có điều kiện tiếp cận với thông tin, kiến thức về lĩnh vực tài chính – ngân hàng - BHTG, do đó dễ bị tổn thương trước các thông tin hay biến động của hoạt động ngân hàng.
Từ năm 2016, BHTG Việt Nam đã ban hành Hướng dẫn triển khai công tác tuyên truyền tại QTDND. Đây là căn cứ để toàn hệ thống BHTG Việt Nam tổ chức tuyên truyền tới cán bộ tại các QTDND cũng như trực tiếp tới người gửi tiền.
Theo đó, trong giai đoạn 2016-2017, các Chi nhánh BHTG Việt Nam đã tập trung tổ chức sự kiện tuyên truyền đối với ban lãnh đạo và cán bộ giao dịch của QTDND.
Đây là đối tượng công chúng đặc biệt của chính sách BHTG, vì họ vừa là đại diện của các tổ chức tham gia BHTG, vừa là những người thực hiện các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, tiếp xúc trực tiếp với người gửi tiền và được BHTG Việt Nam xác định là đối tượng trung gian để qua đó lan tỏa chính sách, mỗi cán bộ QTDND là một tuyên truyền viên chính sách BHTG.
Từ năm 2018, các Chi nhánh BHTG Việt Nam đã thực hiện lồng ghép tuyên truyền trong các sự kiện Đại hội QTDND, trong hoạt động thường kỳ, sinh hoạt chuyên đề của các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội tại địa phương như Hội nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc…, qua đó đáp ứng nhu cầu tuyên truyền trực tiếp tới người gửi tiền ở khu vực nông thôn, người gửi tiền tại các QTDND, đồng thời tiết kiệm chi phí, nhân lực tổ chức.
Chỉ tính riêng năm 2019-2020, BHTG Việt Nam đã dự và tuyên truyền tại Đại hội thành viên thường niên của gần 100 QTDND, tổ chức gần 20 sự kiện tuyên truyền tới lãnh đạo và cán bộ chủ chốt hàng trăm QTDND trên cả nước, lồng ghép tuyên truyền gần 20 sự kiện định kỳ của các tổ chức chính trị - xã hội địa phương.
Trong năm 2019-2020, kết hợp trong hoạt động kiểm tra đặc biệt đối với một số QTDND được thực hiện theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN, BHTG Việt Nam đã phối hợp kiểm tra với tuyên truyền trong những cuộc tiếp xúc trực tiếp với người gửi tiền, qua đó giải thích mục đích của việc kiểm tra cũng như những nội dung cơ bản của chính sách BHTG. Do vậy, người gửi tiền không thắc mắc, hoang mang, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ cho công tác kiểm tra của BHTG Việt Nam.
Bên cạnh đó, từ năm 2017, BHTG Việt Nam đã triển khai thí điểm tuyên truyền chính sách BHTG trên hệ thống Bưu điện Việt Nam. Cụ thể, năm 2017, 2018 và 2019, BHTG Việt Nam đã đặt standee, dán poster có các nội dung cốt lõi của chính sách BHTG, liên quan trực tiếp tới quyền lợi của người gửi tiền tại các điểm giao dịch bưu điện.
Năm 2020, qua khảo sát phản hồi của công chúng và để tiết kiệm chi phí, BHTG Việt Nam thực hiện đồng nhất hình thức dán poster tuyên truyền tại tất cả các điểm giao dịch bưu điện thuộc địa bàn triển khai. Đến nay, BHTG Việt Nam đã tuyên truyền thông qua mạng lưới bưu điện tại 36 tỉnh, với tổng cộng hơn 400 điểm bưu điện huyện, thị và gần 5000 điểm bưu điện văn hóa xã không trùng lặp, tiếp cận với số lượng lớn người gửi tiền tại nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa v.v...
Có thể nói, công tác thông tin tuyên truyền của BHTG Việt Nam đã được triển khai với định hướng rõ ràng, thực hiện đồng bộ, thống nhất trên toàn hệ thống. Thời gian tới, BHTG Việt Nam cho biết tiếp tục hướng tới truyền tải thông điệp nhằm nâng cao nhận thức, xây dựng niềm tin của người gửi tiền vào các QTDND nói riêng và hệ thống các TCTD nói chung, góp phần tăng hiệu quả hoạt động của tổ chức BHTG, duy trì ổn định hệ thống tài chính – ngân hàng.