Trọn bộ bí kíp 7 bước vượt qua khủng hoảng thất nghiệp
Không ai mong muốn thất nghiệp. Nhưng không có một lần thất nghiệp trong đời, bạn sẽ khó mà trưởng thành trong công việc.
Nếu bạn làm ầm lên với công ty cũ và tự đòi nghỉ việc thì mọi thứ vẫn chưa bi kịch cho lắm. Mặt tiêu cực là bạn có thể mất luôn tháng lương cuối cùng vì phá hợp đồng, nhưng mặt tích cực là bạn đã có chuẩn bị tâm lý và cảm giác hả hê lâng lâng sẽ đủ để giúp bạn sống sót tới khi tìm được công việc mới.
Thế nếu bạn không kịp tìm công việc trước lúc sự hả hê tan hết thì sao? Hoặc bạn ra đi trong ấm ức vì chẳng biết phải làm ầm lên với ai?
Hoặc tệ hơn nữa, bạn bị sa thải? Người ta mắng bạn và ném tờ quyết định sa thải vào mặt bạn?
Bùm!
Thật bất hạnh.
Xin gửi đến bạn lời chia buồn khá là sâu sắc. Tôi cá là bạn sẽ thấy khó chịu hơn cả thất tình nữa, nhất là khi thất nghiệp đi kèm với hết tiền. Những cảm giác tiêu cực sẽ nhấn chìm bạn.
Vậy phải làm thế nào để vượt qua khủng hoảng thất nghiệp?
1. Hãy chấp nhận sự thật càng nhanh càng tốt
Có lẽ bạn sẽ không thừa nhận đâu nhưng dám cá chúng ta đều có bản năng phủ nhận những sự thật khó chấp nhận. Chúng ta phủ nhận nó bằng nhiều cách. Cách phổ biến nhất là nhắm mắt làm lơ nó và cố quên nó đi.
Lần đầu tiên thất nghiệp, tôi đã không thể tin nổi và không dám thừa nhận nó với người xung quanh, thậm chí là với chính mình về cái điều mất mặt này. Tôi vẫn ra khỏi phòng trọ vào lúc 7h30 sáng như những ngày còn đi làm, và sau đó thì chôn vùi cả ngày ở quán game để khỏi phải nghĩ về bất cứ thứ gì liên quan đến công việc.
Kết quả thì sao? Tôi mất một đống thời gian vô ích để vòng vo về việc chấp nhận sự thật rằng mình đang thất nghiệp, càng trốn tránh, tôi càng trở nên thụ động và chây lì. Khoảng thời gian thất nghiệp của tôi kéo dài ra thêm hơn một tháng và tôi tiêu sạch số tiền ít ỏi còn lại.
Chưa bao giờ đói nghèo đến thế.
Sau đấy, ở những lần thất nghiệp tiếp theo, tôi hiểu rằng việc đầu tiên mình cần làm được, đó là chấp nhận tình trạng thất nghiệp của bản thân.
Chúng ta không thể giải quyết bất kỳ vấn đề nào nếu chúng ta không thừa nhận nó. Bạn thừa nhận càng nhanh, bạn càng có thêm nhiều thời gian để giải quyết rắc rối trước lúc hậu quả kinh khủng kịp xảy ra.
Trong trường hợp thất nghiệp, thừa nhận nhanh hơn giúp chúng ta tránh xa hơn khỏi nguy cơ chết đói.
2. Hãy cho bản thân mấy ngày để bình tĩnh lại
Trong lúc đó, bạn có thể ngồi nhà giận dỗi hoặc làm bất cứ thứ gì bạn muốn:
- Làm một vài việc hay ho và điên rồ bỗng nhiên nghĩ tới: lên xe bus khám phá một vòng thành phố, viết một bài văn "sấm sét" về chuyện thất nghiệp, vẽ một bức tranh chibi cho chính mình...
- Nếu tài chính dư dả thì có thể đi du lịch.
- Có thể thử làm vài ba việc nhỏ mà trước đó vì bận đi làm nên chưa có thời gian thực hiện: gặp gỡ đám bạn lâu không gặp, tới quán cà phê siêu hot trên mạng, đi ăn ở 20 quán khác nhau quanh nơi ở, dậy sớm tập thể dục và đón mặt trời hoặc ngủ nướng và thức dậy vào buổi trưa.
Công việc đầu tiên của tôi có thời gian làm việc khá căng thẳng, từ 8h30 sáng tới khoảng 10h30 đêm, không được nghỉ chủ nhật. Vì thế, sau khi thất nghiệp và sau lúc chấp nhận sự thật, không phải trốn trong tiệm game nữa, tôi chợt phát hiện ra mình có thể tranh thủ ngắm nhìn cảnh vật xung quanh. Vào ban ngày, trông mọi thứ đều rất khác.
Cảnh mặt trời lặn ở thành phố chẳng hạn, khi những tia sáng cuối cùng của buổi chiều chiếu vào mặt cửa kính của các tòa nhà, những khung cửa kính đó phát sáng lên, nếu đứng đúng hướng thì có thể nhìn thấy cả một dãy nhà, một con đường sáng rực, cực kỳ đẹp.
Sau phát hiện nhỏ đó, tôi bớt ghét thành phố xô bồ xấu xí mình đang ở và có thêm một thú vui mỗi lần được về sớm hay được nghỉ ngơi.
Có rất nhiều việc nhỏ lành mạnh (hoặc ít ra là không quá gây hại) và thú vị để làm vào khoảng đầu của chuỗi ngày thất nghiệp. Nhờ những việc mang tính chất xoa dịu này, bạn sẽ dễ dàng bình tĩnh lại để tiếp tục chiến đấu với cuộc đời.
Có một lời đề nghị là hãy đặt ra giới hạn thời gian cho những ngày "calm down", tùy theo khả năng tự chủ và tình hình kinh tế của bạn. Đừng sa đà quá sâu vào nó.
3. Hãy mộng mơ một tí
Về cơ bản thì tôi là một kẻ mơ mộng. Trong chuỗi ngày khó nhìn thấy tương lai nhất, trên đường đi làm về, tôi thường mơ mộng về một ngày mai tươi sáng hơn, có thể ăn những món ngon hơn, ở một nơi tử tế hơn, được làm những công việc tốt hơn...
Tất nhiên là mơ mộng không dẫn thẳng tới thành công, nhưng ít nhất thì nó trao cho tôi hi vọng. Hi vọng thì tạo ra động lực để cố gắng.
Hôm nay, không phải mơ về một bữa cơm ngon hơn nữa, tôi bắt đầu mơ mộng về những điều xa xôi hơn. Rất vui vẻ vì nhờ những mơ mộng hoang đường đó, tôi đã lên kế hoạch và bắt đầu thực hiện những bước đi đầu tiên rồi.
Đối với khủng hoảng thất nghiệp, bạn cũng hoàn toàn có thể sử dụng mơ mộng như một liều thuốc an thần nhẹ để chống chọi nỗi bất an và sự nghi ngờ.
4. Giờ thì lên kế hoạch cho tương lai thôi nào!
Thất nghiệp là một điều tồi tệ, nhưng không thể không thừa nhận rằng nó cũng là một cơ hội lớn để chúng ta thay đổi cuộc sống tương lai của bản thân.
Nhân cơ hội thất nghiệp, hãy thử ngẫm nghĩ lại xem có kế hoạch lớn nào chúng ta đã bỏ quên vì bận đi làm, thậm chí là thử ngẫm nghĩ xem công việc cũ có thật sự phù hợp hay không?
Có thể sau đó bạn sẽ quyết định ngưng làm việc để đi học. Cũng có thể bạn quyết định tiếp tục đi làm. Đều không sao cả, nếu sai thì chúng ta làm lại.
Sau khi quyết định được mục tiêu cho tương lai gần, hãy đặt ra vài mốc kế hoạch lớn cho nó nhé!
Không chỉ những lúc thất nghiệp, mỗi năm một lần, bạn nên giành một ít thời gian tự hỏi lại bản thân xem mình muốn đi tới đâu và có đang lệch hướng không. Nhờ việc tự nhìn lại này, cuộc sống của chúng ta có định hướng hơn.
5. Tìm cơ hội và sự giúp đỡ ở khắp mọi nơi
Đừng ngại ngùng khi nhờ vả mọi người. Dù bạn quyết định đi học hay đi làm lại thì đều có những khó khăn nhất định. Khi bạn nhờ người xung quanh giúp đỡ, khó khăn sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn.
Những khó khăn thường thấy:
- Khó khăn về tài chính: thất nghiệp tốn nhiều tiền hơn tụi mình tưởng. Thường thì tôi sẽ tiêu hết mớ tiền lương cuối cùng trước khi nhận được lương ở chỗ làm mới. Nếu quyết định đi học thì mọi thứ còn tệ hại hơn, vừa không có lương, vừa tiêu thêm tiền. Đây là lúc khá phù hợp để nhờ vả người thân, nhớ viết giấy vay nợ cẩn thận và trả đúng theo thỏa thuận, dù là vay của bố mẹ. Hãy sống có trách nhiệm đi.
- Khó khăn về chỗ ở: công việc mới cách xa chỗ ở hiện tại chẳng hạn. Chúng ta có thể nhờ bạn bè giúp chuyển phòng vào một ngày cuối tuần. Nhớ mời trà đá để cảm ơn nhé!
- Khó khăn khi tìm kiếm công việc: trường hợp này thì có thể nhờ bạn bè cùng ngành, đồng nghiệp cũ để ý giúp hoặc tự lên mạng, tìm kiếm cơ hội trên các web và group tìm việc. Đừng ngại ngùng với chuyện hỏi han khắp nơi.
6. Nhớ ăn mừng!
Một quy tắc quan trọng của tôi là luôn tự thưởng cho bản thân mỗi lúc làm được việc gì đó. Và chuyện tìm được công việc thì rõ ràng là đáng ăn mừng rồi!
Tôi thường ăn mừng khi nhận tháng lương đầu tiên ở chỗ làm mới.
7. Chuẩn bị cho những lần thất nghiệp tiếp theo
Sau vụ suýt chết đói ở lần thất nghiệp đầu tiên, tôi quyết định bỏ ra một ít tiền phòng "hờ". Nhờ có nó, những lần thất nghiệp tiếp theo không đến nỗi khó vượt qua cho lắm.
Ngoài tiền, chúng ta có thể chuẩn bị về mặt tinh thần, tránh suy nghĩ bi quan tiêu cực và rút kinh nghiệm ở lần một để hạn chế sai sót cho lần sau.
Bạn cũng có thể lập một danh sách những việc sẽ làm nếu thất nghiệp nữa.
Trong thời đại ngày hôm nay, nơi mà mọi thứ đều xô bồ và vội vã hơn, chuyện thất nghiệp chẳng có gì là xa lạ nữa. Hi vọng bài viết này sẽ giúp cho một vài người thoát khỏi cơn khủng hoảng thất nghiệp dễ dàng hơn.
Chúc may mắn!