Thuế phòng vệ: Giải pháp cho thâm hụt thương mại ngành Đường

Q.X

Thuế phòng vệ đang được xem xét là chìa khóa "3 trong 1" tháo gỡ các vấn đề về thâm hụt thương mại, an ninh lương thực quốc gia, việc làm và an sinh xã hội cho gần 37 vạn lao động.

Thực trạng thâm hụt thương mại ngành đường

Theo số liệu thống kê, trong 10 tháng đầu 2020, sau khi trừ đi lượng đường đã xuất, Việt Nam thâm hụt lên đến 884.285 tấn đường. Đây là con số lớn chưa từng có, sau gần một năm Việt Nam gia nhập Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Giữa bối cảnh thâm hụt và nhập siêu, tồn tại nghịch lý là sản lượng đường trong nước lại đang dư thừa. Nhà máy tồn kho, phải bán lỗ một phần đường tinh tuyện dưới cả chi phí sản xuất để có nguồn tiền lưu động vận hành doanh nghiệp. Ngoài các cánh đồng, nông dân nhiều vựa mía trên cả nước không bán được hoặc phải bán mía với giá thấp hơn bao tiêu.

Nhìn lại những nỗ lực 2 năm chuẩn bị trước ATIGA, ngành Mía đường đã gia nhập với tinh thần “sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cạnh tranh thắng lợi theo thông lệ thế giới”.

Các nhà máy hiệu suất thấp, công nghệ lạc hậu chịu dẹp bỏ; nhường chỗ cho loạt nhà máy then chốt, hiệu suất cao đứng vững. Doanh nghiệp cùng nông dân xây dựng các vùng mía tập trung, cải tiến giống, cơ giới hóa, nhiều nơi tăng năng suất lên 70-200 tấn mía/ha với chữ đường cao trên 11 CCS.

Thuế phòng vệ: Giải pháp cho thâm hụt thương mại ngành Đường  - Ảnh 1

Song tốc độ đổi mới và phát triển của ngành Đường Việt Nam chưa đuổi kịp tốc độ tấn công của đường ngoại tràn vào thị trường nội địa. Việc thâm hụt cán cân thương mại ngành Đường đã phần nào ảnh hưởng đến nông dân và doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Nếu do kinh tế thị trường, cạnh tranh lành mạnh và sòng phẳng thì cả nông dân lẫn doanh nghiệp sẽ phải chấp nhận và nỗ lực hơn để “cứng cáp”. Song điều đáng nói, đường nội địa tiêu thụ chậm được cho là hệ quả do Thái Lan có dấu hiệu bán phá khi qua “sân nhà” Việt Nam.

Thâm hụt thương mại ngành đường do đâu đến nỗi?

Ngay từ tháng 1/2020, khi ATIGA vừa có hiệu lực, giá đường trong nước đã đứng yên trong khi đường thế giới tăng cao kỉ lục. Thái Lan, nhà sản xuất đường lớn thứ 4 thế giới và lớn nhất ASEAN, đã và đang xuất khẩu đường vào Việt Nam với giá còn thấp hơn cả giá mua mía sản xuất tại Thái Lan.

Số liệu từ Văn phòng Hội đồng Mía đường Thái Lan (OCSB), cho thấy  trong 7 tháng  đầu năm 2020, Thái Lan đã xuất khẩu một lượng đường lớn sang Việt Nam, với giá tương đương 364,6 USD/tấn. Mức giá này không chỉ rẻ hơn giá bán đường tại thị trường nội địa Thái Lan được niêm yết vào tháng 09/2020 là 732 USD/tấn, mà còn thấp hơn cả mức chi phí mua mía 410 USD/tấn để làm đường.

Hồi giữa năm, cùng chịu ảnh hưởng của hạn hán, song Việt Nam vẫn thu hoạch bình quân 53 tấn mía/ha, cao hơn 44 tấn mía/ha của Thái Lan. Dù vậy, mía đường Việt vẫn yếu thế trước gói tài trợ 10 tỷ Bath (317 triệu USD) cho ngành Đường của Chính phủ Thái Lan. Được “hậu thuẫn” từ Chính phủ, đường Thái Lan có “ưu thế về giá” đã tràn vào Việt Nam, đe dọa làm thiệt hại nghiêm trọng đến ngành sản xuất trong nước.

Thuế phòng vệ: Giải pháp cho thâm hụt thương mại

Thâm hụt thương mại luôn là bài toán trăn trở của các nhà kinh tế và chính trị, đặc biệt là bài toán ngành Đường liên quan đến vấn đề: An ninh lương thực quốc gia, Vị thế kinh tế trên bản đồ thế giới, Việc làm và An sinh xã hội cho gần 37 vạn nông dân, công nhân...

Trước đây, niên vụ 2015/2016, cả nước có 284.000 ha mía, chiếm 5% diện tích đất nông nghiệp cả nước. Ngành sản xuất được 1.237.300 tấn đường, giá đường bán lẻ bình quân cả nước khoảng 20.000 đồng/kg, doanh thu toàn ngành đạt 24,8 ngàn tỷ đồng, chiếm 0,53% GDP cả nước. Giá mua mía 10 CCS tại ruộng từ 850-1.050 đồng/kg, đảm bảo đời sống cho nông dân.

Song hiện tại, đường Thái Lan giá rẻ đã trực tiếp kéo sản lượng đường mía trong nước niên vụ 2019-2020 sụt giảm gần 35%, xuống còn chưa tới 800.000 tấn. Giá trước VAT của đường RS hiện chỉ còn 9.800 đồng/kg (giảm 2.200 đồng/kg so với năm trước), đường RE chỉ còn 11.000 đồng/kg (giảm 2.300 đồng/kg so với năm trước). Giá thu mua mía thấp kỷ lục, giảm còn 750 đồng/kg mía 10 chữ đường, nông dân thua lỗ nặng nề.

Trước vấn đề thâm hụt do nghi ngờ cạnh tranh không sòng phẳng, Thủ tướng Chính phủ đã vào cuộc yêu cầu Bộ Công Thương điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế để bảo vệ đúng đắn sản xuất mía đường trong nước. 

Thuế phòng vệ thương mại đang được xem xét là chìa khóa "1 trong 3" tháo gỡ tất cả các vấn đề trên. Một khi được áp dụng, mức thuế hợp lý sẽ giúp bình ổn giá đường trong nước, giữ người nông dân bám trụ với cây mía, gia tăng diện tích trồng mía và năng suất tạo tiền đề cạnh tranh giá trong tương lai, đồng thời tạo thêm công ăn việc làm cho hàng vạn công nhân địa phương có nhà máy đường.

Không chỉ bảo đảm quyền lợi chính đáng của nông dân, công nhân và các doanh nghiệp sản xuất đường nội địa, mức thuế phòng vệ hợp lý sẽ bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ đường như bánh kẹo, nước ngọt… và nhà nước.

Một mặt, trong dài hạn, mức thuế này sẽ góp phần duy trì thế cân bằng giữa đường nội và đường ngoại cả về sản lượng và mức giá, đảm bảo nguồn cung đường ổn định cho người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Mặt khác, mức thuế với tỷ lệ phù hợp sẽ nâng giá đường trong nước lên cao vừa đủ, giảm chênh lệch với giá đường các nước, từ đó hạn chế tình trạng nhập lậu đường, tránh gây thiệt hại cho ngành Mía đường Việt Nam trong khi đảm bảo nguồn thuế thu cho ngân sách quốc gia.