Ninh Bình: Tăng cường đôn đốc, giám sát triển khai Kế hoạch đấu tranh chống hàng giả giai đoạn 2021 - 2025

PV.

Với quyết tâm thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường tại văn bản số 3206/TCQLTT-CNV, Kế hoạch đôn đốc, giám sát của Cục QLTT tỉnh Ninh Bình được triển khai đồng bộ trên địa bàn tỉnh, tập trung vào các địa bàn trọng tâm, các mặt hàng trọng điểm.

Với mục tiêu hướng đến kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để các cơ sở bày bán công khai hàng hoá vi phạm, không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 673/KH-QLTTNB đôn đốc, giám sát triển khai Kế hoạch đấu tranh chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Thực hiện Kế hoạch đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021 – 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 888/QĐ-TCQLTT ngày 22/3/2021 của Tổng cục Quản lý thị trường, trong 4 năm qua lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình đã kiểm tra và xử lý gần 300 vụ việc vi phạm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; tổ chức ký cam kết với các cơ sở kinh donah trên địa bàn… Qua đó, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, bảo vệ nhãn hiệu hàng hoá được Nhà nước bảo hộ và tránh vi phạm các quy tắc, các quy ước về công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Thông qua đó, từng bước đẩy lùi các hành vi vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, dù đã tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát, xử lý những tụ điểm sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ song vấn nạn này vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Thực trạng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng chuyên nghiệp, tinh vi và luôn thay đổi.

Với quyết tâm thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường tại văn bản số 3206/TCQLTT-CNV, Kế hoạch đôn đốc, giám sát của Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình được triển khai đồng bộ trên địa bàn tỉnh, tập trung vào các địa bàn trọng tâm, các mặt hàng trọng điểm. Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình đã thành lập Tổ giám sát do Phó Cục trưởng làm Tổ trưởng chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc trên địa bàn tỉnh.

Tại địa bàn các Đội Quản lý thị trường thành lập Tổ giám sát thực hiện việc thu thập, thẩm tra, xác minh, giám sát, phát hiện các địa điểm bày bán công khai hàng hoá vi phạm, các khu vực, tụ điểm nóng, có nguy cơ cao về sản xuất, buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tại các địa bàn đã được phân công. Sau thời gian ngắn triển khai thực hiện, bên cạnh hoạt động giám sát, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình đã kết hợp với công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã được kiểm tra xử lý trong thời gian qua. Thông qua các hoạt động giám sát, xác minh và kiểm tra, xử lý vi phạm để ngăn chặn tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; tập trung đấu tranh, phòng chống hiệu quả tình trạng tái phạm góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp, làm lành mạnh môi trường đầu tư, kinh doanh, du lịch.

Ninh Bình: Tăng cường đôn đốc, giám sát triển khai Kế hoạch đấu tranh chống hàng giả giai đoạn 2021 - 2025 - Ảnh 1
Ninh Bình: Tăng cường đôn đốc, giám sát triển khai Kế hoạch đấu tranh chống hàng giả giai đoạn 2021 - 2025 - Ảnh 2
Một số hình ảnh giám sát của các Đội Quản lý thị trường

Bên cạnh nỗ lực của các lực lượng chức năng, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh cũng khuyến cáo các cá nhân, tổ chức và người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong việc phòng, chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và vi phạm sở hữu trí tuệ. Nếu người dân, tổ chức phát hiện hành vi vi phạm liên quan đến hàng hoá có thể liên hệ các Đội Quản lý thị trường địa bàn để được hướng dẫn, giải quyết, bảo đảm quyền lợi của mình.