Những sửa đổi, bổ sung trong thi hành Luật Giá

TS. Nguyễn Thị Kim Lý

Ngày 11/11/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 149/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá. Nghị định mới không chỉ khắc phục được những tồn tại hiện hữu mà còn đưa ra quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá và Điều 24 Luật Phí và lệ phí về bình ổn giá; định giá của Nhà nước; hiệp thương giá; kiểm tra yếu tố hình thành giá; kê khai giá; niêm yết giá; thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá và cơ sở dữ liệu quốc gia về giá…

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sửa đổi theo yêu cầu thực tiễn

Ngày 14/11/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 177/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá. Có hiệu lực từ 01/01/2014, đến nay sau hơn 2 năm thực hiện, những quy định của Nghị định này đã đem lại nhiều kết quả, đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác quản lý, điều hành giá ở Trung ương và địa phương theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính và UBND các tỉnh đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Nghị định số 177/2013/NĐ-CP theo thẩm quyền.

Nhờ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giá này được ban hành kịp thời, công tác quản lý và điều hành giá đã được thực hiện xuyên suốt, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Công tác quản lý, bình ổn giá được thực hiện hiệu quả, đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; nhất là trong những thời điểm thị trường có nhiều biến động về giá (như dịp lễ, tết Nguyên đán); giá một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, cước vận tải hành khách tuyến cố định, sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi... đã được thực hiện có hiệu quả và đồng bộ.

Bên cạnh đó, công tác định giá của Nhà nước đã được phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm định giá các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá cho các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh.

Việc mua, bán hàng hóa, dịch vụ theo giá do Nhà nước quy định đã góp phần chống lãng phí và tiết kiệm chi cho ngân sách nhà nước, ngăn ngừa tình trạng độc quyền, tăng giá không hợp lý, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và giảm trừ tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giá...

Công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy định của pháp luật về giá, thuế, phí đã được tăng cường triển khai, hàng năm; qua đó đã phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý thị trường, pháp luật về quản lý giá, thuế, phí và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần ổn định thị trường giá cả.

Các nội dung quản lý, điều hành giá khác như hiệp thương giá, cơ sở dữ liệu về giá cũng đã được triển khai có hiệu quả. Công tác hiệp thương giá từ khi Nghị định có hiệu lực, chủ yếu được thực hiện tại địa phương theo phân cấp và được Sở Tài chính chủ trì, tổ chức hiệp thương theo đúng trình tự quy định, chưa có đề nghị hiệp thương giá ở cấp Trung ương.

Về cơ sở dữ liệu về giá, đây là cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng giúp phục vụ kịp thời công tác quản lý nhà nước về giá, điều hành kinh tế vĩ mô, điều tiết giá... Thực hiện thẩm quyền được giao tại Nghị định 177/2013/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 142/2015/TT-BTC ngày 04/9/2015 quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về giá nhằm hướng dẫn thống nhất về nguyên tắc xây dựng, kết nối, quản lý và sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá và cơ sở dữ liệu về giá với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Tuy nhiên, cuối năm 2015, Quốc hội đã thông qua Luật Phí, lệ phí và có hiệu lực kể từ 01/01/2017, trong đó quy định 17 khoản phí trong Danh mục phí và lệ phí kèm theo Pháp lệnh Phí và lệ phí chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá do Nhà nước định giá và giao Chính phủ quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền quy định giá và hình thức định giá.

Quy định này đặt ra yêu cầu cần ban hành Nghị định quy định thẩm quyền và hình thức định giá đối với các sản phẩm, dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá.

Nội dung quy định về thẩm quyền định giá của Nhà nước và hình thức định giá vốn là một trong những nội dung đã được quy định tại Nghị định 177/2013/NĐ-CP, nếu cùng nội dung này được quy định tại 2 Nghị định sẽ dẫn đến không tập trung và các cấp, các ngành, địa phương khó theo dõi, triển khai thực hiện.

Mặt khác, Nghị định 177/2013/NĐ-CP còn bộc lộ một số bất cập về thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp trong việc hướng dẫn và tổ chức thực hiện biện pháp bình ổn giá, định giá, kê khai giá...

Nhìn chung, sau hơn 02 năm có hiệu lực thi hành, Nghị định 177/2013/NĐ-CP đã đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác quản lý, điều hành giá tại ở Trung ương và địa phương theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước.

Tuy nhiên, thực tế triển khai Nghị định cũng phát sinh một số bất cập về thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong việc hướng dẫn và tổ chức thực hiện biện pháp bình ổn giá, định giá, kê khai giá... nên cần nghiên cứu sửa đổi.

Nâng cao hiệu quả quản lý, bám sát thị trường

Theo Nghị định 149/2016/NĐ-CP, trong thời gian Nhà nước áp dụng biện pháp đăng ký giá để bình ổn giá đối với mặt hàng cụ thể thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực hiện đăng ký giá bắt đầu từ ngày cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp đăng ký giá có hiệu lực và trước khi định giá, điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ bằng việc lập Biểu mẫu đăng ký giá gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Các trường hợp thực hiện đăng ký giá gồm: Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chỉ thực hiện bán buôn thì đăng ký giá bán buôn; Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vừa thực hiện bán buôn, vừa thực hiện bán lẻ thì đăng ký cả giá bán buôn và giá bán lẻ; Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh là đơn vị nhập khẩu, đồng thời là nhà phân phối độc quyền thì đăng ký giá bán buôn và giá bán lẻ dự kiến; Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh là nhà phân phối độc quyền thì đăng ký giá bán buôn, giá bán lẻ hoặc giá bán lẻ dự kiến; tổng đại lý có quyền quyết định giá và điều chỉnh giá thì đăng ký giá bán buôn, giá bán lẻ hoặc giá bán lẻ dự kiến; đại lý có quyền quyết định giá và điều chỉnh giá thì thực hiện đăng ký giá bán lẻ; Việc đăng ký giá bán đối với mặt hàng muối ăn, thóc, gạo tẻ thường do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mặt hàng muối ăn, thóc, gạo tẻ thường (không bao gồm nông dân và diêm dân) thực hiện.

Trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mua trực tiếp muối ăn của diêm dân; thóc, gạo tẻ thường của nông dân thì phải đăng ký giá mua muối ăn của diêm dân; giá mua thóc, gạo tẻ thường của nông dân.

Bên cạnh đó, công tác quản lý điều hành giá sữa cũng được đề cao tại Nghị định mới. Theo Nghị định 149/2016/NĐ-CP, việc theo dõi và giám sát thực hiện bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 06 tuổi không còn thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính.

Thay vào đó, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương hướng dẫn chi tiết danh mục mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 06 tuổi. Việc đăng ký giá sữa này ở cấp trung ương sẽ do Bộ Công thương tiếp nhận, rà soát Biểu mẫu đăng ký giá; Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ quyết định về đăng ký giá; định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu, khung giá đối với mặt hàng sữa cho trẻ dưới 06 tuổi nhằm thực hiện bình ổn giá.

Mặt khác, Nghị định còn bổ sung về quyền quy định giá thuộc phạm vi quản lý địa phương của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh gồm: Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước (trừ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế) và gửi quyết định giá về Bộ Y tế, Bộ Tài chính để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước; dịch vụ giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập (học phí).

Ngoài ra, quy định mới còn trao quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định: Giá các loại đất; Giá cho thuê đất, thuê mặt nước; Giá rừng bao gồm rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu; Giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công vụ được đầu tư xây dựng từ ngân sách nhà nước; giá bán hoặc giá cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật về nhà ở; Giá nước sạch sinh hoạt; Giá cho thuê tài sản nhà nước là công trình kết cấu hạ tầng đầu tư từ nguồn ngân sách địa phương; Giá sản phẩm, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công và hàng hóa, dịch vụ được địa phương đặt hàng, giao kế hoạch sản xuất, kinh doanh sử dụng ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, UBND cấp tỉnh cũng quy định mức giá cụ thể đối với: Sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi do địa phương quản lý; Dịch vụ đo đạc, lập bản đồ địa chính trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất mới hoặc cho phép thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất ở những nơi chưa có bản đồ địa chính có tọa độ; Dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ, dịch vụ trông giữ xe được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Đồng thời, quy định giá tối đa đối với: Dịch vụ sử dụng đường bộ do địa phương quản lý các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh; dịch vụ sử dụng đò, phà được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, do địa phương quản lý; dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ, dịch vụ trông giữ xe được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước; dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Các khung giá đối với dịch vụ sử dụng đò, phà được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, do địa phương quản lý; dịch vụ sử dụng cảng, nhà ga (bao gồm dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container, dịch vụ lai dắt thuộc khu vực cảng biển) do địa phương quản lý; dịch vụ sử dụng cảng, nhà ga (bao gồm cảng, bến thủy nội địa; cảng cá) được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, do địa phương quản lý.

Mức trợ giá, trợ cước vận chuyển hàng hóa thuộc danh mục được trợ giá, trợ cước vận chuyển chi từ ngân sách địa phương và Trung ương; mức giá hoặc khung giá bán lẻ hàng hóa được trợ giá, trợ cước vận chuyển; giá cước vận chuyển cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc danh mục được trợ giá phục vụ đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Giá hàng hóa, dịch vụ khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành cũng được trao cho UBND cấp tỉnh, thành ban hành.

Ngoài ra, Nghị định quy định, cơ quan quản lý nhà nước về giá ở Trung ương bao gồm Bộ Tài chính và bộ quản lý ngành, lĩnh vực; ở địa phương là Sở Tài chính các tỉnh có trách nhiệm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về giá phục vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngành, địa phương.

Bộ Tài chính chịu trách nhiệm xây dựng trung tâm cơ sở dữ liệu quốc gia về giá. Trung tâm cơ sở dữ liệu quốc gia về giá là đầu mối kết nối các hệ thống cơ sở dữ liệu về giá của các bộ, ngành và địa phương; cung cấp thông tin về giá phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước và theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Nội dung cơ sở dữ liệu quốc gia về giá bao gồm: Giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; Giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký giá, kê khai giá; Giá thị trường hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục báo cáo giá thị trường theo quy định của Bộ Tài chính; Giá thị trường hàng hóa, dịch vụ cần thiết khác phục vụ công tác dự báo và quản lý nhà nước về giá; Các thông tin liên quan đến lĩnh vực thẩm định giá: Doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá, thi và quản lý cấp thẻ thẩm định viên về giá, thông tin về giá trị các tài sản được thẩm định và các thông tin khác theo quy định của pháp luật về giá và thẩm định giá; Văn bản quản lý nhà nước về giá và các báo cáo tổng hợp; Các thông tin khác phục vụ công tác quản lý giá theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính có trách nhiệm xây dựng, khai thác và quản lý vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá đảm bảo tính tương thích và kết nối được với các hệ thống cơ sở dữ liệu về giá của các bộ ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân khác; Hướng dẫn việc thu thập, cập nhật, cung cấp thông tin về giá và thẩm định giá phục vụ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; thực hiện chế độ bảo mật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá theo quy định của pháp luật; Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và đơn vị liên quan kết nối, chia sẻ, cung cấp thông tin thuộc Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá; Chủ trì hướng dẫn cụ thể về xây dựng, khai thác, quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá.

Đối với một số hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá có tính chất đặc thù, đặc tính kỹ thuật chuyên sâu do bộ quản lý ngành chủ trì định giá và Bộ Tài chính phối hợp, giám sát để đảm bảo chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá của Bộ Tài chính theo quy định tại Luật Giá.

Thẩm quyền và trách nhiệm định giá của Bộ trưởng các bộ được quy định đảm bảo hiệu quả và phù hợp thực tiễn hoạt động quản lý lĩnh vực của các bộ, ngành; đảm bảo không trái với quy định tại các Luật chuyên ngành.

Nghị định 149/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017, bãi bỏ khoản 3 Điều 3, điểm e khoản 2 Điều 7 của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá.   

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội, Luật Giá số 11/2012/QH13; Luật Phí, lệ phí số 97/2015/QH13;

2. Bộ Tài chính: Tờ trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá;

3. Bộ Tài chính: Báo cáo đánh giá tác động Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 177/2013/NĐ-CP.