Những điểm mới của Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015
Tại buổi họp báo công bố Luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN) năm 2015 vừa diễn ra mới đây, ông Vũ Văn Họa – Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, Luật KTNN năm 2015 gồm 9 chương, 73 điều (so với Luật KTNN hiện hành, Dự thảo tăng 1 chương, giảm 3 điều, trong đó bổ sung 11 điều mới và bỏ 14 điều của Luật năm 2005) với những điểm mới cơ bản.
Phạm vi, đối tượng kiểm toán
Luật KTNN quy định đối tượng kiểm toán của KTNN là việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tải sản công của đơn vị được kiểm toán. Luật đã quy định rõ nội dung tài chính công, tài sản công theo phạm vi kiểm toán của KTNN (Điều 3). Do phạm vi kiểm toán mở rộng theo quy định của Hiến pháp nên bên cạnh những đơn vị được kiểm toán như quy định của Luật hiện hành, Luật KTNN năm 2015 bổ sung đơn vị được kiểm toán là cơ quan quản lý sử dụng nợ công.
Đối với các doanh nghiệp: Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống, khi cần thiết, Tổng KTNN quyết định lựa chọn mục tiêu, tiêu chí, nội dung và phương pháp kiểm toán phù hợp (Khoản 10 Điều 55).
Giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán
Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 đã quy định về giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán. Báo cáo kiểm toán của KTNN là văn bản do KTNN lập và công bố để đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị về những nội dung đã kiểm toán, việc quy định giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán có ý nghĩa quan trọng đối với đơn vị được kiểm toán cũng như các cơ quan, tổ chức sử dụng trong hoạt động của mình. Vì vậy Luật quy định: Báo cáo kiểm toán của KTNN sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Đồng thời quy định báo cáo kiểm toán của KTNN là căn cứ để Quốc hội, Chính phủ, cơ quan, tổ chức sử dụng trong công tác quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình và là căn cứ để đơn vị được kiểm toán thực hiện quyền khiếu nại.
Tổng Kiểm toán nhà nước
Chế định Tổng KTNN được sửa đổi cho phù hợp với quy định của Hiến pháp; sửa đổi quy định về nhiệm kỳ của Tổng KTNN từ 7 năm thành 5 năm cho phù hợp với chức danh khác trong bộ máy nhà nước, cụ thể: Tổng Kiểm toán nhà nước do Quốc hội bầu, miễn nhiễm và bãi nhiễm theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội, chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hộ về tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước. Nhiệm kỳ của Tổng KTNN là 5 năm theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Tổng KTNN có thể được bầu lại nhưng không quá hai nhiệm kỳ liên tục.
Thời hạn kiểm toán
Để đảm bảo kết quả kiểm toán phục vụ kịp thời cho hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Luật quy định thời hạn cụ thể, theo quy định Điều 34, thời hạn của một cuộc kiểm toán không quá 60 ngày. Trường hợp phức tạp, cần thiết thì Tổng KTNN quyết định gia hạn một lần không quá 30 ngày. Đối với cuộc kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công có quy mô toàn quốc thường cần thời gian kiểm toán dài thì Tổng Kiểm toán nhà nước quy định cụ thể thời hạn kiểm toán cho phù hợp.
Công khai kết quả kiểm toán
Nhằm tạo điểu kiện cho tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận để giám sát hoạt động của KTNN và việc chấp hành pháp luật, chấp hành kiến nghị của KTNN của các đơn vị được kiểm toán, Luật quy định Báo cáo kiểm toán sau khi pháp hành được Tổng KTNN công bố công khai bằng một hoặc một số hình thức như: họp báo; công bố trên Công báo và phương tiện thông tin đại chúng; đăng tải trên trang thông tin điện tử và các ấn phẩm của Kiểm toán nhà nước; niêm yết tại trụ sở của đơn vị được kiểm toán.
Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức
Để nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan với hoạt động KTNN, Luật bổ sung Chương 7, quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đối với hoạt động Kiểm toán nhà nước, trong đó quy định về: Quốc hội với KTNN; Chính phủ với KTNN; trách nhiệm các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án Nhân dân, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân; trách nhiệm cơ quan tổ chức trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và trách nhiệm cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan trong hoạt động kiểm toán; quy định về thẩm quyền giám sát của Quốc hội, trách nhiệm báo cáo, giải trình, trả lời chất vấn của Tổng Kiểm toán nhà nước trước Quốc hội, đại biểu Quốc hội (Điều 63).