Những mô hình “Siêu ủy ban” của các nước đi trước
Cùng ý tưởng thành lập tổ chức quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp nhưng tính hiệu quả tại mỗi quốc gia lại khác nhau.
Ngày 30/9 Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước chính thức ra mắt. Kể từ 1/10/2018, 19 Tập đoàn, tổng công ty sẽ chuyển sở hữu nhà nước về uỷ ban, dự kiến đơn vị này sẽ quản lý hơn 1 triệu tỷ đồng phần vốn nhà nước, với tổng tài sản hơn 2,3 triệu tỷ đồng. Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước Việt Nam ra đời nhằm tách biệt chức năng quản lý của Nhà nước và chức năng kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng lực quản lý, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp.
Cùng ý tưởng thành lập tổ chức quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp nhưng tính hiệu quả tại mỗi quốc gia lại khác nhau.
Trong số các ý tưởng và định hướng xây dựng một tổ chức kiểm soát và quản lý vốn Nhà nước, mô hình của Singapore được xem là hình mẫu cho nhiều quốc gia.
Năm 1974, Temasek Holdings được Chính phủ Singapore thành lập nhằm quản lý tài sản vốn nhà nước, trực thuộc Bộ Tài chính. Việc thành lập tập đoàn này nhằm tách biệt vai trò điều hòa và ra chính sách của Chính phủ khỏi vai trò kinh doanh vốn nhà nước.
Ban đầu, tập đoàn tập trung đầu tư nắm giữ cổ phần trong các công ty nhà nước Singapore có vai trò trọng yếu đối với nền kinh tế trong các lĩnh vực bất động sản, tài chính, hàng không, viễn thông như: Tập đoàn Hàng không Singapore Airlines, Tập đoàn Năng lượng SingPower, Tập đoàn Viễn thông SingTel.
Từ năm 2002, Temasek mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài, đa dạng hóa đầu tư, tăng lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro. Năm 2011, hoạt động đầu tư của Temasek vươn ra trên toàn thế giới.
Tính tới thời điểm 31/3/2018, giá trị tài sản ròng của Temasek đạt 308 tỷ SGD, gấp 4 lần so với năm 2002, tăng 33 tỷ SGD so với cùng thời điểm năm trước.
Trong 10 năm qua, thu nhập từ cổ tức bình quân hàng năm của Temasek đạt hơn 7 tỷ SGD. Tổng lợi nhuận cổ đông khoảng 15%.
Đến nay, với năng lực hoạt động và danh mục đầu tư tài chính đa dạng ổn đinh Temasek là một trong số ít các công ty được xếp hạng AAA theo đánh giá của Standard & Poors và Aaa theo Moody’s.
Những thành công của Temasek đến từ mô hình và định hướng quản lý đặc thù của tập đoàn này. Dù là doanh nghiệp thuộc sở hữu của Nhà nước nhưng Temasek được quyền hoạt động độc lập và ra các quyết định đầu tư tự chủ, đề cao nguyên tắc thị trường và tối đa hóa lợi nhuận trong dài hạn. Lĩnh vực rót vốn của Temasek không bị giới hạn, và vươn tới nhiều quốc gia.
Trong cơ cấu danh mục đầu tư của Temasek, các khoản đầu tư tại Singapore chiếm 27%, tại Trung Quốc chiếm 26%, và 15% đến từ các quốc gia châu Á khác. Tập đoàn này cũng đầu tư tại Bắc Mỹ và châu Âu với giá trị chiếm 13% và 9% danh mục, đồng thời rót vốn vào Úc, New ZeaLand…
Về lĩnh vực đầu tư, dịch vụ tài chính chiếm tỷ trọng cao nhất trong danh mục của Temasek với 26% giá trị, theo sau là công nghệ, viễn thông chiếm 21% và công nghiệp, vận chuyển cùng tiêu dùng bất động sản chiếm 16%.
Với quyền tự quyết trong kinh doanh, Temasek không bị chi phối bởi nhóm chính trị gia hoặc Chính phủ. Các thành viên trong bộ máy quản trị là các cá nhân độc lập thuộc mọi tầng lớp, ngành nghề khác nhau, ở trong nước hoặc nước ngoài, đến từ cả khu vực công và tư, tự chịu trách nhiệm đối với các quyết định điều hành của mình. Điều này cho thấy mô hình của Temasek đã thoát khỏi hình thức của một doanh nghiệp nhà nước, tránh được rủi ro về lợi ích nhóm.
Một số khoản đầu tư của Temasek trong lĩnh vực tài chính
Temasek là một trong số ít tổ chức thuộc sở hữu của Nhà nước công bố báo cáo tài chính và minh bạch hoạt động đầu tư dù được quyền miễn trừ. Hàng năm, tập đoàn này công bố kết quả kinh doanh hàng năm được kiểm toán cũng như danh mục đầu tư, lợi nhuận cổ đông, cơ chế đầu tư, quản trị điều hành, định hướng và mục tiêu đầu tư kinh doanh, danh mục tài sản đầu tư và nhiều thông tin khác.
Bên cạnh Temasek của Singapore, một tổ chức khác của Maylaysia dù ít có tiếng hơn nhưng cũng đạt được một số thành công nhất định là Khzanah thành lập từ năm 1993.
Doanh nghiệp này có nhiệm vụ quản lý các khoản vốn đầu tư do Chính phủ Malaysia giao, thực hiện các khoản đầu tư mới trong các ngành, lĩnh vực mang tính chiến lược, lĩnh vực công nghệ cao và tìm kiếm các khoản đầu tư chiến lược ở nước ngoài, quản lý có hiệu quả vốn, tài sản của Chính phủ tại các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp khác.
Khzanah là cổ đông chi phối tại 9 công ty chiến lược của Malaysia gồm Tenaga Nasional, Telekom Malaysia, Proton, Tập đoàn UEM, Plus, Ngân hàng RHB, Malaysia Airports, PMB và Malaysia Airlines.
Một số lĩnh vực được doanh nghiệp này nhắm tới bao gồm cơ sở hạ tầng, dịch vụ công cộng, dịch vụ tài chính, hàng không, công nghệ và truyền thông.
Tính tới cuối năm 2017, giá trị tài sản ròng của Khzanah đạt 157,2 tỷ Rigit, cao hơn12 tỷ Rigit so với 2016, tăng 8,2%. So với thời điểm năm 2004, tài sản ròng của doanh nghiệp đã tăng hơn 2 lần với tốc độ tăng trưởng bình quân 8,6%/năm.
Mặc dù, cùng chung ý tưởng tạo dựng một tổ chức quản lý và đầu tư vốn nhà nước, tại mỗi quốc gia phương hướng và đường lối thực hiện tạo ra những kết quả khác nhau. Không giống với Singapore, Malaysia, định hình tổ chức dưới dạng quỹ đầu tư, mô hình của Trung Quốc tạo ra tổ chức quản lý vốn nhà nước phân cấp và phức tạp.
Năm 2003, Chính phủ Trung Quốc thành lập SASAC - Ủy ban giám sát và quản lý tài sản thuộc sở hữu nhà nước. Nhiệm vụ chính của SASAC là đại diện chủ sở hữu của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), hoặc cổ đông nhà nước của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, giám sát giải quyết các vấn đề trong hoạt động hàng ngày tại các DNNN.
Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức của SASAC là vấn đề của doanh nghiệp này. Bài viết của Tiến sĩ Huy Nguyên trên báo chí từng đề cập đến những mối quan hệ chồng chéo giữa SASAC cấp trung ương và cấp địa phương, và những điểm chưa nhất quán, xung đột lợi ích.
Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) từng nhận xét tương tự về mô hình của Trung Quốc. Ông cho rằng thất bại của SASAC là để cơ quan địa phương, bộ ngành can thiệp nhiều vào hoạt động nghiệp vụ, lãnh đạo vẫn hưởng lương, quản lý theo kiểu hành chính.
Trước tình trạng này, Chính phủ Trung Quốc đã đề ra việc cải tổ SASAC như một yêu cầu tất yếu trong một chuỗi các nhiệm vụ cải cách DNNN ở Trung Quốc, định hướng về việc tách biệt 2 chức năng quản lý vốn nhà nước và chức năng quản trị doanh nghiệp. Tiến tới, SASAC sẽ chỉ còn là cơ quan hoạch định chiến lược và chính sách cho hệ thống mà sẽ không trực tiếp can thiệp vào các hoạt động các doanh nghiệp nữa.
Trong “Tầm nhìn Trung Quốc đến năm 2030” do Viện nghiên cứu phát triển của Chính phủ Trung Quốc và Ngân hàng thế giới phát hành cũng kiến nghị: “SASAC chỉ giới hạn trong việc giám sát và hoạch định chính sách, còn chức năng quản lý tài sản chuyển giao cho các công ty đầu tư vốn nhà nước. Các công ty quản đầu tư vốn nhà nước nên có nhiệm vụ rõ ràng, được quản lý một cách độc lập và chuyên nghiệp, và phải có những tiêu chuẩn đánh giá một cách công khai, phải gắn chặt với những thông lệ chung của quốc tế về minh bạch hóa thông tin, hoạt động và đo lường hiệu quả hoạt động”.
Một điểm lưu ý là SASAC cũng chưa tiến tới công khai minh bạch tình hình tài chính. Thông tin về kết quả kinh doanh và hoạt động của đơn vị này còn hạn chế so với các mô hình của Singapore và Malaysia.
Với những ví dụ điển hình đi trước từ các nước, Việt Nam sẽ có nhiều kinh nghiệm tham khảo để định hướng đường lối hoạt động và tổ chức của "siêu ủy ban". Điều này cho phép Việt Nam kỳ vọng sẽ đạt được một tổ chức hiệu quả trong tương lai.