Nigeria và nghịch lý xăng – dầu

Theo Quốc Đạt/daibieunhandan.vn

(Taichinh) - Đã bao giờ bạn phải chờ tới một ngày trời chỉ để đổ một bình xăng? Hoặc đã bao giờ bạn phải ngủ trên xe ô tô chỉ vì xe không còn đủ xăng để về nhà? Xin chào mừng đến với Nigeria, quốc gia xuất khẩu dầu số một của châu Phi và đứng thứ 11 thế giới, nơi mà tình trạng khan hiếm xăng đang trở thành một phần tất yếu của cuộc sống.

Từ nhiều tuần nay, xăng dầu đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân Nigeria. Nguồn: ITN
Từ nhiều tuần nay, xăng dầu đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân Nigeria. Nguồn: ITN

Sự hỗn loạn dây chuyền

Từ nhiều tuần nay, xăng dầu đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân Nigeria. Hình ảnh những đoàn xe xếp dài hàng cây số để chờ mua xăng đã trở nên phổ biến ở quốc gia xuất khẩu dầu thô này. Rasaq Olamitoye, một người dân ở thủ đô kinh tế Lagos cho biết, anh đã xếp hàng 24 tiếng đồng hồ trước trạm xăng trên đường Awolowo mà vẫn chưa đổ được xăng - “Tôi đã phải ngủ lại trên ô tô vì xe tôi không còn đủ xăng để rời khỏi đoàn xếp hàng. Cũng chẳng có hy vọng mua được xăng vì rất nhiều lần khi tới lượt trạm xăng lại thông báo đã hết”.

Hôm 23.5, nhiều hãng hàng không của Nigeria đã phải thông báo hoãn hoặc hủy các chuyến bay do thiếu nhiên liệu kerosene. Cùng ngày, một loạt đài truyền phát thanh như Classic FM, The Beat, TP FM phải ngừng phát sóng do không đủ nhiên liệu phục vụ máy phát điện.

Không thể xếp hàng mua nhiên liệu ở các trạm xăng, hoặc phải mua xăng với giá cắt cổ ở thị trường chợ đen đã khiến người dân Nigeria lần lượt “đắp chiếu” những chiếc ô tô của mình để tìm đến với phương tiện giao thông công cộng. Hệ thống xe điện ở Nigeria, vốn đã xập xệ, đang trở nên quá tải và giá vé thì tăng gấp đôi.

Nhiều công ty đã phải đóng cửa do không có đủ nhiên liệu phục vụ dây chuyền sản xuất trong khi lưới điện công cộng cũng không thể đáp ứng nhu cầu. Musa Yusuf thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Lagos cảnh báo, nếu tình trạng này không được giải quyết, các công ty sẽ phải sa thải nhân viên hàng loạt. Từ hỗn loạn giao thông, hỗn loạn việc làm sẽ dẫn đến hỗn loạn xã hội. Bầu không khí khủng hoảng đang bao trùm Nigeria.

Khan hiếm xăng vì sao?

Cuộc khủng hoảng nhiên liệu nổ ra sau khi Chính phủ sắp mãn nhiệm của Tổng thống Goodluck Jonathan không thanh toán khoản trợ giá xăng dầu cho các nhà nhập khẩu, hiện đã lên tới 200 tỷ naira (900 triệu euro).

Càng gần đến ngày tân Tổng thống Muhammadu Buhari tuyên thệ nhậm chức (29.5 tới), các nhà nhập khẩu xăng dầu càng hạn chế nhập khẩu và bán xăng dầu trong nước do lo ngại Chính phủ mới của ông Muhammadu Buhari không thanh toán khoản nợ mà Chính phủ tiền nhiệm để lại.

Mặc dù là quốc gia xuất khẩu tới hơn 2 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, nhưng Nigeira lại phải nhập khẩu tới 40 triệu thùng xăng để đáp ứng nhu cầu hàng ngày. Bán dầu với giá rẻ và nhập khẩu xăng với giá đắt hơn, Chính phủ Nigeria buộc phải trợ giá xăng dầu để giúp người dân có khả năng tiếp cận với mặt hàng này.

Chẳng hạn, giá xăng được ấn định ở mức 87 naira/lít, thấp hơn nhiều so với giá thị trường (vào khoảng 140 naira/lít). Khoản trợ cấp sẽ được trả cho các nhà nhập khẩu như một hình thức bù lỗ.

Tuy nhiên, do đồng naira giảm giá mạnh thời gian vừa qua, Chính phủ tiền nhiệm đã không thể thanh toán các khoản trợ cấp xăng dầu đúng hạn và điều này khiến các nhà nhập khẩu xăng trong nước đồng loạt “khóa van xăng”.

Một điều trớ trêu là cuộc khủng hoảng tiền tệ dẫn đến tình trạng thiếu xăng dầu tại Nigeria lại bắt nguồn từ chính xu hướng giá dầu giảm mạnh trên thế giới. Khi dự toán ngân sách 2015, Chính phủ Nigeria đã dự đoán giá dầu cao hơn mức hiện tại.

Giá dầu sụt giảm xuống tới 30USD/thùng thời gian vừa qua đã khiến nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Kết quả là Nigeria phải in thêm tiền để trả các khoản nợ, điều khiến giá đồng nội tệ giảm mạnh.

Với một đồng tiền mất giá thảm hại, Nigeria đang phải xuất khẩu dầu thô với giá rẻ nhưng lại nhập khẩu xăng với giá đắt hơn gấp nhiều lần.

Xuất khẩu dầu nhưng phải nhập khẩu xăng

Trở lại những năm 70 của thế kỷ trước, khi đó Nigeria không chỉ sản xuất đủ nhiên liệu đáp ứng nhu cầu trong nước, mà còn đủ khả năng xuất khẩu.

Nhưng vào năm 1992, Chính phủ liên bang đã quyết định tiến hành sửa chữa vào bảo dưỡng toàn bộ các nhà máy lọc dầu trên toàn quốc vào cùng một thời điểm, trong đó có 4 nhà máy lọc dầu chính mà thị trường Nigeria đang phụ thuộc nhiều nhất.

Đây thực sự là một kế hoạch thiếu tính kế hoạch bởi tất cả các cơ sở lọc dầu đều đồng loạt ngừng hoạt động, gây ra một cuộc khủng hoảng đối với hoạt động cung ứng nhiên liệu.

Để bù đắp lượng thiếu hụt, Chính phủ đã quyết định nhập khẩu xăng và cấp phép nhập khẩu cho một số tập đoàn xăng dầu. Không những thế, Chính phủ còn chi những khoản tiền khổng lồ lên tới hàng nghìn tỷ euro để trợ giá nhập khẩu cho những đơn vị này.

Kết quả là một số tập đoàn được cấp phép nhập khẩu giàu lên nhanh chóng và họ nhìn thấy lợi ích khi ngăn cản các kế hoạch tái vận hành các nhà máy lọc dầu - những cơ sở cho đến nay vẫn chưa hề đi vào hoạt động.

Chiến trường chờ tân Tổng thống

Một đại diện từ Công đoàn quốc gia ngành Dầu và Khí đốt tự nhiên cho biết, cho đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ nỗ lực nào từ phía Chính phủ để giải quyết hai vấn đề hiện nay: thanh toán các khoản nợ cho các nhà nhập khẩu và mở cửa trở lại các trạm bán xăng dầu trên toàn quốc.

Tình trạng thiếu thốn sẽ còn kéo dài và đe dọa ổn định xã hội. Babatunde Oke – Phát ngôn viên của Công đoàn công ty khai thác dầu PENGASSAN tuyên bố sẽ có một cuộc đình công không giới hạn của ngành dầu khí.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc thanh toán hay nhập khẩu trở lại xăng dầu chỉ là đơn thuốc chữa căn bệnh thứ phát. Nếu muốn giải quyết gốc rễ vấn đề, Chính phủ mới của Tổng thống Muhammadu Buhari sẽ phải chấp dứt chế độ trợ giá phi lý hiện nay, tái vận hành các nhà máy lọc dầu.

Từ nhiều năm nay, đã có rất nhiều doanh nghiệp tư nhân muốn đầu tư vào lĩnh vực hóa dầu ở Nigeira, nhưng họ đều e ngại tình trạng Chính phủ kiểm soát hoàn toàn giá xăng bằng công cụ trợ giá mà không điều chỉnh theo giá thị trường.

Tuy nhiên, đó sẽ là một cuộc chiến không dễ dàng đối với Tổng thống Muhammadu Buhari bởi ông sẽ phải động chạm đến quyền lợi của các tập đoàn nhập khẩu xăng dầu và động chạm đến túi tiền của người dân.