Những điểm mới về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính với kỳ vọng góp phần hoàn thiện các quy định pháp luật để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo cơ sở pháp lý đối với hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, bảo đảm hoạt động này phát triển bền vững, an toàn, lành mạnh, hiệu quả.
Theo các chuyên gia ngân hàng, sự ra đời của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN sẽ tạo hành lang pháp lý rõ ràng, qua đó đem lại sự phát triển ổn định cho lĩnh vực vay tiêu dùng, giúp người dân tiếp cận tín dụng chính thống thay vì tín dụng đen. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng có cơ sở pháp lý để giải quyết khi có phát sinh tranh chấp giữa khách hàng vay và công ty tài chính.
Thông tư số 43/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định cụ thể khái niệm về cho vay tiêu dùng. Theo đó, hoạt động cho vay của công ty tài chính được xác định là cho vay tiêu dùng khi: Hoạt động cho vay bằng đồng Việt Nam; Khách hàng vay vốn là cá nhân; Mục đích vay vốn: nhằm đáp ứng nhu cầu vốn mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của khách hàng, gia đình của khách hàng đó; Chi phí học tập, chữa bệnh, du lịch, văn hoá, thể dục, thể thao; Chi phí sửa chữa nhà ở; Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đối với một khách hàng tại công ty tài chính đó không vượt quá 100 triệu đồng, trừ trường hợp cho vay tiêu dùng để mua ôtô và sử dụng ôtô đó làm tài sản bảo đảm cho chính khoản vay đó theo quy định của pháp luật.
Về phương thức cho vay, Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định rõ các phương thức cho vay tiêu dùng mà công ty tài chính thỏa thuận với khách hàng. Theo đó, đối với phương thức cho vay từng lần thì mỗi lần cho vay, công ty tài chính và khách hàng thực hiện thủ tục cho vay và ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.
Trong khi đó, đối với phương thức cho vay theo hạn mức, công ty tài chính phải xác định và thỏa thuận với khách hàng một mức dư nợ cho vay tối đa được duy trì trong một khoảng thời gian nhất định. Trong hạn mức cho vay, công ty tài chính thực hiện cho vay từng lần.
Mỗi năm ít nhất một lần, công ty tài chính xem xét, xác định lại mức dư nợ cho vay tối đa và thời gian duy trì mức dư nợ này phù hợp với khả năng tài chính của khách hàng.
Về lãi suất cho vay tiêu dùng, NHNN yêu cầu lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính thực hiện theo quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Bên cạnh đó, công ty tài chính phải ban hành quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng.
Cũng theo quy định của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung khung lãi suất cho vay tiêu dùng, công ty tài chính phải gửi báo cáo cho NHNN theo quy định về khung lãi suất, trong đó nêu cụ thể các yếu tố, nguyên tắc cơ bản xác định khung lãi suất cho vay tiêu dùng, các yếu tố về chi phí vốn, chi phí rủi ro, lợi nhuận trên vốn, lãi suất thị trường và bảo đảm bù đắp được các chi phí, rủi ro liên quan, đảm bảo quyền lợi của khách hàng và sự phát triển của công ty tài chính.
Hiện nay, ở một số nước trong khu vực, tỷ lệ cho vay tiêu dùng hiện chiếm 25 - 30% tổng dư nợ, trong khi ở nước ta, dịch vụ này còn khá khiêm tốn, chiếm trên 10% tổng dư nợ.