Những dự báo năm 2015: Mừng vui nhưng vẫn cần thận trọng, linh hoạt
(Tài chính) Năm 2015 kết thúc kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội (2011-2015). Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh về tình hình kinh tế năm 2015.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Trong năm 2014, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa VIII đã thông qua nhiều bộ luật, trong đó có 2 bộ luật quan trọng, có tác động trực tiếp đến thể chế kinh tế của Việt Nam đó là Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Đối với 2 luật này, vào năm 2005 khi mới ra đời đã tạo ra làn sóng thành lập mới các doanh nghiệp cũng như thu hút đầu tư rất mạnh mẽ. Tuy nhiên qua gần chục năm thực hiện, 2 Luật này đã bộc lộ những bất hợp lý trong điều kiện mới, mặc dù nó có thể tác động rất tốt cho giai đoạn trước, nhưng qua nhiều năm triển khai thực hiện, kinh tế thế giới và trong nước có nhiều thay đổi cho nên đã không còn phù hợp, việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư trong điều kiện mới là hết sức cấp thiết. Đây chính là sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp kể cả trong nước và nước ngoài. Với những tư tưởng rất thông thoáng và một tư tưởng xuyên suốt là cố gắng minh bạch nhất, rõ ràng nhất và giúp cho người dân và doanh nghiệp thực hiện quyền của mình là được đầu tư kinh doanh vào tất cả các lĩnh vực, ngành nghề mà luật pháp không cấm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia thị trường với chi phí rẻ nhất, để hoạt động của họ có hiệu quả hơn thì chúng tôi hoàn toàn tin rằng sau khi hai luật này có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 sẽ tạo ra môi trường rất tốt cho người dân và doanh nghiệp. Nhưng có thể tạo thành làn sóng đầu tư mới hay không thì còn phụ thuộc vào một loạt những chính sách khác kèm theo, như chính sách về tín dụng, giải quyết nợ xấu để doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn; những cải thiện về môi trường đầu tư kinh doanh... thì mới đồng bộ và tạo ra làn sóng tốt được. Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương soạn thảo thông tư, nghị định hướng dẫn thi hành luật. Tuy nhiên, tôi lo lắng về điểm rất yếu của ta là thực hiện luật. Luật có thể thiết kế không tồi, nhưng nhận thức và tổ chức thực hiện pháp luật không nghiêm, nên người thực thi, các cơ quan công quyền có thể lợi dụng để gây khó cho người dân, cho doanh nghiệp. Đây là điều cần khắc phục triệt để.
Tại Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam 2014, Bộ trưởng có nhấn mạnh về phát triển doanh nghiệp tư nhân, trong thời gian tới theo Bộ trưởng cần có chính sách gì để thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp khu vực này?
Trước hết chúng ta cần có nhiều hỗ trợ hơn nữa cho mảng doanh nghiệp tư nhân phát triển. Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam 2014 đã đưa ra 2 chủ đề lớn trong đó có chủ đề phát triển doanh nghiệp tư nhân. Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (sửa đổi) cũng đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân, nhưng chưa đủ, còn nhiều thứ cần giải quyết. Cần có nguồn vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang làm như: thành lập Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời trình Thủ tướng cho phép ra đời Luật doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo tôi, có 5 vấn đề cần hỗ trợ cho loại hình doanh nghiệp này, cụ thể thứ nhất là tạo nền tảng thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, hỗ trợ họ thực hiện ý tưởng; thứ hai, có trường nghề, đào tạo nghề vì nếu không có trường đào tạo công nhân thì không thể có doanh nghiệp tốt; thứ ba, chính sách tiếp cận tín dụng thậm chí phải ưu tiên hơn một chút, cho thời hạn hỗ trợ vốn để vòng quay dài hơn; thứ tư phải tìm thị trường, hỗ trợ thị trường cho doanh nghiệp tư nhân, điều này vô cùng quan trọng, cần cung cấp thông tin cho họ về môi trường cạnh tranh quốc tế, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của họ; cuối cùng là chuyển giao công nghệ, năng suất lao động và công nghệ là 2 yếu tố cạnh tranh nhất. Tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tư nhân nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung, đó là điều tôi trăn trở. Việt Nam cần phải nhìn nhận lại doanh nghiệp trong nước một cách rất nghiêm túc, năm 2015 là năm doanh nghiệp, cần có sự đồng thuận từ Chính phủ, các bộ ngành, làm nhiều hơn cho doanh nghiệp.
Dự thảo nghị định đầu tư theo PPP sắp được Chính phủ ban hành và được nhà đầu tư đánh giá cao, nếu được ban hành trong năm 2015 Bộ trưởng có kỳ vọng gì?
PPP đang là xu hướng không phải riêng Việt Nam, do nguồn vốn ngân sách nhà nước không nhiều, nên phải tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào kết cấu hạ tầng, đặc biệt những dự án kết cấu hạ tầng lớn và các nhà đầu tư lớn. Như vậy doanh nghiệp tư nhân trong nước có cơ hội tham gia trên rất nhiều mảng. Tôi kỳ vọng khi Nghị định ra đời sẽ tạo ra được 1 nguồn lực mới từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước. Tuy nhiên PPP không giải quyết được tất cả, nhưng nó mở ra không chỉ có nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng mà tư nhân cũng được huy động đầu tư. Đồng thời chuyển sang 1 phương thức đầu tư mới không phải nhà nước lo, mà chủ đầu tư lo vận hành và thu lại hiệu quả, nhờ đó chất lượng công trình sẽ tốt. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chọn dự án thí điểm thực hiện theo hình thức PPP ở một số lĩnh vực như giao thông, xây dựng nhà máy điện... Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang được các nhà đầu tư nước ngoài lớn xin đầu tư, đây là một hình thức tốt cần được nhân rộng.
Năm 2014 đã đi qua, nhìn lại những gì đã làm được và chưa làm được để bước sang năm 2015, Bộ trưởng có nhận định hay dự cảm gì để cùng chia sẻ với bạn đọc Tạp chí Kinh tế và Dự báo?
Tôi nghĩ những gì đạt được trong năm 2014 là một cố gắng lớn, nhưng thách thức và cơ hội của năm 2015 cũng vô cùng lớn. Năm 2015 đặt ra tăng trưởng là 6,2%, chúng ta nghĩ đơn giản vì năm nay đã tăng trưởng 5,9% rồi, năm sau 6,2% là chuyện nhỏ. Mỗi điểm phần trăm tăng trưởng ở quy mô lớn thì khác. Hơn nữa, cứ tăng trưởng theo cơ học như tăng khai thác tài nguyên thì không để lại điều gì tốt cho các năm sau, tăng trưởng không bền vững.
Bên cạnh đó, về cơ hội, chúng ta đang có nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô. Chính phủ đang làm hết mình đổi mới thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Các doanh nghiệp FDI đang coi Việt Nam là nơi dừng chân rất tốt.
Một cơ hội nữa là các FTA sắp tới hy vọng sẽ mở ra các thị trường mới. Chúng ta hy vọng cơ hội xuất khẩu sản phẩm là hàng nông sản, may mặc, tạo nhiều việc làm hơn, đạt giá trị cao hơn, đem lại lợi ích cho người sản xuất và xã hội. Doanh nghiệp cần được cung cấp đầy đủ thông tin và họ cần hiểu rằng các FTA là có lợi, nhưng quan trọng là phải chuẩn bị gì, Nhà nước phải giúp họ cái gì.
Trước hết, chúng ta phải nhìn ở góc độ khác, từ những thách thức. Động lực tăng trưởng càng giảm đi nếu chúng ta tiếp tục đi theo đường cũ, như dựa vào khai thác khoáng sản để xuất thô. Trữ lượng thì ngày càng cạn kiệt, mà giá lại giảm. Như dầu thô chúng ta dự toán bán được 100 USD/thùng, mà giờ chỉ còn được 50 USD/thùng thì khai thác có thể sẽ lỗ. Nếu giảm khai thác 30% sản lượng thì tăng trưởng giảm đi 0,8-1,2% GDP. Chúng ta đang phải đối mặt với chuyện đó.
Hơn nữa, là khi hội nhập mà chúng ta lại không chuẩn bị gì cả là thua, thậm chí còn thua trên sân nhà. Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cho phép tự do luân chuyển hàng hóa và nhân lực kỹ thuật tự do trong ASEAN vào 2015 và thuế sẽ về 0% vào năm 2018. Chẳng hạn, lao động từ các nước khác như Philippines với lợi thế tiếng Anh thông thạo, họ sang đây làm cho các tổ chức quốc tế, thì chúng ta sẽ mất rất nhiều việc làm.
Hàng hóa nước ngoài có nguy cơ tràn ngập, bóp chết sản xuất trong nước, cuối cùng chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài. Một nền kinh tế mà sản xuất không phát triển, chỉ có tiêu dùng thì không thể tồn tại. Lúc đó thất nghiệp sẽ gia tăng vì không có việc làm, cuối cùng ai cũng tranh nhau vào làm trong cơ quan hành chính nhà nước. Một nền kinh tế như vậy là rất nguy hiểm.
Ngoài ra, cá nhân tôi cho rằng đến thời điểm này các động lực phát triển đã tới hạn rồi, tức là đã hết động lực phát triển rồi. Cần tiếp tục cải cách thể chế, khắc phục các yếu kém để tạo xung lực mới cho đất nước.
Năm 2015, ngành Kế hoạch và Đầu tư kỷ niệm 70 năm thành lập, đây là chặng đường dài đánh dấu những đóng góp của Ngành với đất nước, với trách nhiệm là người đứng đầu một bộ tham mưu tổng hợp, Bộ trưởng có lời nhắn gì với cán bộ, công chức ngành Kế hoạch và Đầu tư, Thống kê, nhân dịp Xuân Ất Mùi?
Với chức năng là Bộ tham mưu tổng hợp về chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; quy hoạch phát triển, cơ chế, chính sách quản lý kinh tế chung và một số lĩnh vực cụ thể; đầu tư trong nước, đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài; khu kinh tế … Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã, đang và sẽ nỗ lực tham mưu với Chính phủ các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được đánh giá cao nhất là trên các diễn đàn, hội nghị trong nước và các tổ chức quốc tế. Đây là nguồn động viên rất lớn để cán bộ trong Ngành tự hào và hăng say, nỗ lực hơn nữa trong công việc, đóng góp nhiều những chính sách có ích cho sự phát triển của đất nước. Năm 2015, ngành Kế hoạch và Đầu tư sẽ chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, tôi đề nghị các cấp ủy đảng trong Ngành phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, kỷ luật kỷ cương của Đảng bảo đảm tăng cường đoàn kết, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức Đảng. Cũng năm nay Kỷ niệm 70 năm ngành Kế hoạch và Đầu tư, Thống kê, chúng ta có trách nhiệm không chỉ làm phong phú thêm “kho tư liệu lịch sử” của ngành, mà còn góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ của ngành Kế hoạch và Đầu tư, Thống kê tiếp tục vươn lên cùng với sự nghiệp đổi mới của đất nước.
Nhân dịp đầu đón Xuân Ất Mùi, Tết cổ truyền dân tộc, thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và nhân danh cá nhân, tôi trân trọng gửi lời cảm tạ và tri ân sâu sắc đến các vị tiền bối, lão thành cách mạng và toàn bộ cán bộ, công nhân viên chức ngành Kế hoạch và Đầu tư, tất cả những người đã góp sức làm nên lịch sử 70 năm của Ngành chúng ta. Chúc một năm mới hạnh phúc, an khang và thịnh vượng!
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng và kính chúc Ông và gia đình một năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc!