Những yếu tố tác động đến nợ xấu của ngân hàng thương mại Việt Nam

Nguyễn Đào Trâm Anh, Phạm Khánh Linh, Nguyễn Ngọc Kim Ngân, Lê Hồ Quang Nhật, Đậu Thị Phương Uyên

Bài nghiên cứu này phân tích số liệu của 22 ngân hàng thương mại đang hoạt động tại Việt Nam trong giai đoạn 2012 - 2020 để kiểm định tác động của các yếu tố kinh tế vĩ mô và yếu tố vi mô đến tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu đã tìm thấy 5 trong 6 yếu tố vĩ mô và yếu tố vi mô có ảnh hưởng đến nợ xấu của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Từ kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất một số khuyến nghị nhằm góp phần hạn chế nợ xấu và thúc đẩy ngành Ngân hàng phát triển bền vững.

Cơ sở lý thuyết

Tại Việt Nam, nợ xấu được hiểu là những khoản nợ đang tồn tại trên danh mục tín dụng của ngân hàng có chất lượng dưới chuẩn trong hệ thống phân hạng nợ của ngân hàng. Tiêu chuẩn của Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định tại Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/04/2005 và theo Thông tư số 02/2013/TTNHNN ngày 21/01/2013 của NHNN thì nợ xấu là nợ thuộc các nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn), nhóm 4 (nợ nghi ngờ) và nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn). Trong đó, tiêu chí đánh giá nợ xấu được quy định trong Thông tư này cũng chủ yếu dựa vào thời gian quá hạn trả nợ trên 90 ngày và khả năng trả nợ của khách hàng. Tỷ lệ nợ xấu/tỷ lệ nợ quá hạn trên 90 ngày = dư nợ quá hạn trên 90 ngày/tổng dư nợ cho vay*100%.

Phương pháp và mô hình nghiên cứu

Nhóm tác giả sử dụng phương pháp phân tích hồi quy đa biến cho dữ liệu bảng. Dữ liệu bảng là dữ liệu có 2 chiều: Chiều không gian và chiều thời gian. Nói cách khác, dữ liệu bảng là sự mở rộng dữ liệu chéo theo thời gian. Việc lựa chọn sử dụng dữ liệu bảng sẽ có nhiều ưu điểm hơn so với dữ liệu chuỗi thời gian hay dữ liệu chéo. Hồi quy bằng dữ liệu bảng thường sử dụng 3 phương pháp hồi quy theo các mô hình Pooled, mô hình tác động ngẫu nhiên và mô hình tác động cố định. Nghiên cứu sử dụng phần mềm hỗ trợ STATA 14 để thực hiện mô hình và kiểm định mô hình.

Mô hình nghiên cứu như sau:

NPLi,t = β0 + β1*SIZEi,t + β2*ROEi,t + β3*LLRi,t + β4* GROWi,t + β5*GDPt6*INFt + εi,t

Trong đó: i và t = [1,2,..., N], với i là số NHTM (22 NHTM) và t là số năm nghiên cứu (9 năm); β_0 = hệ số chặn; εi,t = sai số

Biến phụ thuộc là tỷ lệ nợ xấu NPLi,t được xác định bằng tổng tỷ lệ nợ xấu ngân hàng thứ i trong năm t trên dư nợ cho vay; Các biến độc lập bao gồm quy mô ngân hàng (SIZEi,t), tỷ suất sinh lời (ROEi,t), tốc độ tăng trưởng tín dụng (GOWi,t), tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng (LLRi,t), tốc độ tăng trưởng (GDPi,t) và tỷ lệ lạm phát (INFi,t).

Các giả thuyết nghiên cứu như sau:

H1: Quy mô ngân hàng có tương quan dương với nợ xấu tại các NHTM Việt Nam.

H2: Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu có tương quan âm với nợ xấu tại các NHTM Việt Nam.

H3: Tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng có tương quan dương với nợ xấu tại các NHTM Việt Nam.

H4: Tốc độ tăng trưởng tín dụng có tương quan dương với nợ xấu tại các NHTM Việt Nam.

H5: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội có tương quan âm với nợ xấu tại các NHTM Việt Nam.

H6: Tỷ lệ lạm phát có tương quan dương với nợ xấu tại các NHTM Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Nghiên cứu đã tiến hành hồi quy dữ liệu bảng được thu thập với 3 phương pháp ước lượng đó là Pooled OLS, mô hình tác động cố định (FEM) và mô hình tác động ngẫu nhiên (REM) để xác định mức độ ảnh hưởng của các biến độc lập đến biến phụ thuộc thông qua các hệ số ước lượng.

Bảng 1: Tóm tắt kết quả nghiên cứu

Biến độc lập

NPL

Giả thuyết

Kết quả nghiên cứu

Kỳ vọng dấu

Kỳ vọng dấu

P-value

Mức ý nghĩa

SIZE

+

+

0.000

Có ý nghĩa thống kê

ROE

-

+

0.000

Có ý nghĩa thống kê

LLR

+

+

0.000

Có ý nghĩa thống kê

GROW

+

+

0.000

Có ý nghĩa thống kê

GDP

-

+

0.222

Không có ý nghĩa thống kê

INF

+

-

0.000

Có ý nghĩa thống kê

R2

0.7816

Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp

Kết quả hồi quy cho thấy, mức độ phù hợp của 3 mô hình đều cao trên 70%, dấu tương quan của các biến độc lập đến nợ xấu của cả 3 mô hình đều giống nhau, điều này chứng minh sự phù hợp của số liệu nghiên cứu. Mặt khác, tại kết quả của 3 mô hình thì biến GDP không có ý nghĩa thống kê hay không có tác động đến nợ xấu.

Kết quả mô hình nghiên cứu có phương trình như sau:

NPLi,t = -0.1499+0.0109*SIZEit+0.0774*ROEit+1.1723*LLRit+0.4941*GROWit+0.443*INFt 

Kết quả hồi quy và kiểm định cho thấy, cả 3 phương pháp ước lượng thông thường cho dữ liệu bảng bao gồm: Pooled OLS, mô hình tác động cố định FEM và mô hình tác động ngẫu nhiên REM đều không phù hợp đối với mô hình nghiên cứu do vi phạm các giả thuyết hồi quy như tự tương quan, phương sai sai số thay đổi. Để khắc phục các vi phạm này, tác giả đã sử dụng phương pháp bình phương tối thiểu tổng quát khả thi FGLS. Kết quả của mô hình FGLS sẽ được sử dụng để thảo luận và phân tích các nhân tố tác động đến nợ xấu tại NHTM Việt Nam: Hệ số R-Square là 0.7816 có nghĩa là các biến độc lập của mô hình giải thích được 78,16% sự biến thiên của biến phụ thuộc NPL; Các biến SIZE, ROE, LLR, GROW, INF có ý nghĩa thống kê. Biến GDP không có ý nghĩa thống kê do P-value > 5%.

Bảng 2: Mô tả các biến trong mô hình

Yếu tố

Chỉ tiêu

Kí hiệu

Đo lường

Kì vọng dấu

Yếu tố vi mô

Quy mô ngân hàng

SIZEi,t

Log(Tổng tài sảni,t)

(+)

Tỷ suất sinh lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu

ROEi,t

Lợi nhuận sau thuế(i,t)/Vốn chủ sở hữu bình quân(i,t)

(-)

Tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng

LLRi,t

Dự phòng rủi ro tín dụng(i,t)/Tổng dư nợ tín dụng(i,t)

(+)

Tốc độ tăng trưởng tín dụng

GROWi,t

(Dư nợ(i,t)- Dư nợ(i,t-1))/Dư nợ(i,t-1)

(+)

Yếu tố vĩ mô

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội

GDPt

(GDP t- GDP(t-1))/GDP (t-1)

(-)

 

Tỷ lệ lạm phát

INFt

( CPI t- CPI (t-1))/CPI(t-1)

(+)

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Giải pháp hạn chế nợ xấu cho ngân hàng thương mại Việt Nam

Từ các kết quả nghiên cứu nêu trên, tác giả đề xuất một số khuyến nghị nhằm góp phần hạn chế nợ xấu ngành Ngân hàng như sau:

Đối với tỷ lệ trích lập dự phòng: Các NHTM, đặc biệt là các nhà quản trị cần có chính sách trích lập dự phòng hợp lý, hài hòa giữa quản trị những tổn thất do nợ xấu gây ra đồng thời đảm bảo lợi nhuận để đầu tư và phát triển.

Đối với hoạt động tăng trưởng tín dụng: Kết quả nghiên cứu cho thấy, tốc độ tăng trưởng khoản vay có mối quan hệ cùng chiều với tỷ lệ nợ xấu. Vì vậy, trong quá trình cho vay các NHTM cần thận trọng hơn, bởi lẽ hoạt động của NHTM chịu tác động của quá trình thanh lọc chặt chẽ của Nhà nước, áp lực lợi nhuận trong nền kinh tế thị trường, sự cạnh tranh của các NHTM diễn ra khá gay gắt, một số NHTM có tốc độ tăng trưởng tín dụng kỳ trước thấp sẽ cố gắng chạy đua tín dụng hệ lụy kéo theo là tỷ kệ nợ xấu tăng lên. Để tỷ lệ nợ xấu được duy trì ở mức an toàn, các NHTM cần xem xét, đánh giá việc tăng trưởng của các khoản vay, tránh chạy đua trong lợi nhuận, tăng trưởng tín dụng cao nhưng chất lượng tín dụng kém dễ dẫn đến nợ xấu tăng cao. Bên cạnh đó, NHTM cần có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp để họ có thể tiếp cận nguồn vốn vay với chi phí thấp nhất, các khoản mục cho vay phải dựa trên tiềm lực tài chính, dự án khả thi, và sức khỏe thực sự của doanh nghiệp, vì dòng vốn cho vay nếu không được sử dụng hiệu quả sẽ rất khó kiểm soát và gặp nhiều rủi ro.

Đối với yếu tố tỷ suất lợi nhuận ROE: Các NHTM Việt Nam hiện đang trong thời điểm cạnh tranh nhau rất nhiều về thị phần hoạt động hay sức ảnh hưởng trong hệ thống ngân hàng. Đa phần các ngân hàng muốn phát triển tín dụng và tăng sức nóng của tăng trưởng tín dụng để thu được nhiều lợi nhuận hơn. Vì vậy, các công cụ quản lý tín dụng được nới lỏng để gia tăng các khoản vay, đây chính là việc dẫn đến nợ xấu. Chính vì thế, đối với tỷ suất sinh lời, các NHTM cần phải chọn chiến lược hoạt động bền vững ổn định, tránh tình trạng tăng trưởng tín dụng nóng, đồng thời hoạt động tín dụng gắn chặt với các công cụ quản lý hoạt động tín dụng để phòng ngừa các rủi ro tín dụng và hạn chế nợ xấu cho ngân hàng.

Đối với yếu tố quy mô ngân hàng: Các NHTM Việt Nam cần có chiến lược tái cấu trúc ngân hàng hợp lý. Việc gia tăng tổng quy mô ngân hàng nhằm gia tăng thị phần cho ngân hàng trong hoạt động kinh doanh nhưng đối với hoạt động tín dụng thì các ngân hàng cần có chiến lược độc lập giữa việc phát triển quy mô ngân hàng và phát triển hoạt động tín dụng.

Ngoài ra, các khuyến nghị khác được đề xuất liên quan đến các hoạt động sau:

Kiểm tra đánh giá chính xác tình hình nợ xấu hiện nay: Phân loại nợ xấu để có biện pháp riêng xử lý phù hợp. Nợ xấu của các NHTM là do không có khả năng chi trả của khách hàng, trong đó phần lớn là doanh nghiệp, mối tương tác 2 chiều giữa hoạt động cấp tín dụng NHTM và quá trình sản xuất kinh doanh có mối liên hệ chặt chẽ, xử lý không tốt dẫn đến sự sụp đỗ dây chuyền cho nền kinh tế.

Nâng cao hệ thống quản trị rủi ro và kiểm soát dòng tiền của khách hàng vay vốn: Để phòng ngừa nợ xấu tăng cao trong tương lai thì các ngân hàng cần có hệ thống giám sát, quản lý chặt chẽ về hoạt động tín dụng làm giảm thiểu tối đa các rủi ro từ phía các ngân hàng cấp tín dụng, phía khách hàng vay vốn và những rủi ro từ các chính sách kinh tế vĩ mô của nhà nước; Xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản trị rủi ro theo chuẩn mực quốc tế Basel II. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các ngân hàng có tỷ lệ lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu cao, kiểm soát tốt chi phí kinh doanh cũng như kiểm soát tốt nợ xấu sẽ góp phần giảm thiểu tỷ lệ nợ xấu. Vì vậy, các ngân hàng cần quan tâm hơn nữa đến công tác quản trị rủi ro, góp phần đẩy lùi nợ xấu tại các NHTM Việt Nam.

Đẩy mạnh công tác thu hồi nợ: Kết quả đạt được trong quá trình xử lý nợ xấu trong những năm gần đây cho thấy, bên cạnh bán nợ cho VAMC, các NHTM cũng cần chủ động xử lý nợ xấu bằng các biện pháp như: xử lý tài sản đảm bảo thu hồi nợ vay. Đối với các doanh nghiệp có tiềm năng, tình hình quản trị tốt đang gặp khó khăn về tài chính các NHTM có biện pháp hỗ trợ kịp thời, bằng cách chứng khoán hóa nợ gốc và lãi nhằm cứu doanh nghiệp khỏi nguy cơ phá sản và đảm bảo nguồn vốn cho ngân hàng.

Tài liệu tham khảo:

  1. Luật số 47/2010/QH1, Luật các tổ chức tín dụng;
  2. Nghị định số 34/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam;
  3. Nghị định số 59/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của ngân hàng thương mại;
  4. Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN ban hành quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng;
  5. Thông tư số 02/2013/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
  6. Thông tư số 36/2014/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
  7. Phan Thị Thu Hà (2013), Giáo trình ngân hàng thương mại, Nhà xuất bản Kinh tế quốc dân;
  8. Trần Thị Xuân Hương, Hoàng Thị Minh Ngọc (2013), Giáo trình nghiệp vụ ngân hàng thương mại, Nhà xuất bản Kinh tế TP. Hồ Chí Minh;
  9. Ahlem Selma Messai và Fathi Jouini (2013): “Micro and Macro Determinants of Non-performing Loans”. International Journal of Economics and Financial Issues, Vol. 3, No. 4, 2013, pp.852-860;
  10. Dimitrios P. Louzis; Angelos T. Vouldis; Vasilios L. Metaxas (2012). Macroeconomic and bank-specific determinants of non-performing loans in Greece: A comparative study of mortgage, business and consumer loan portfolios. International Journal of Economics and Financial Issues , 36(4), 0–1027;
  11. Gabriel Jiménez; Jesús Saurina (2004). Collateral, type of lender and relationship banking as determinants of credit risk. , 28(9), 0–2212.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 3/2023