Những làn gió ngược ngày càng mạnh mẽ, Trung Quốc tính đến biện pháp kích thích mới
Chính phủ Trung Quốc đang tập trung thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn kịp thời tác động của trở lực tới tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Nội các Trung Quốc vừa phát tín hiệu sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc song song với việc kêu gọi nhanh chóng giảm chi phí đi vay cho các doanh nghiệp, một hành động nhằm mục đích bơm thêm tiền vào nền kinh tế vốn đang tỏ ra ì ạch.
Theo tuyên bố sau cuộc họp giữa tuần này, Quốc vụ viện Trung Quốc đang kêu gọi cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc kịp thời để hỗ trợ nền kinh tế cũng như đẩy nhanh việc thực hiện các biện pháp giảm chi phí vay thực tế.
Ngân hàng trung ương thường tuân theo các yêu cầu như vậy từ Quốc vụ viện về tỷ lệ dự trữ. NHTW Trung Quốc PBOC đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc vào tháng 1, sau một thông báo tương tự từ cuộc họp Quốc vụ viện vào tháng 12 năm ngoái.
Tại cuộc họp, chính phủ cũng kêu gọi tăng tốc phát hành trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương. Trái phiếu chủ yếu được sử dụng để thanh toán chi tiêu cơ sở hạ tầng.
Đây là tín hiệu nới lỏng tài chính mạnh mẽ nhất từ trước đến nay. Các biện pháp chính sách dự kiến sẽ hỗ trợ cho nền kinh tế thực, giảm nguy cơ tăng trưởng tiếp tục chậm lại trong nửa cuối năm, mặc dù chưa rõ Chính phủ Trung Quốc sẽ nới lỏng bao nhiêu.
Tuyên bố này được đưa ra khi ngày càng nhiều nhà kinh tế cắt giảm dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội năm 2020 xuống dưới 6% do rủi ro gia tăng từ cuộc chiến thuế quan với Mỹ. Cách tiếp cận của chính phủ để kích thích kinh tế cho đến nay là chưa đủ. Theo số liệu của Bloomberg, trong tháng 8, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã chậm lại và sản xuất đang tiếp tục suy giảm.
Các nhà nghiên cứu kinh tế hy vọng việc cắt giảm chi phí cũng như tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ sớm được thực hiện trong tháng này, thậm chí ngay trong tuần này.
Tuyên bố nhấn mạnh nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với những trở lực ngày càng tăng. Quốc vụ viện quyết định mở rộng các lĩnh vực mà các quỹ huy động thông qua trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương có thể đầu tư vào năm 2020, bao gồm vận tải, năng lượng, nông lâm nghiệp, giáo dục nghề nghiệp và chăm sóc y tế.
Nhà kinh tế trưởng của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, bà Gita Gopinath cho biết chính sách nới lỏng kinh tế của Trung Quốc trong tương lai nên được sử dụng nhiều hơn trong dư địa tài chính, đối chọi với chính sách tiền tệ.
Nếu Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc quyết định cắt giảm tỷ lệ dự trữ trong tháng này, mức giảm thực tế dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 15 hoặc 25. Cùng với ngày 5 mỗi tháng, đây là những ngày các ngân hàng điều chỉnh tỷ lệ nắm giữ để đảm bảo tuân thủ các quy định dự trữ.