Những yếu tố ảnh hưởng đến quản lý nhà nước đốI vớI mô hình kinh tế chia sẻ
Kinh tế chia sẻ (KTCS) đã xuất hiện ở Việt Nam từ cuối năm 2013 trong lĩnh vực vận tải. Từ đó đến nay, mô hình này đã được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực. Để quản lý hiệu quả mô hình này cần xác định những yếu tố ảnh hưởng đến quản lý nhà nước (QLNN). Thông qua việc nghiên cứu lý thuyết và thực trạng hoạt động của một số mô hình KTCS tại Việt Nam, tác giả trình bày những yếu tố ảnh hưởng đến QLNN và đánh giá thực trạng những yếu tố ảnh hưởng này để từ đó đưa ra một số khuyến nghị.
Những yếu tố ảnh hưởng đến quản lý nhà nước đối với mô hình kinh tế chia sẻ
QLNN đối với mô hình KTCS là quá trình tác động có tổ chức và định hướng của chủ thể Nhà nước đến các chủ thể, các khách thể và mối quan hệ giữa các bên trong mô hình KTCS nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của các bên cũng như đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng.
Quá trình thực hiện QLNN đối với mô hình KTCS chịu tác động, chi phối của rất nhiều yếu tố:
Yếu tố khách quan
Sự phát triển của khoa học - công nghệ
Sự phát triển của khoa học - công nghệ (KHCN), đặc biệt là công nghệ thông tin (CNTT) dẫn đến hình thành nhiều mô hình kinh doanh mới như mô hình kinh tế chia sẻ. Để quản lý hiệu quả các mô hình này đòi hỏi Nhà nước cần phải ứng dụng KHCN trong quản lý bởi vì các giao dịch của mô hình KTCS thực hiện trực tuyến, bản chất của các giao dịch rất khó xác định, máy chủ lưu trữ dữ liệu đặt ở nước ngoài, có nhiều công ty nước ngoài không có đại diện ở Việt Nam, việc thanh toán thông qua các cổng thanh toán quốc tế, quét mã QR quốc tế nên rất khó kiểm soát dòng tiền.
Hội nhập kinh tế quốc tế
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi hoạt động quản lý của Nhà nước phải thay đổi cả về bản chất và cách thức tiến hành để đáp ứng những yêu cầu cao hơn về chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với những quyết định quản lý.
Cơ sở hạ tầng
Mô hình KTCS muốn tồn tại và phát triển đều phải dựa vào điều kiện cơ sở vật chất, nói cách khác đó là sự phổ biến của internet, điện thoại di động, định vị, ví điện tử hay thanh toán online. Do vậy, ở các thành phố lớn, mô hình KTCS phát triển mạnh mẽ hơn ở khu vực nông thôn do cơ sở hạ tầng ở khu vực thành thị tốt hơn. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý phải linh hoạt trong việc ban hành và triển khai các chính sách quản lý.
Yếu tố chủ quan
Năng lực của đội ngũ công chức
Đội ngũ công chức là những người tham mưu cho Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, và địa phương trong việc xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật đối với mô hình KTCS. Chính đội ngũ công chức này cũng là những người trực tiếp làm công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong hoạt động của các mô hình KTCS. Do vậy, đội ngũ công chức cần có chuyên môn tốt đặc biệt là am hiểu sâu về hoạt động các các công ty KTCS.
Sự phân định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan QLNN
Nếu nhiệm vụ được giao phù hợp với chức năng của các cơ quan QLNN, có sự phân định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan sẽ giúp việc ban hành và thực hiện các quyết định quản lý hiệu quả hơn.
Mô hình KTCS là một mô hình kinh doanh mới, ứng dụng các tiến bộ KHCN trong quản lý và vận hành nên đòi hỏi phải có sự thống nhất trong hệ thống về chủ trương quản lý, sau đó là sự phân công nhiệm vụ phù hợp với chức năng của từng cơ quan.
Sự phối hợp giữa các cơ quan QLNN
Công ty KTCS không chỉ hoạt động trong một lĩnh vực mà họ có thể tích hợp rất nhiều ứng dụng khác trong nền tảng công nghệ của họ để tạo ra một hệ sinh thái hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực. Do vậy, để quản lý tốt, các cơ quan QLNN cần phối hợp và chia sẻ thông tin với nhau.
Nguồn tài chính công
Nguồn tài chính công là điều kiện cần thiết để triển khai các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật vào thực tiễn. Nguồn tài chính công có tác động rất lớn đến hiệu quả QLNN. Yêu cầu trang bị các trang thiết bị hiện đại, tổ chức các lớp bồi dưỡng về công nghệ mới, đầu tư thiết kế các phần mềm quản lý, số hóa dữ liệu phục vụ quản lý cần phải có nguồn tài chính mới thực hiện được.
Thực trạng những yếu tố ảnh hưởng đến quản lý nhà nước đối với mô hình kinh tế chia sẻ
Sự phát triển của KHCN
Hiện nay, CNTT đã được áp dụng trong quản lý kinh tế như việc liên thông dữ liệu giữa các cơ quan quản lý trong đăng ký DN, thuế, và bảo hiểm. Các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh... được niêm yết công khai và đều có thể thực hiện trực tuyến. Theo thông tin tại Cổng Dịch vụ công quốc gia, tính đến hết năm 2022, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã xử lý trên 7 triệu hồ sơ với hơn 4.374 TTHC mức độ 3 và 4, trong đó có 2.480 dịch vụ dành cho người dân và 2.296 dịch vụ dành cho DN.
Hội nhập kinh tế quốc tế
Hội nhập kinh tế quốc tế tạo thêm nguồn lực cho Việt Nam để phát triển kinh tế cũng như VN học hỏi được cách thức quản lý khoa học; minh bạch và trách nhiệm giải trình trong việc đưa ra các quyết định quản lý. Ví dụ trong việc ban hành Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh vận tải trong đó có quy định về hình thức kinh doanh vận tải ứng dụng phần mềm trực tuyến hỗ trợ kết nối vận tải, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã tổ chức thảo luận công khai, dân chủ đối với các nội dung của Dự thảo Nghị định để lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội, các doanh nghiệp vận tải, đơn vị tư vấn... qua đó hoàn thiện dự thảo Nghị định trên cơ sở tiếp thu phù hợp với ý kiến chung nhất của các cơ quan, đơn vị nhằm bảo đảm minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh.
Cơ sở hạ tầng
Theo Sách trắng CNTT của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ lệ dân số sử dụng internet tăng từ 37% năm 2013 lên 70.23% vào năm 2020. Số lượng DN cung cấp dịch vụ internet tăng từ 38 vào năm 2013 lên 64 DN và tỷ lệ dân số được phủ sóng 3G là 99,8%, 4G là 99,5% vào năm 2020. Việc ưu tiên lựa chọn hình thức chi trả thông qua ví điện tử vào năm 2013 đạt 3% thì đến năm 2022 đã tăng lên 37%, thanh toán thông qua thẻ (bao gồm cả thẻ ATM nội địa và thẻ tín dụng) đã tăng từ 20% lên 51% và tỷ lệ người dùng muốn trải nghiệm mobile money là 81%. Cùng với đó nhận thức, lòng tin và thói quen tiêu dùng của người tiêu dùng Việt Nam cũng có sự thay đổi. Điều này được chứng minh thông qua tỷ lệ truy cập internet tham gia mua sắm trực tuyến tăng đều qua các năm, năm 2013 là 57% và đã tăng lên 74.8% vào năm 2022. Tuy nhiên, việc mua sắm trực tuyến phát triển ở các thành phố lớn nhiều hơn, cụ thể: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương là những thành phố dẫn đầu về chỉ số TMĐT từ năm 2014 đến 2020.
Việc cung cấp thông tin trên các website của cơ quan QLNN, các dịch vụ công trực tuyến được các DN đánh giá cao, tỷ lệ DN có sử dụng dịch vụ công trực tuyến là 83% vào năm 2021, tỷ lệ DN đánh giá về lợi ích của dịch vụ công trực tuyến với các mức rất có ích và tương đối có ích lần lượt là 56% và 43%. Chỉ số hạ tầng viễn thông (TII) thuộc bộ chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của VN theo đánh giá của Liên Hiệp quốc tăng từ hạng 100 năm 2016 lên hạng 69 năm 2020.
Năng lực của đội ngũ công chức
Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, rất nhiều khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số cho công chức đã được thực hiện. Theo Sách trắng CNTT của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức cơ quan nhà nước được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng số, kỹ năng sử dụng, khai thác hệ thống thông tin của bộ/ngành là 68,54% và đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là 54,59%. Có thể thông qua chỉ số SIPAS do Bộ Nội vụ thực hiện để có thể gián tiếp đánh giá việc thực hiện hoạt động QLNN. Theo báo cáo SIPAS 2021 của Bộ Nội vụ, chỉ số hài lòng chung về tiếp cận dịch vụ là 88,48%, chỉ số hài lòng chung về công chức là 88,25% và chỉ số hài lòng chung về kết quả dịch vụ là 89,52%.
Sự phân định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan QLNN
Hiện nay, công ty KTCS hoạt động trong lĩnh vực thuộc bộ, ngành nào thì bộ, ngành đó quản lý và là đầu mối chính, các cơ quan quản lý khác sẽ phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trên thực tế thì hệ thống luật pháp, cơ chế quản lý đối với mô hình KTCS vẫn còn thiếu dẫn đến việc các cơ quan quản lý gặp nhiều lúng túng. Như trong lĩnh vực lưu trú, dựa theo quy mô, mức độ xếp hạng, cơ sở lưu trú đó sẽ chịu sự quản lý của Sở Văn hóa, thể thao và du lịch hoặc UBND cấp huyện. Tuy nhiên, đối với các chủ nhà hoạt động trên nền tảng Airbnb rất khó để quản lý do cơ quan quản lý thiếu thông tin về giao dịch, khách hàng; việc chi trả của khách hàng đều được chuyển cho Airbnb nên khó xác định để đánh thuế.
Sự phối hợp giữa các cơ quan QLNN
Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước, tuy nhiên, việc phối hợp giữa các cơ quan QLNN vẫn chưa hiệu quả do vẫn còn thiếu những quy định pháp luật về phân công, phối hợp, chịu trách nhiệm trong quản lý mô hình KTCS. Cụ thể như, mối quan hệ giữa công ty cung cấp nền tảng và đối tác của nền tảng vẫn chưa được xác định rõ. Điều này đã dẫn đến bất lợi cho các đối tác do không xác định được cơ quan nào là cơ quan quản lý và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Nguồn tài chính công
Đánh giá chung và kiến nghị
Đánh giá chung
Tại Việt Nam, Dữ liệu số đa phần chỉ phục vụ hoạt động quản lý của một bộ, ngành, trên quy mô nhỏ, chưa được kết nối, chia sẻ trên diện rộng; cơ sở hạ tầng số và đội ngũ nhân lực vận hành khai thác các hệ thống thông tin vẫn còn yếu kém. Do vậy, rất khó để kiểm soát dữ liệu của các công ty KTCS, đặc biệt là các công ty nước ngoài.
- Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam vẫn còn có các hạn chế như nhận thức và năng lực quản lý của cán bộ, công chức đối với thương mại quốc tế còn yếu; chưa năng động, chủ động nắm bắt và học hỏi các phương thức quản lý tiên tiến.
- Cơ chế quản lý đối với mô hình KTCS vẫn còn thiếu dẫn đến việc các cơ quan quản lý gặp nhiều lúng túng trong quản lý, việc phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp không rõ ràng, còn chồng chéo.
Kiến nghị
- Xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia, xây dựng hệ thống bảo mật thông tin,... cũng như tiếp tục bồi dưỡng để có được nguồn nhân lực đảm bảo để vận hành các hệ thống đó.
- Quy định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý mô hình KTCS.
- Ban hành quy chế phân công, phối hợp, chịu trách nhiệm trong quản lý mô hình KTCS.
- Cần có các chính sách và các hành động để thúc đẩy phát triển kinh tế số ở các địa phương.
- Cần có sự phối hợp giữa các quốc gia trong việc kiểm soát dòng tiền và đánh thuế đối với các giao dịch phát sinh ở Việt Nam.
- Yêu cầu các công ty KTCS có yếu tố nước ngoài để cung cấp các dữ liệu liên quan đến các giao dịch phát sinh ở Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Công Thương, “Báo cáo TMĐT”,http://www.idea.gov.vn;
- Bộ Công Thương, “Sách trắng TMĐT”, http://www.idea.gov.vn;
- Bộ Nội vụ, 2021, “Báo cáo SiPas”;
- Bộ Thông tin và Truyền thông, 2021, “Sách trắng CNTT”, https://mic.gov.vn.