Những lĩnh vực bị tác động bởi xung đột Nga - Ukraine
Chiến trường vũ trang chỉ xảy ra tại Ukraine nhưng gây ra phản ứng dữ dội tại nhiều quốc gia trên thế giới với các lệnh trừng phạt kinh tế nhắm vào Nga. Xung đột Nga - Ukraine dự báo sẽ gây ra nhiều đe doạ đối với nền kinh tế toàn cầu.
Theo đó, Nga đang phải chịu các lệnh trừng phạt do các nước phương Tây áp đặt, bao gồm việc loại bỏ nhiều ngân hàng của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Những đòn trừng phạt này không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế Nga mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu. Cuộc xung đột này có thể ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu thô, đặc biệt là hàng công nghiệp.
Năng lượng
Ở thời điểm hiện tại, nhiều nước châu Âu vẫn phụ thuộc vào nguồn xuất khẩu năng lượng của Nga, đặc biệt là khí đốt thông qua một số đường ống dẫn quan trọng. Ngay cả khi xung đột kết thúc, vẫn có khả năng các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt đối với Nga sẽ được tiếp tục. Điều này sẽ khiến các quốc gia châu Âu gặp khó khăn trong việc nhập khẩu khí đốt. Gián đoạn nguồn cung từ phía Nga, các doanh nghiệp nhập khẩu năng lượng đang phải tìm các đối tác thay thế.
Hôm 2/3, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) đã có cuộc họp thảo luận về tình hình thị trường dầu mỏ thế giới. Cuộc họp nhằm quyết định có nên làm theo kế hoạch gia tăng sản lượng để ứng phó với những biến động mạnh mẽ trên thị trường hay không.
Nhưng OPEC+ chỉ đồng ý tăng sản lượng nhỏ giọt. Đó là điều chỉnh tăng sản lượng tổng thể hàng tháng lên 400.000 thùng/ngày trong tháng 4 tới.
Trong phiên giao dịch chiều ngày 3/3, giá dầu thô Brent đã leo lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2012 là 119,84 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI chạm 116,57 USD/thùng - mức “đỉnh” trong vòng 14 năm qua.
Vận tải
Vận tải toàn cầu vốn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì đại dịch COVID-19 nay sẽ càng tồi tệ hơn vì chiến tranh.
Các phương thức vận tải có khả năng bị ảnh hưởng là vận tải biển và vận tải đường sắt. Mặc dù đường sắt chỉ vận chuyển một tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng hàng hóa giữa châu Á và châu Âu nhưng trong thời gian gần đây, phương thức vận chuyển này lại đóng một vai trò quan trọng khi vận tải đường biển đang bị gián đoạn. Tuyến giao thông đường sắt của một số nước như Lithuania dự kiến sẽ bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt chống lại Nga.
Chuỗi cung ứng
Sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế thế giới hậu đại dịch khiến các công ty phải nhanh chóng nhập nguyên liệu và linh kiện để sản xuất hàng hoá nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng. Các nhà máy, cảng biển và bãi vận chuyển hàng hoá quá đông đồng nghĩa với việc thiếu hụt, chậm chễ vận chuyển và giá cước vận chuyển ngày càng cao hơn. Khi các ngành công nghiệp của Nga và Ukraine bị gián đoạn, chuỗi cung ứng lại càng lâm vào thế khó và còn rất lâu mới khôi phục trở lại điều kiện bình thường.
Mark Zandi - Nhà kinh tế học tại Moody's Analytics - lưu ý rằng, Nga và Ukraine cùng sản xuất 70% số lượng neon trên thế giới, cho thấy vai trò quan trọng trong việc sản xuất chất bán dẫn. Điều đó khiến xung đột giữa hai nước đặc biệt đáng lo ngại, bởi thế giới nói chung và các nhà sản xuất ô tô nói riêng đang phải chịu đựng tình trạng thiếu chip máy tính.
Xung đột giữa Nga và Ukraine 8 năm trước liên quan đến Crimea đã khiến giá neon tăng 600%, dù các nhà sản xuất chip sau đó đã tích trữ neon và tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho nguồn cung cấp của Nga.
Nga và Ukraine cùng cung cấp 13% titan cho thế giới, được sử dụng để sản xuất máy bay phản lực chở khách và 30% palađi, được sử dụng cho ô tô, điện thoại di động và chất hàn răng. Nga cũng là nước sản xuất niken lớn, được sử dụng để sản xuất pin ô tô điện và thép.
Dầu ăn
Ukraine chiếm gần một nửa kim ngạch xuất khẩu dầu hướng dương toàn cầu. Nếu chiến tranh tại Ukraine cản trở việc thu hoạch và chế biến dầu, hoặc xuất khẩu bị chặn, các nhà nhập khẩu sẽ gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung cấp thay thế. Tại Ấn Độ, khi nguy cơ gián đoạn nguồn cung hiện hữu, giá dầu ăn tiêu thụ hàng ngày sẽ phải tăng giá trong vòng vài tuần tới. Theo các nhà sản xuất dầu ăn hàng đầu của nước này, hơn 70% dầu ăn thô của nước này là nhập khẩu. Đối với dầu hướng dương, tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn.
An ninh lương thực
Ukraine và Nga chiếm 30% lượng lúa mì xuất khẩu của thế giới, 19% ngô và 80% dầu hướng dương - tất cả được sử dụng trong chế biến thực phẩm. Theo Hãng tin AP, phần lớn nguyên liệu thực phẩm của 2 nước này được chuyển đến các nước nghèo, bất ổn như Yemen và Libya.
Việc các trang trại ở miền đông Ukraine có thể chịu ảnh hưởng của chiến tranh cũng như đứt gãy vận tải qua cảng Biển Đen có thể làm giảm nguồn cung lương thực mặc dù giá lương thực đang ở mức cao nhất kể từ năm 2011 và ảnh hưởng đến các quốc gia thiếu lương thực.
Lạm phát
Xung đột Nga - Ukraine xảy ra vào thời điểm khá rủi ro đối với Cục Dự trữ liên bang Mỹ và các ngân hàng trung ương khác. Các ngân hàng trung ương đang đau đầu tính toán trước sự gia tăng lạm phát bất ngờ trong năm vừa qua - phần lớn là do các nền kinh tế đang hồi phục mạnh.
Vào hồi tháng 1 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng 7,5% so với một năm trước đó, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1982. Tại châu Âu, tháng trước, lạm phát đã tăng lên mức kỷ lục - 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái đối với 19 quốc gia sử dụng đồng tiền chung euro.
Mark Zandi - Nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics phân tích: “Giờ đây, các cuộc giao tranh và lệnh trừng phạt làm gián đoạn trao đổi kinh tế giữa Nga và thế giới có thể đẩy giá tiêu dùng cao hơn bao giờ hết, đặc biệt là đối với lĩnh vực năng lượng.”