Đề nghị Hà Nội rà soát doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội kéo dài
Trước tình hình nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) của Hà Nội đang diễn biến phức tạp, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam - ông Trần Đình Liệu - đề nghị BHXH Hà Nội tập trung rà soát các doanh nghiệp nợ đọng kéo dài, nợ với số tiền lớn; khẩn trương gửi hồ sơ của các đơn vị nợ sang cơ quan công an.
Theo thống kê của BHXH Hà Nội, tính đến cuối tháng 5/2019, toàn thành phố có số người tham gia: BHXH bắt buộc là 1.672.417 người, đạt 94,85% kế hoạch, BHXH tự nguyện là 25.736 người, đạt 64,54% kế hoạch, BHYT là 6.776.505 người, đạt 99% kế hoạch. Tổng số thu là 16.742.058 tỷ đồng, đạt 39,4% kế hoạch giao.
Đáng chú ý, theo báo cáo của BHXH Hà Nội, tổng số nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), BH thất nghiệp trên địa bàn Hà Nội lên tới 3.432,8 tỷ đồng, chiếm 7,91% kế hoạch thu. Trong đó có trên 34.212 đơn vị giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, hết lao động với số tiền nợ bảo hiểm là 1.109 tỷ đồng, chiếm 32,2% tổng số nợ. Đặc biệt, có 1.449 đơn vị nợ kéo dài từ 36 tháng với số tiền là 663,3 tỷ đồng; 367 đơn vị nợ từ 24 đến dưới 36 tháng với số tiền 169,7 tỷ đồng…
Trước diễn biến phức tạp về nợ đọng trên địa bàn, Giám đốc BHXH Hà Nội - ông Nguyễn Đức Hòa - cho biết, đơn vị này đã rất chủ động, quyết liệt phối hợp các sở, ban, ngành tăng cường đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. Tính đến cuối tháng 5/2019, BHXH Hà Nội đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 1.372 đơn vị, bước đầu thu hồi được 113,6/302,7 tỷ đồng tiền nợ BHXH, xử phạt 6 đơn vị với số tiền 721 triệu đồng. Mặt khác, qua công tác khai thác cơ sở dữ liệu do cơ quan thuế cung cấp, BHXH Hà Nội đã rà soát được 16.483/46.336 đơn vị. Số đơn vị khai thác, phát triển mới là 6.225 đơn vị với 16.812 lao động.
Dù đã có những giải pháp và triển khai quyết liệt, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách BHXH Hà Nội vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, theo đại diện BHXH Hà Nội, hiện BHXH cấp huyện không được thực hiện thanh tra nên có phần hạn chế trong xử lý nợ đọng BHXH, có tình trạng một số đơn vị không chấp hành nghĩa vụ của đối tượng thanh tra, kiểm tra như không tiếp đoàn thanh tra, kiểm tra; không xuất trình hoặc xuất trình không đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của đoàn thành tra, kiểm tra; không đồng ý ký biên bản về việc vi phạm…
Đặc biệt, đối với 86 đơn vị đã thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính, số tiền nợ không giảm mà tiếp tục tăng, doanh nghiệp không nộp tiền nợ BHXH, không nộp tiền xử phạt hành chính. Đến nay, số nợ của 86 đơn vị này lên tới 176,9 tỷ đồng, tăng 10,2 tỷ đồng so với thời điểm thanh tra. Trong khi đó số tiền phạt đã nộp mới có 997 triệu/7,7 tỷ tiền phạt.
Trước thực tế trên, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam - ông Trần Đình Liệu - đề nghị BHXH Hà Nội cần tập trung rà soát các doanh nghiệp nợ đọng kéo dài, nợ với số tiền lớn; khẩn trương gửi hồ sơ của các đơn vị nợ sang cơ quan công an. Trong đó, để giảm nợ đọng, các đơn vị có liên quan của BHXH Việt Nam sẽ phối hợp tích cực với các ngành, hỗ trợ BHXH TP. Hà Nội tăng cường hơn nữa trong đốc thu, giảm nợ đọng, thanh tra, kiểm tra và phát triển đối tượng tham gia BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện.
Lãnh đạo BHXH Việt Nam yêu cầu thêm, BHXH TP. Hà Nội cần triển khai quyết liệt hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, chủ động, khai thác tích cực hơn dữ liệu từ cơ quan thuế đã chuyển sang, rà soát số doanh nghiệp chưa tham gia, trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT. Trong kiến nghị xử lý hình sự các đơn vị nợ đọng BHXH cần thực hiện đúng quy trình, quy định của pháp luật.