Những quy định mới về ưu đãi đầu tư có hiệu lực từ ngày 27/12/2015
Những quy định mới về ưu đãi đầu tư trong Luật Đầu tư 2014 như danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư, thủ tục ưu đãi đầu tư… được hướng dẫn bởi Nghị định 118/2015/NĐ-CP sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 27/12/2015.
Thủ tục xác định ưu đãi đầu tư
Theo Luật đầu tư 2014, đối với dự án phải thực hiện thủ tục xin Giấy Chứng nhận đầu tư, cơ quan có thẩm quyền sẽ xác định và ghi ưu đãi vào Giấy Chứng nhận đầu tư.
Dự án phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy Chứng nhận đầu tư gồm có:
1. Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài;
2. Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo tỷ lệ sau:
a) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
b) Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên;
c) Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51 % vốn điều lệ trở lên.
Ngược lại, đối với dự án mà nhà đầu tư không phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy Chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư sẽ tự xác định ưu đãi và thực hiện thủ tục ưu đãi đầu tư với cơ quan thuế, cơ quan tài chính và cơ quan hải quan.
Dự án không phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy Chứng nhận đầu tư gồm có:
1. Dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước;
2. Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế;
3. Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhưng không thuộc các trường hợp sau:
a) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
b) Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên;
c) Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51 % vốn điều lệ trở lên.
Đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư
Theo Luật Đầu tư 2014 và Nghị định 118/2015/NĐ-CP, bên cạnh những dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư, những dự án sau cũng được nhận ưu đãi đầu tư nếu:
- Dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc kể từ ngày có quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Dự án loại này sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư như quy định đối với dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
- Dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên (không bao gồm lao động làm việc không trọn thời gian và lao động có hợp đồng lao động dưới 12 tháng). Dự án loại này được hưởng ưu đãi đầu tư như quy định đối với dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn;
- Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về công nghệ cao và pháp luật về khoa học công nghệ.
Danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư
Nghị định 118/2015/NĐ-CP có những thay đổi trong danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư như sau:
Danh mục Ngành nghề đặc biệt ưu đãi: Mở rộng các sản phẩm công nghệ cao và công nghệ cao được hưởng ưu đãi theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 66/2014/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 15/01/2015); bổ sung vào danh mục các ngành nghề mới như: sản xuất năng lượng từ xử lý chất thải;; xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư;sản xuất methadone.
Danh mục ngành nghề khác thuộc lĩnh vực ưu đãi chỉ còn ngành nghề hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô.
Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư có xu hướng mở rộng, điển hình một số tỉnh ở phía Bắc bổ sung thêm các thành phố, ví dụ: thành phố Bắc Cạn, thành phố Cao Bằng, thành phố Sơn La là những địa bàn ưu đãi đầu tư.