Những “ông lớn” nợ bảo hiểm…khủng
Nhiều doanh nghiệp nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội kéo dài đang gây khó cho cơ quan Bảo hiểm xã hội. Trong đó, có nhiều "con cưng" của tập đoàn lớn kéo dài tình trạng nợ đọng nhiều năm.
Từ "con cưng" của Vinashin
Hải Phòng hiện có 7 doanh nghiệp thuộc Vinashin với tổng dư nợ BHXH gần 300 tỷ. Trong đó, nợ khủng nhất là công ty TNHH MTV đóng tàu Nam Triệu với tổng dư nợ trên 160 tỷ đồng. Tiếp theo, đến "anh cả" của ngành đóng tàu Hải Phòng là Công ty TNHH MTV đóng tàu Bạch Đằng với tổng số dư nợ trên 58 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Quang Minh, Trưởng phòng thu nợ BHXH Hải Phòng, hiện có 6 doanh nghiệp đã nợ đọng BHXH hơn 10 tỷ, 36 doanh nghiệp nợ dưới 10 tỷ. Trong đó, có 12 doanh nghiệp của Vinashin, 3 doanh nghiệp đã thuộc diện không lập hồ sơ làm thủ tục khoanh nợ còn lại 7 doanh nghiệp dư nợ gần 300 tỷ. Hầu hết các công ty con của Vinashin nợ bảo hiểm kéo dài từ 20 đến 54 tháng nhưng không quan tâm đến việc trả tiền phát sinh hàng tháng nên số nợ ngày càng tăng nhanh. Đã có rất nhiều doanh nghiệp nợ đọng BHXH tới nhiều tháng mà không có dấu hiệu trả tiền BHXH.
Sau cơn đại khủng hoảng, đến nay các "con cưng" thuộc tập đoàn Vinashin chỉ hoạt động cầm chừng. Cụ thể như nhà máy đóng tàu Bạch Đằng với hơn 100 công nhân. Tình trạng nợ lương, chậm lương kéo dài hàng năm trời còn bản thân nhà máy thì đang “thoi thóp” chờ tái cơ cấu. Rất nhiều công nhân viên tại công ty này đã và đang lâm vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn khi cuộc sống của họ chỉ trông chờ vào đồng lương ít ỏi của mình. Bị nợ lương kéo dài hàng năm trời.
Theo ông Trương Hoàng Cao, Tổng giám đốc công ty Bạch Đằng, từ đầu năm 2019 đến nay, công ty hầu như không có hoạt động sản xuất kinh doanh nào, khiến đời sống của người lao động rơi vào khó khăn cùng cực. Đề án tái cơ cấu công ty hiện đang chờ Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy phê duyệt.
“Đề án tái cơ cấu, kế hoạch sản xuất kinh doanh đều có cả, chỉ thiếu mỗi… vốn để thực hiện, công ty mong mỏi sau cơ cấu công ty được thực hiện những dự án mới, thu nhập của công nhân sẽ dần ổn định. Công ty cũng sẽ giải quyết nhanh chóng BHXH và các chế độ hiện còn vướng mắc cho người lao động", ông Cao cho biết.
Đến các doanh nghiệp khủng
Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn Hải Phòng có trên 15.000 doanh nghiệp nhưng mới chỉ có trên 7.000 đơn vị tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), với tổng số hơn 362.547 người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp không nộp BHYT, người lao động không được hưởng bất kỳ chế độ chính sách nào từ BHXH do các doanh nghiệp chây ỳ không đóng BHXH.
Một số đơn vị nợ đọng lớn, kéo dài điển hình trên địa bàn như: Công CP Lisemco nợ đọng gần 70 tỷ ( 69 tháng), Công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy An Đồng nợ trên 15 tỷ với số dư nợ (86 tháng), Công ty TNHH Nam Thuận gần 18 tỷ ( 16 tháng), Công ty CP Lisemco 5 gần 15 tỷ (69 tháng), Cty chế biến thủy sản xuất khẩu lao đồng Hải Phòng trên 12 tỷ (68 tháng).
Đặc biệt, các đơn vị trực thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) và Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines) và 5 đơn vị ngành lắp máy gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, kéo theo nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành, nghề khác ngừng hoạt động sản xuất, tạm đóng mã số thuế, nhiều đơn vị có nguy cơ phá sản và liên tiếp có doanh nghiệp phá sản, bị thu hồi giấy phép kinh doanh.
Bên cạnh đó, ông Minh cho biết: BHXH đã gửi hai hồ sơ của công ty CP thương mại dịch vụ Hạ Long và công ty TNHH gốm xây dựng Đá Bạc sang cơ quan công an xem xét và giải quyết. Hai công ty này đã bị cơ quan BHXH thanh tra và xử phạt hành chính nhưng đến nay chưa giải quyết dứt điểm. Để xử lý nợ bảo hiểm,cơ quan BHXH đã chủ động bám sát đơn vị theo từng tháng từng quý và mới đây UBND thành phố Hải Phòng đã có văn bản chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp vào cuộc.
"UBND thành phố Hải Phòng đã có văn bản giao Thanh tra thành phố chủ trì, phối hợp với BHXH thành phố thành lập Đoàn thanh tra liên ngành thành phố, tổ chức thanh tra đối với các đơn vị, lập doanh nghiệp nợ BHXH… có số tiền nợ lớn, kéo dài gây ảnh hưởng xấu đến việc đảm bảo an sinh xã hội và giải quyết chế độ, quyền lợi cho người lao động", ông Minh cho hay.
Hiện nay, tình trạng nợ lương, nợ BHXH của các doanh nghiệp ngày càng trở nên phổ biến, vi phạm nghiêm trọng quyền lợi người lao động. Mặc dù hàng nghìn công nhân đang chật vật xoay sở với cuộc sống mưu sinh rất cần chế độ bảo hiểm như: Ốm đau, thai sản... nhưng không được giải quyết.
Luật đã quy định xử lý hình sự đối với hành vi nợ, trốn đóng BHXH. Tuy nhiên, vẫn chưa có đơn vị nào bị khởi tố dù số nợ lên tới hàng chục tỷ đồng. Tình trạng nợ lương, nợ BHXH làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động.
Theo cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) Hải Phòng, tính đến ngày 31/5, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN trên toàn địa bàn gần 950 tỷ đồng. Trong đó có 584 tỷ của 644 doanh nghiệp nợ từ 3 tháng trở lên. Trong 5 tháng đầu năm đã thu gần 3,7 tỷ đồng, đạt 39% kế hoạch được giao.
Nguyên nhân mà các doanh nghiệp đưa ra cho việc chậm đóng BHXH là gặp khó khăn về sản xuất hay sau khi hoàn thành bàn giao công trình, bên đối tác thanh toán chậm hoặc chưa thanh toán mà để nợ đọng lâu dài với số tiền lớn khiến các doanh nghiệp lao đao.