Những giải pháp phòng vệ thiết thực cho ngành Mía đường

Q.X

Trước cú đấm kép từ đường lậu và đường nhập khẩu giá rẻ từ Thái Lan, các biện pháp phòng vệ đã được đưa ra thảo luận nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành Mía đường Việt Nam, trong khi vẫn đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế và ATIGA.

Theo số liệu thống kê, trong tổng số 950.000 tấn mía đường được nhập về Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2020, gần 85% là đường nhập từ Thái Lan, tăng gần 6 lần so với cùng kỳ và gần 3 lần cả năm 2019. Đó là chưa kể hàng trăm tấn đường nhập lậu được lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ thời gian qua.

Đường giá rẻ tràn vào Việt Nam ồ ạt được cho là nguyên nhân chính gây thiệt hại cho ngành Mía đường trong nước. Sản lượng đường mía Việt Nam niên vụ 2019/2020 ước tính chưa tới 800.000 tấn, giảm 1,2 triệu tấn so với niên vụ trước. Trong khi đó, nhiều nông dân phải bỏ nghề, 11/40 nhà máy mía đường phải đóng cửa.

Trước thực trạng này, để tái thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng trong khu vực, bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của nông dân và doanh nghiệp Việt Nam, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nhiều biện pháp phòng vệ cho ngành Mía đường đã và đang được nghiên cứu, thảo luận.

Áp thuế phòng vệ thương mại

Trong nhóm các giải pháp, áp thuế phóng vệ thương mại (PVTM) là một trong những nội dung được đưa ra bàn luận đầu tiên. Sắp tới, nếu kết quả điều tra cho thấy mặt hàng mía đường nhập khẩu từ Thái Lan có biên độ bán phá giá hoặc mức trợ cấp vượt quá quy định của pháp luật và cam kết quốc tế, gây thiệt hại hoặc đe doạ gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất đường Việt Nam, nhiều khả năng thuế PVTM có thể được kích hoạt để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước.

Thuế nhập khẩu đối với đường thô và đường trắng nếu được điều chỉnh lên với tỷ lệ phù hợp sẽ bảo vệ ngành sản xuất nội địa, hài hoà lợi ích nhiều bên.
Thuế nhập khẩu đối với đường thô và đường trắng nếu được điều chỉnh lên với tỷ lệ phù hợp sẽ bảo vệ ngành sản xuất nội địa, hài hoà lợi ích nhiều bên.

Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cho thấy áp thuế PVTM cao cũng đồng nghĩa giá đường sẽ được đẩy lên. Nhờ vậy, nông dân có thể bán được mía giá tốt, tăng thêm thu nhập. Nhưng điều đó cũng dễ dẫn đến tình trạng người trồng mía “chủ quan”, không đầu tư cải thiện năng suất, từ đó đánh mất lợi thế khi hội nhập. 

Mặt khác, mức thuế cao sẽ khiến giá thành sản xuất các sản phẩm từ đường như bánh kẹo, nước ngọt… gia tăng, gây khó khăn cho doanh nghiệp sử dụng đường và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nếu giá đường cao, trong khi năng lực sản xuất nội địa chưa đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường sẽ dễ phát sinh tình trạng nhập lậu đường, thị trường đường rơi vào tay các đầu nậu buôn lậu. Điều này không chỉ gây bất lợi cho doanh nghiệp sản xuất đường trong nước vì phải cạnh tranh với đường lậu, gây thiệt hại cho ngành Mía đường mà còn khiến nhà nước bị thất thu nguồn thuế.

Ở một kịch bản khác, nếu áp thuế PVTM quá thấp, giá đường sẽ gia tăng không đáng kể. Lúc này, tình trạng đường nhập lậu sẽ được kiểm soát. Thuế PVTM thấp cũng kéo theo giá đường, nguồn nguyên liệu đầu vào chủ yếu của nhiều dòng sản phẩm chế biến thực phẩm, nước uống cũng giảm đi tương ứng. Giá thành đầu vào của các doanh nghiệp sử dụng đường giảm nên những sản phẩm này khi đến tay người tiêu dùng sẽ có giá thành “mềm” và cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, cả nông dân và nhà sản xuất đường sẽ phải chịu áp lực về chi phí khi thu nhập từ đường và mía không đủ bù đắp. Vì vậy, Nhà nước dù siết được tình trạng đường lậu nhưng vẫn chưa thể khôi phục toàn bộ ngành Mía đường.

Mỗi kịch bản đều đem lại những lợi ích và tiềm ẩn nhiều bất cập. Vì thế, Nhà nước cần xác định một mức thuế PVTM hợp lý giữa đường thô và đường trắng để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên, ổn định thị trường và tái lập môi trường cạnh tranh công bằng.

Ngoài ra, để chính sách thuế PVTM phát huy hiệu quả tối đa, việc áp thuế cần được kéo dài 4-5 năm và có thể gia hạn không hạn chế số lần. Đây cũng là phương thức áp thuế PVTM mà Mỹ đang áp dụng cho hàng trăm mặt hàng nhập khẩu, trong đó có đường.

Tiến hành điều tra, khởi kiện các sự việc bán phá giá, trợ cấp quá mức

Tiến hành điều tra và khởi xướng các vụ kiện tụng liên quan đến bán phá giá, trợ cấp quá mức cũng được xem là động thái quyết liệt để bảo vệ ngành Mía đường Việt Nam. Tháng 9/2020, Bộ Công thương đã khởi xướng cuộc điều tra chống phá giá, chống trợ cấp với một số sản phẩm mía đường nhập khẩu từ Thái Lan.

Nếu có đủ bằng chứng thuyết phục, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ Brazil khởi kiện Thái Lan ra toà án quốc tế, yêu cầu nước này điều chỉnh giá đường cao hơn giá mía, gỡ bỏ chính sách trợ cấp mà Chính phủ Thái Lan đang thực hiện để bảo hộ ngành Mía đường nội địa. Giải pháp này được kỳ vọng sẽ đẩy giá đường thế giới lên cao hơn giá thu mua mía. Từ đó, nông dân Việt Nam có thể bán được mía giá tốt, thu lãi lớn; đồng thời các nhà máy mía đường cũng vượt qua được giai đoạn khó khăn và tăng tốc phát triển.

 Nông dân lẫn doanh nghiệp Việt Nam đều đang mong muốn bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình bằng các biện pháp PVTM và ngăn chặn đường lậu.  
 Nông dân lẫn doanh nghiệp Việt Nam đều đang mong muốn bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình bằng các biện pháp PVTM và ngăn chặn đường lậu.  

Phát hiện và xử lý nghiêm với đường lậu

Đối với đường lậu, để kịp thời phát hiện và xử lý, nhiều biện pháp “mạnh tay” đã từng bước được triển khai. Theo đó, Tổng cục Quản lý thị trường được giao nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định số 185/2013/NĐ-CP trình Bộ Công Thương và Chính phủ theo hướng nâng cao mức xử phạt và các hình thức răn đe đối với hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ mặt hàng đường nhập lậu.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và các hành vi tiếp tay buôn lậu với hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng đường và chất tạo ngọt.

Khi những giải pháp trên được triển khai đồng bộ và quyết liệt, tin rằng ngành Mía đường Việt Nam sẽ sớm vượt qua được giai đoạn khó khăn, phát huy tiềm lực, khẳng định vị thế chủ chốt của mình đối với nền kinh tế đất nước và vươn ra khu vực cũng như thế giới.