Những mẫu ô tô khan hàng, tăng giá bán tại đại lý
Nhu cầu tăng cao kèm với nguồn cung hạn chế khiến một số mẫu xe rơi vào tình trạng khan hàng và tăng giá bán thực tế.
Từ sau Tết Nguyên đán, nhiều mẫu xe mới đã được ra mắt tại Việt Nam. Điều này không chỉ giúp thị trường ôtô trong nước trở nên sôi động hơn, nó còn bổ sung thêm nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng. Một số mẫu xe nhập khẩu có nguồn cung không ổn định, trong khi nhu cầu tăng cao đã dẫn đến tình trạng khan hàng và tăng giá bán tại đại lý.
Toyota tăng giá nhiều mẫu xe
Toyota Việt Nam cho biết sẽ tăng giá niêm yết nhiều dòng xe từ tháng 5/2022. Bao gồm 2 dòng xe lắp ráp trong nước là Vios và Innova, cùng 7 mẫu xe nhập khẩu khác. Trong đó, mức tăng của Vios và Innova là thấp nhất, khoảng 5-6 triệu, trong khi các mẫu xe nhập khẩu có mức tăng 17-40 triệu đồng.
Cụ thể, tất cả phiên bản Toyota Vios tăng giá đồng loạt 5 triệu đồng, Toyota Innova tăng giá 5 triệu đồng đối với các bản 2.0G và 2.0E, bản 2.0V và 2.0 Venture tăng giá 6 triệu đồng.
Toyota Camry có mức tăng 18-21 triệu đồng, Toyota Corolla Cross tăng giá 16 triệu đồng trên tất cả phiên bản, Toyota Raize tăng 20 triệu đồng, Yaris tăng 16 triệu đồng. Các mẫu xe cao cấp như Land Cruiser, Land Cruiser Prado và Alphard tăng giá 40 triệu đồng.
Các mẫu xe như Fortuner, Wigo, Corolla Altis, Veloz Cross và Avanza Premio vẫn được giữ nguyên giá niêm yết. Tuy nhiên, một số mẫu xe có nhu cầu cao, khan hàng cũng được tăng giá bán tại đại lý.
Tiêu biểu như Veloz Cross, lô xe đầu tiên được nhập khẩu từ Indonesia có số lượng hạn chế, từ đó dẫn đến nguồn cung không đủ đáp ứng. Một số đại lý gắn sẵn phụ kiện bao gồm gói phủ gầm, phim cách nhiệt, lót sàn, camera hành trình.... với mức giá 30-50 triệu đồng.
Đây không phải lần đầu tiên một mẫu xe của Toyota khan hàng và xuất hiện tình trạng "bia kèm lạc". Trước Veloz Cross, một số mẫu xe nhập khẩu khác như Toyota Raize hay Toyota Land Cruiser cũng có tình trạng đại lý yêu cầu mua thêm phụ kiện.
Hyundai Creta và Tucson khan hàng, đại lý kê giá bán
Mẫu SUV đô thị Hyundai Creta được ra mắt tại Việt Nam vào giữa tháng 3/2022. Xe có 3 phiên bản gồm Tiêu chuẩn, Đặc biệt và Cao cấp, giá bán lần lượt 620 triệu, 670 triệu và 730 triệu đồng.
Tuy nhiên do nhu cầu tăng cao, nhiều đại lý đã tăng giá bán thực tế của mẫu xe này. Cụ thể, phiên bản Tiêu chuẩn có giá cao hơn niêm yết 15 triệu đồng, phiên bản Đặc biệt cao hơn 20 triệu đồng và phiên bản Cao cấp cao hơn 30 triệu đồng.
Trước đó, Hyundai Tucson cũng có tình trạng tương tự. Được ra mắt vào cuối năm 2021 với giá bán từ 825 triệu đồng đến 1,020 tỷ đồng, Hyundai Tucson nhanh chóng trở thành cơn sốt trên thị trường. Nhu cầu đối với mẫu xe này cũng rất lớn, tuy nhiên nguồn cung không đủ đáp ứng, khiến nhiều khách hàng phải chờ đợi trong nhiều tháng vẫn chưa nhận được xe.
Ngay sau khi ra mắt, giá bán thực tế của Hyundai Tucson đã cao hơn 40-50 triệu đồng so với giá niêm yết. Khách hàng đặt cọc phải "xếp hàng" để nhận được xe, nếu muốn nhận xe sớm, người dùng phải chấp nhận mua "bia kèm lạc" trên 100 triệu đồng. Đáng nói, dù phải chi số tiền lớn để mua phụ kiện, nhiều người dùng vẫn phải chờ đến 2-3 tháng mới nhận được xe.
Ford Explorer có giá bán chênh 200-300 triệu đồng
"Tân binh" Ford Explorer 2022 được ra mắt từ đầu tháng 1 nhưng đến nay lượng xe được bàn giao vẫn rất ít do nguồn cung hạn chế. Lô xe đầu tiên về đại lý vào tháng 2 đã có giá bán thực tế chênh 200 triệu đồng so với giá niêm yết.
Sang đến tháng 4, tình trạng này vẫn tiếp diễn với mức chênh lệch 200-300 triệu đồng tùy đại lý. Theo tìm hiểu của Zing, mức chênh lệch này có thể tăng lên nữa trong thời gian tới.
"Đối với Ford Explorer 2022, mẫu xe này đang trong tình trạng khan hàng trầm trọng. Đại lý chúng tôi không có đủ xe để giao cho khách. Trong tháng 4, chúng tôi nhận được 2, 3 xe thì cũng đã bàn giao hết. Tình trạng này dự kiến tiếp diễn đến tháng 5, tháng 6, giá bán thực tế có thể sẽ còn tăng nữa", một nhân viên tư vấn bán hàng của Ford tại TP. Hồ Chí Minh cho biết.
Việc đại lý tăng giá bán thực tế hoặc bán "bia kèm lạc" vẫn thường xuyên xảy ra tại thị trường Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn cuối năm, cận Tết Nguyên đán do nhu cầu mua sắm tăng cao.
Nhưng năm nay, nhiều mẫu xe vẫn gặp tình trạng này đến tận tháng 4. Tình trạng thiếu chip bán dẫn gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, khiến năng lực sản xuất của nhiều nhà máy suy giảm và không đáp ứng kịp nhu cầu thị trường. Điều này khiến nhiều mẫu xe khan hàng, dẫn đến việc tăng giá bán.