Nợ công có phải quả bom của nền kinh tế Mỹ?


Các nghĩa vụ tài chính chưa thanh toán của chính phủ Mỹ hiện lên tới 34.000 tỷ USD, chiếm khoảng 123% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), gần mức kỷ lục lịch sử; liệu đây có phải quả bom nổ chậm đối với nền kinh tế số một thế giới?

Nguồn: shutterstock
Nguồn: shutterstock

Có nên lo lắng về quả bom nợ?

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ vừa công bố dự đoán về khả năng mức thâm hụt ngân sách của Mỹ có thể lên tới hơn 1.500 tỷ USD mỗi năm trong những năm tới, chiếm từ 6 đến 7% GDP. Trong khi dòng mực đỏ này hứa hẹn sẽ bổ sung đáng kể vào đống nợ tồn đọng vốn đã khổng lồ, Washington dường như vẫn chưa dừng lại để xem xét những thiệt hại tiềm tàng của xu hướng này. 

Có một số người - chắc chắn là ở Washington và cả ở phố Wall và trong giới học thuật bác bỏ những lo ngại như vậy; về cơ bản, những nhà phân tích này đưa ra cái có thể được gọi là “quan điểm của nhà giao dịch”. Công chúng mua trái phiếu dường như đang giúp xử lý tốt dòng nghĩa vụ tài chính của chính phủ. Lãi suất và lợi suất trái phiếu kho bạc không cho thấy nhà đầu tư lo ngại về sự dư thừa cũng như bất kỳ hậu quả kinh tế xấu nào.

Ví dụ, trái phiếu 10 năm hiện được bán với lãi suất trên 4%, chỉ cao hơn lạm phát một chút. Những người lạc quan này lập luận rằng nếu có lý do để lo sợ về số phận của nền tài chính liên bang, người mua sẽ yêu cầu lãi suất cao hơn nhiều, có lẽ gần với mức lãi suất 8% mà họ yêu cầu từ trái phiếu cấp cao. Những người có quan điểm này có thể lạc quan nhìn sang Nhật Bản, nơi nợ chính phủ lên tới 263% GDP và không có biến động nào, ít nhất là chưa.

Tuy nhiên, liệu các nhà đầu tư có sẵn lòng nhận khoản nợ của Kho bạc hay không là một câu hỏi không chắc chắn. Bởi điều phụ thuộc vào niềm tin của họ rằng nền kinh tế có thưc sự tăng trưởng đủ để hỗ trợ các nghĩa vụ tài chính tồn đọng hay không. Nói cách khác, liệu thu nhập và của cải quốc dân có thể theo kịp gánh nặng nợ nần hay không. Những điều đang diễn ra trong nền kinh tế Mỹ và nền tài chính liên bang hiện không mang lại niềm tin để có thể trả lời khẳng định cho câu hỏi này.

Tất nhiên, một nền kinh tế tăng trưởng nhanh đáng tin cậy, hay một nền kinh tế được quản lý tốt, có thể dễ dàng chịu được gánh nặng nợ tương đối nặng nề mà nước Mỹ đang phải đối mặt. Bởi một nền kinh tế tăng trưởng nhanh, có lẽ nên hứa hẹn ở mức hai con số, sẽ thúc đẩy thu nhập và nguồn thu của chính phủ để giải quyết nghĩa vụ tài chính một cách dễ dàng.

Nếu nợ công phản ánh các chính sách chi tiêu và thuế được thiết kế nhằm thúc đẩy tăng trưởng, thì các nhà đầu tư - cả trong và ngoài nước - sẽ tự tin mua trái phiếu với nhận thức rằng chúng sẽ được hoàn trả. Đó là trường hợp của Hoa Kỳ vào những năm 1970, khi Bộ trưởng Tài chính Alexander Hamilton có thể hứa một cách chắn chắn về một nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng và các nhà đầu tư nước ngoài không ngần ngại chi tiền mua lại các khoản nợ của Mỹ bằng cách đầu tư vào trái phiếu.

Nếu niềm tin lung lay

Nhưng nền kinh tế Mỹ ngày nay không ở trong giai đoạn phát triển nhanh chóng ban đầu cũng như không được quản lý tốt. Thâm hụt và nợ đang vượt quá nền kinh tế. Gánh nặng ngân sách hiện nay chủ yếu đến từ những chi tiêu cho quyền lợi - an sinh xã hội, các chương trình phúc lợi về bảo hiểm y tế như Medicare, Medicaid - với rất ít trong số những chi tiêu này có thể thúc đẩy tăng trưởng. Trong trường hợp tốt nhất, nền kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng khoảng 3% một năm. Có thể là không phải ngay lập tức, nhưng những xu hướng này cuối cùng sẽ khiến các nhà đầu tư không còn sẵn sàng nắm giữ nợ chính phủ Mỹ.

Ngày này sẽ đến khi có dấu hiệu cho thấy lãi suất trái phiếu kho bạc tăng so với các loại nợ khác; nếu các nhà đầu tư bắt đầu nghi ngờ về sức khỏe nền kinh tế Mỹ họ sẽ yêu cầu lãi suất cao hơn để bù đắp cho những rủi ro liên quan, giống như hiện nay đối với trái phiếu cấp thấp. Điều đó sẽ làm căng thẳng ngân sách hơn nữa do tăng chi phí trả nợ. Khi áp lực đó tăng lên, Washington sẽ có bốn lựa chọn, và không có lựa chọn nào dễ chịu cả.

4 lựa chọn khó khăn

Lựa chọn đầu tiên và ít khả năng nhất là giữ nguyên trạng; tuy nhiên, điều này sẽ phá hủy thị trường tài chính và đẩy nền kinh tế vào suy thoái. 

Thứ hai, Washington có thể cắt giảm chi tiêu để ngăn chặn “dòng mực đỏ” và cố gắng thuyết phục các nhà đầu tư rằng họ đang đưa nền tài chính của mình đi theo con đường tốt hơn. Tuy nhiên, phản ứng như vậy tiềm ẩn nhiều rắc rối. Bởi vì ngân sách bị chi phối bởi chi tiêu quốc phòng và phúc lợi, hầu hết những gì chính phủ có thể cắt giảm mà không gây nguy hiểm về mặt chính trị và xã hội sẽ đến từ phần nhỏ chi tiêu hiện nay nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Hành động như vậy có thể thuyết phục người mua trái phiếu rằng vấn đề sẽ chỉ xấu đi hơn nữa. 

Lựa chọn thứ ba của Washington là tăng thuế. Biện pháp này có thể giúp giảm gánh nặng ngân sách, nhưng việc tăng áp lực lên thuế cũng khiến những người mua trái phiếu lo ngại tăng trưởng sẽ bị ảnh hưởng khiến Washington khó gánh vác các nghĩa vụ nợ của mình hơn. 

Thứ tư và cuối cùng, Washington có thể chuyển sang lạm phát, bằng cách giảm sức mua thực sự của khoản nợ hiện tại. Tuy nhiên, chính sách như vậy sẽ tạo gánh nặng lớn cho công chúng và bằng cách đánh cắp giá trị thực của tất cả trái phiếu đã mua trong quá khứ sẽ làm xói mòn đáng kể niềm tin.

Phòng sẽ hơn chống

Hy vọng duy nhất để chống lại những viễn cảnh ảm đạm này là Washington phải có hành động phòng ngừa trước khi niềm tin của các nhà đầu tư lung lay. Việc cắt giảm chi tiêu và điều chỉnh thuế hợp lý có thể giúp ích cho việc hạch toán ngay lập tức.

Nhưng vì các nguyên tắc cơ bản về nợ phụ thuộc rất nhiều vào tăng trưởng và triển vọng tăng trưởng, nên chính sách tốt nhất sẽ định hướng lại các ưu tiên chi tiêu và thuế theo hướng thúc đẩy tăng trưởng hơn. Các bước tiếp tục để kiểm soát lạm phát sẽ trấn an những người sở hữu các khoản nợ của Mỹ rằng tài sản của họ sẽ mang lại sức mua thực sự an toàn.

Bằng cách thực hiện những điều chỉnh như vậy ngay từ bây giờ trước khi áp lực trở nên quá lớn, những thay đổi cần thiết có thể xảy ra dần dần và do đó ít gây ra trật khớp hơn.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn