Những điểm mới của Luật Thuế giá trị gia tăng
PGS. TS Lê Xuân Trường, Học viện Tài chính cho rằng, Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) có nhiều quy định mới có lợi cho doanh nghiệp như: Bổ sung đối tượng không chịu thuế, mở rộng đối tượng được hoàn thuế trước, kiểm tra sau.
Những quy định này đã góp phần tạo điều kiện để doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh.
Tháo gỡ vướng mắc
Đề cập đến những điểm mới của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT - sửa đổi), PGS.TS Lê Xuân Trường cho biết, việc bổ sung đối tượng không chịu thuế GTGT đối với dịch vụ chăm sóc người cao tuổi và người khuyết tật đã góp phần tạo tiền đề để người cao tuổi và người khuyết tật có cơ hội thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dưỡng lão với mức giá hợp lý.
“Cùng với sự thay đổi về kinh tế - xã hội, gia đình Việt Nam hiện nay cũng có nhiều thay đổi, từ gia đình “Tứ đại đồng đường”, “Tam đại đồng đường” thì hiện nay gia đình hạt nhân đang chuyển dần chỉ có 1-2 thế hệ sinh sống. Vì thế nhu cầu chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật ngày càng tăng. Trong khi đó, chăm sóc người cao tuổi và những người yếu thế trong xã hội là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta”, PGS. TS Lê Xuân Trường cho biết.
Đánh giá cao những ưu điểm của Luật Thuế GTGT (sửa đổi), PGS.TS Lê Xuân Trường cho rằng, việc bổ sung đối tượng được hoàn thuế trước, kiểm tra sau đã tạo điều kiện tốt để DN sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, việc bổ sung 2 đối tượng thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau là người nộp thuế sản xuất hàng hóa xuất khẩu không vi phạm pháp luật thuế trong 2 năm liên tục, người nộp thuế không thuộc diện rủi ro cao về thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ tốt pháp luật thuế. “Việc giải quyết hoàn thuế cho DN sẽ đơn giản, nhanh chóng và thúc đẩy người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế được hưởng những thuận lợi về thủ tục thuế. Điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất, kinh doanh, mà còn góp phần quản lý thuế chặt chẽ, chống gian lận trong hoàn thuế GTGT”, PGS.TS Lê Xuân Trường nói.
Góp phần quản lý chặt nguồn thu
Theo các chuyên gia về thuế, Luật số 106/2016/QH13 đã sửa đổi một số nội dung quy định về đối tượng không chịu thuế, đối tượng áp dụng thuế suất 0% và hoàn thuế GTGT khắc phục được những bất hợp lý của Luật Thuế GTGT trước đây, đảm bảo quản lý chặt nguồn thu, chống gian lận thuế. Cụ thể, đã bổ sung vào Điều 5 “đối tượng không chịu thuế” là: “DN, hợp tác xã mua nông sản chưa chế biến, hoặc mới sơ chế thông thường bán cho DN, hợp tác xã thì không phải tính, nộp thuế GTGT nhưng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào”.
Điểm sửa đổi này xuất phát từ thực tế trong thời gian qua, lợi dụng quy định “sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác, hoặc chỉ qua sơ chế thông thường ở khâu kinh doanh thương mại thì thuộc diện chịu thuế GTGT với thuế suất 5%”, DN mua nông sản của nông dân (không chịu thuế GTGT) sau đó mua hóa đơn có thuế 5% để hợp thức đầu vào, qua nhiều khâu thương mại trung gian trước khi bán cho cơ sở xuất khẩu để cơ sở này được hoàn thuế.
“Để khắc phục tình trạng gian lận này, các hiệp hội, các DN xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã kiến nghị quy định “hàng hóa là nông, lâm, thủy sản ở khâu kinh doanh thương mại đưa vào diện không chịu thuế GTGT. Trên cơ sở ý kiến của hiệp hội, các DN, Luật đã tiếp thu và chỉnh lý phù hợp”, PGS. TS Lê Xuân Trường cho biết.
Cũng theo các chuyên gia, việc bổ sung 2 trường hợp không được hoàn thuế GTGT là: Hàng hóa nhập khẩu để xuất khẩu và hàng hóa xuất khẩu không thực hiện tại địa bàn hoạt động hải quan theo Luật Hải quan sẽ giúp ngăn ngừa có hiệu quả việc gian lận hoàn thuế GTGT, chống thất thu ngân sách nhà nước.