Những điểm nhấn tại “Lưỡng hội” Trung Quốc
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chững lại, môi trường ngoại giao xung quanh ngày càng xấu đi, kỳ họp “Lưỡng hội” (Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc và Hội nghị Chính Hiệp toàn quốc) Trung Quốc khai mạc ngày mai, 5/3, đang được dư luận trong và ngoài Trung Quốc đặc biệt quan tâm.
Là diễn đàn bàn thảo chính sách và lập pháp trong thể chế chính trị của Trung Quốc, “Lưỡng hội” được tổ chức mỗi năm một lần và được coi là “cửa sổ” mở cửa đối ngoại hiếm hoi của nền chính trị Trung Quốc, là cơ hội hiếm có để bên ngoài quan sát hướng đi chính trị, ngoại giao và kinh tế của Trung Quốc từ cự ly gần. Theo giới phân tích, kỳ họp Lưỡng hội năm nay của Trung Quốc có 7 điểm nhấn lớn.
Kế hoạch 5 năm lần thứ 13
Hội nghị Trung ương 5 Khóa XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xem xét và thông qua kiến nghị về “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13”, xác định rõ bức tranh phát triển trong 5 năm tới của Trung Quốc. Làm thế nào để quán triệt thực hiện quan điểm phát triển sáng tạo, nhịp nhàng, xanh, mở cửa và cùng hưởng?
Làm thế nào để bảo đảm kinh tế duy trì mức tăng trưởng trung cao tốc, trình độ và chất lượng cuộc sống của nhân dân được nâng cao, công cuộc xây dựng hiện đại hóa hệ thống và năng lực quản lý đất nước thu được tiến triển quan trọng? Làm thế nào để chi tiết hóa và thực hiện các quyết sách của Trung ương, hoàn thành đúng thời hạn các nhiệm vụ xây dựng toàn diện xã hội khá giả? Tất cả những vấn đề này đều sẽ được bàn thảo tại “Lưỡng hội” lần này.
Nông thôn khá giả
Nếu nông thôn không khá giả, đặc biệt là nếu khu vực nghèo khó không khá giả thì không thể nào có một xã hội khá giả toàn diện. Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển và Cải cách Đại học Kinh tế - Tài chính Trung ương Trung Quốc Châu Đông Đào cho rằng ngoài xóa đói giảm nghèo, dự kiến Báo cáo Công tác Chính phủ năm nay sẽ tiếp tục đề ra các biện pháp mới về cải thiện dân sinh, khiến người dân được hưởng lợi nhiều hơn.
Kiến nghị của Trung ương về “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13” chỉ rõ rằng phải nâng cao chất lượng xây dựng khu thương mại tự do thí điểm, có thể nhân rộng hơn. Hiện nay, ngoài những khu thương mại tự do thí điểm đã được thành lập tại Thượng Hải, Thiên Tân, Quảng Đông và Phúc Kiến, nhiều tỉnh, thành phố cũng đề xuất xin thành lập các khu thương mại tự do tương tự.
Sáng kiến “Một vành đai, một con đường”
Các đại biểu cũng sẽ tập tập trung vào sáng kiến “Một vành đai, một con đường”. Từ khi ý tưởng về chiến lược phát triển này được đề xuất năm 2013 đến nay, có hơn 60 quốc gia trên dọc tuyến này tham gia. Tuy nhiên, bên cạnh đó, siêu dự án này của Trung Quốc cũng đặt ra nhiều nghi vấn về ý đồ chính trị. Làm thế nào để sáng kiến này có ảnh hưởng sâu rộng hơn?
Theo các chuyên gia, sự hội nhập của các chiến lược như xây dựng khu thương mại tự do với xây dựng “Một vành đai, một con đường” và phát triển nhịp nhàng giữa Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển nhịp nhàng giữa các vùng miền của Trung Quốc, tạo dựng bố cục mới về mở cửa đối ngoại và sẽ mang lại cơ hội lớn hơn cho phát triển kinh tế của thế giới.
Ngoại giao hóa giải thách thức
Một tiêu điểm khác của Lưỡng hội năm nay là vấn đề ngoại giao. Từ cuối năm 2015 đến nay, các mối quan hệ song phương của Trung Quốc như Trung - Mỹ, Trung - Nhật, Trung - Hàn, Trung - Triều, Trung - Việt đều có những thay đổi. Tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng, trong khi Bán đảo Triều Tiên cũng rất phức tạp, khiến môi trường bên ngoài của Trung Quốc cũng căng thẳng hơn, không thuận lợi cho sáng kiến Một vành đai, một con đường.
Lưỡng hội lần này sẽ là nơi thảo luận những biện pháp hóa giải thách thức. Đặc biệt, cuộc họp báo của Thủ tướng Lý Khắc Cường và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị trong khuôn khổ kỳ họp sẽ là cơ hội để các nước thăm dò sách lược đối phó những thách thức ngoại giao của Bắc Kinh.
Cải cách thể chế tư pháp
Năm 2016 là năm then chốt trong việc cải cách thể chế tư pháp sâu sắc. Phần lớn các nhiệm vụ cải cách tư pháp mà Trung ương Trung Quốc bố trí đều phải hoàn thành trong năm nay và sang năm. Bởi vậy, Báo cáo công tác của Tòa án Tối cao và Viện Kiểm sát Tối cao sẽ thu hút sự quan tâm đặc biệt của chính giới và dư luận. Hệ thống tư pháp của Trung Quốc đã tiến hành rất nhiều cải cách và áp dụng các biện pháp mới, từ trừng trị các hành vi tham nhũng và các loại tội phạm đến phục vụ cho phát triển kinh tế.
Phát triển xanh
Đây cũng là điểm sáng được lưu tâm tại Lưỡng hội lần này. Hiện nay, một bên là vấn đề ô nhiễm môi trường như sương mù, ô nhiễm nước... ngày càng nổi cộm, một bên là sự mong đợi của quần chúng đối với “APEC xanh” nhạt dần. “Non xanh nước biếc là rừng vàng biển bạc” đã trở thành nhận thức chung của xã hội.
Chống tham nhũng
Năm 2016 Trung Quốc sẽ thúc đẩy như thế nào để cuộc đấu tranh chống tham nhũng đi vào chiều sâu? Làm thế nào để củng cố những thành quả của cuộc chiến chống tham nhũng, ra sức kiến tạo thể chế và cơ chế không dám tham nhũng, không thể tham nhũng và không muốn tham nhũng? Dư luận cũng mong đợi những kiến nghị hay của các đại biểu và ủy viên tại “Lưỡng hội” lần này.