Những nút thắt của tam nông

Theo Linh Đan/thoibaonganhang.vn

Sau một thập kỷ thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông), nền nông nghiệp đã tăng cả về quy mô và trình độ sản xuất, nhưng vẫn thiếu bền vững, chưa thoát khỏi sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân còn thấp, có nơi tỷ lệ hộ nghèo lên đến hơn 30%, vẫn có tới 5,1% số hộ thoát nghèo lại tái nghèo...

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Dễ tổn thương nhất là nông nghiệp

“Người nông dân hay bị thiệt thòi, dễ bị tổn thương. Khổ nhất, thiệt nhất vẫn thuộc về nông dân”. Đây là phát biểu của Anh hùng Lao động Huỳnh Văn Thòn  - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Lộc Trời. Theo ông, sản xuất theo chuỗi vẫn chỉ là những hiện tượng đơn lẻ trong nông nghiệp. Đến nay, người nông dân vẫn  thiếu vốn và kỹ thuật, cùng những khó khăn về đầu ra của sản phẩm; Thiếu rất nhiều điều kiện để tham gia sản xuất chuỗi, để vươn lên quy mô lớn.

Bên cạnh đó, người dân ở nông thôn còn đang sống trong môi trường bị ô nhiễm. Và tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm chậm được khắc phục. Nhiều nơi, tình trạng đô thị hóa tự phát đang tiềm ẩn những bất cập lớn cho phát triển bền vững nông thôn công nghiệp; dịch vụ ở nông thôn phát triển chậm chưa đủ khả năng tạo việc làm, dẫn đến lao động nông nghiệp dư thừa, thiếu việc làm đang là sức ép lớn...

Ở nhiều nơi, việc xây dựng nông thôn mới chỉ là chạy theo phong trào, thiếu thực chất. Đời sống văn hóa, xã hội nông thôn còn nhiều hạn chế, phát sinh nhiều vấn đề bức xúc.

Và dù quá trình tái cơ cấu nông nghiệp được thúc đẩy khá mạnh mẽ nhưng “còn có những khó khăn rất lớn”, TS.Thào Xuân Sùng - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam phát biểu. Điều này do quá trình thực hiện Nghị quyết về tam nông vẫn còn có những nút thắt.

Đầu tiên đó là việc thể chế hóa các chủ trương, hướng dẫn thực hiện chính sách kéo dài, chờ đợi lẫn nhau. Cơ chế, chính sách ban hành nhiều, nhưng chủ yếu ngắn hạn và chưa đồng bộ. Một số cơ chế, chính sách chưa phù hợp với yêu cầu xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hầu như không vào cuộc sống. Tổ chức triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách, pháp luật chưa tốt, thiếu nguồn lực để thực hiện.

Bên cạnh đó, vốn ngân sách cho phát triển tam nông chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu, mức huy động từ các nguồn khác còn thấp. Đầu tư xã hội cho nông lâm thủy sản chỉ chiếm 6% tổng đầu tư của xã hội và có xu hướng giảm. Khả năng tiếp cận vốn vay từ các nguồn chính thức còn thấp so với yêu cầu, nhiều nơi nông dân phải sử dụng tín dụng “đen”.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Hà Công Tuấn chỉ thêm các nút thắt nữa, đó là môi trường kinh doanh, là thị trường. Cơ chế chính sách cho tam nông đã thay đổi nhiều để tốt hơn nhưng cần tiếp tục được đổi mới nữa. Trong đó phải giải quyết căn cơ về đất đai, tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp...

Nông thôn, nông dân đang cần gì?

Và để tháo gỡ các nút thắt này, theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, phải trả lời câu hỏi: Nông thôn, nông dân đang cần gì? Trước hết, người nông dân đang cần được đào tạo nghề để chuyển mạnh lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Họ cần được dự báo sát sao về cung-cầu nông sản, cần có giải pháp giải quyết căn bản vấn đề tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm, hạn chế tối đa tình trạng bị động, dư thừa sản phẩm.

Nông thôn đang cần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Nông nghiệp đang cần được chuyển dịch tiến lên sản xuất quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi, nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng  suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản. 

Để làm được như vậy, phải hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và tạo thuận lợi hơn nữa cho cơ cấu lại nông nghiệp, nhất là tháo gỡ vướng mắc trong chính sách đất đai, đầu tư. “Tôi kỳ vọng có thị trường về quyền sử dụng đất, có vậy mới giải quyết chuyện tích tụ, tập trung đất đai theo cơ chế thị trường để có sản xuất quy mô lớn”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn phát biểu.

Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững và xây dựng nông thôn mới là mục tiêu xuyên suốt, một cuộc cách mạng to lớn, lâu dài. Và để thực hiện được, cần phát triển công nghiệp chế biến, tăng tỷ trọng chế biến sâu có giá trị gia tăng cao; nâng cao mức độ cơ giới hóa nông nghiệp để giảm chi phí và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, phát triển các cụm liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu…

Bên cạnh đó, phải nâng cao trình độ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, tập trung giải quyết các vấn đề căn cốt trong chuỗi sản xuất; phát triển nền nông nghiệp thông minh, tạo đột phá về năng suất, chất lượng và quản trị. Phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông sản… xây dựng chiến lược phát triển thị trường cho các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng giá trị gia tăng cao. Cuối cùng và quan trọng là xây dựng hình ảnh nông sản Việt Nam thông qua chất lượng cao, an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường.