Nợ công: Nỗi lo của nhiều nước
(Tài chính) Theo một nghiên cứu được Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey (McKinsey Global Institute (MGI) công bố mới đây, nợ trên toàn cầu đã tăng quá nhanh kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, từ mức 57.000 tỷ USD trong năm 2007 lên 200.000 tỷ USD vào năm 2014. Như vậy, nợ trên toàn cầu tương đương 286% GDP của cả thế giới, so với tỷ lệ 269% vào năm 2007.
Nợ công gia tăng mạnh
Theo nhận định của các nhà kinh tế học thuộc McKinsey Global Institute (MGI) “thay vì phải giảm nợ, hầu hết các nền kinh tế chính lại đi vay nợ nhiều hơn so với tổng thu nhập quốc gia năm 2007. Điều đó dẫn đến các rủi ro mới cho sự bình ổn tài chính và có thể phá hoại tăng trưởng thế giới ”.
Đứng đầu các quốc gia bùng phát nợ công là Island, tăng 172% điểm trong giai đoạn 2007-2014, tiếp đến là Singapore (129%), Hy Lạp (103%) và Bồ Đào Nha (100%). Về Trung Quốc, các khoản vay chợ đen cũng như nạn đầu cơ thị trường bất động sản đã khiến tổng nợ bùng phát, tăng gấp 4 lần từ 7.000 tỷ lên 28.000 tỷ USD. Đáng ngại nhất vẫn là các khoản nợ doanh nghiệp Trung Quốc chiếm đến 125% của GDP của nền kinh tế, một trong những mức nợ doanh nghiệp cao nhất thế giới. Một mối họa khác cho sự bình ổn tài chính của đầu tàu thế giới này đó là các khoản vay tín dụng ngầm của các chính quyền địa phương Trung Quốc đã tăng gấp ba lần trong vòng 7 năm đạt mức 1.700 tỷ USD.
Những khu vực và quốc gia có tổng mức nợ công tuyệt đối cao nhất hiện nay là Bắc Mỹ, Brazil, châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia. Trong đó, Nhật Bản là nước có số nợ công khổng lồ nhất, lên tới hơn 12.500 tỷ USD (tương đương 226,1% GDP), tiếp theo là Mỹ nợ hơn 11.800 tỷ USD (tương đương 75,2% GDP).
Nhiều quốc gia trong khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu cũng đang có mức nợ công hàng nghìn tỷ USD như Đức nợ gần 2.700 tỷ USD (tương đương 83% GDP), Italy nợ trên 2.400 tỷ USD (tương đương 120,8% GDP), Pháp nợ hơn 2.300 tỷ USD (tương đương 90,5% GDP), Anh nợ hơn 2.200 tỷ USD (tương đương 91,4% GDP)… Hy Lạp, “tâm bão” nợ công của châu Âu hiện nợ gần 395 tỷ USD (tương đương 157,5% GDP).
Các nhà nghiên cứu ước tính trong vòng 5 năm tới (2014-2019), nếu chỉ tính riêng khoản nợ công, Nhật Bản sẽ giữ vị trí hàng đầu, tăng từ 234% lên 258% so với GDP. Nước Pháp sẽ đi từ 104% lên 119%, trong khi đó Đức sẽ giảm xuống từ 80% còn 68%. Từ các tính toán, các tác giả của MGI quan ngại rằng tại những quốc gia nợ nhiều nhất các nỗ lực giảm nợ ngân sách có thể sẽ gặp thất bại đồng thời ức chế tăng trưởng.
Mức nào cho khủng hoảng?
Từ các tính toán, các tác giả của MGI quan ngại rằng tại những quốc gia nợ nhiều nhất các nỗ lực giảm nợ ngân sách có thể sẽ gặp thất bại đồng thời ức chế tăng trưởng.
Trên thực tế thì không phải lúc nào nợ công cao cũng sẽ ngay lập tức mang lại những kết cục bi đát. Thực tế lịch sử kinh tế thế giới cho thấy, hầu như không có nền kinh tế nào - dù chậm phát triển, đang phát triển hay phát triển - tránh được mối lo nợ công. Những cuộc khủng hoảng nợ công chỉ diễn ra khi chính phủ quốc gia nào đó không thể trả nợ đúng hạn, cả nợ gốc và nợ lãi, nên phải tuyên bố phá sản quốc gia hoặc cầu cứu sự trợ giúp quốc tế.
Hiện nay trên thế giới chưa có tiêu chuẩn chung về mức ngưỡng an toàn đối với các chỉ tiêu về nợ công để áp dụng cho tất cả các nước.Việc xác định các chỉ tiêu an toàn về nợ công của từng nước thường được dựa trên cơ sở đánh giá thực trạng nợ, tình hình kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa, tiền tệ, nhu cầu về vốn đầu tư phát triển, hệ số tín nhiệm của quốc gia và có thể tham khảo khuyến nghị của IMF/WB về ngưỡng an toàn nợ nước ngoài theo phân loại chất lượng khuôn khổ thể chế và chính sách.
Khi nói về ngưỡng an toàn cho nợ công, các chuyên gia đến từ Chương trình hỗ trợ phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), IMF và WB đều nhấn mạnh không nên dựa quá nhiều vào ngưỡng nợ. Khi xem xét nợ công của một nước cần phải xem các nước có nền kinh tế tương tự có ngưỡng nợ thế nào và phải tính đến cả rủi ro về lòng tin. Quan trọng hơn là phải hiểu được phạm vi, quy mô và chất lượng nợ thực chất như thế nào, bao nhiêu phần trăm để thúc đẩy tăng trưởng ngắn hạn, dài hạn…
Lời giải cho bài toán nợ công
Theo các nhà nghiên cứu và phân tích kinh tế, điều đầu tiên để ứng phó tốt với mọi khó khăn kinh tế nói chung và rủi ro nợ công cao nói riêng, các nước cần phát triển nội lực của nền kinh tế trong nước, tập trung thúc đẩy giá trị gia tăng trong xuất khẩu bằng cách giảm nhập khẩu nguyên phụ liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu thông qua đầu tư phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ và đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại.
Các giải pháp tiếp theo là hoàn thiện thể chế chính sách và các công cụ quản lý nợ công cao; Nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng vốn vay; Tăng cường công tác giám sát, quản lý rủi ro và minh bạch hóa thông tin về nợ công, trong đó trước tiên là nghiên cứu, xây dựng và triển khai phương án xử lý rủi ro; Phân tích bản chất của nợ công như nợ chính phủ là vay nợ trong nước hay vay nợ nước ngoài, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, hay dự trữ quốc gia... Các nước nên thay đổi cơ cấu nợ công theo hướng nâng cao tỷ trọng nợ trong nước thông qua đẩy mạnh phát hành trái phiếu chính phủ bằng đồng nội tệ.