Nợ công vẫn trong giới hạn Quốc hội cho phép
Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý nợ công, cơ cấu lại nợ công, đồng thời quản lý chặt các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ và kiểm soát việc bảo đảm trả nợ đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh. Ước tính đến cuối năm 2014, dư nợ công khoảng 60,3% GDP, vẫn trong giới hạn Quốc hội cho phép (nợ công không quá 65% GDP).
Huy động vốn vay cho phát triển kinh tế- xã hội
Bộ Tài chính cho biết, theo Luật Quản lý nợ công do Quốc hội ban hành ngày 17/06/2009, nợ công ở nước ta bao gồm nợ của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. Trong quá trình xây dựng Luật, vấn đề phạm vi nợ công đã được thảo luận kỹ lưỡng dựa trên kinh nghiệm quốc tế và điều kiện đặc thù của Việt Nam. Hiện nay, trên thế giới vẫn chưa có tiêu chuẩn phân loại nợ công áp dụng chung cho các quốc gia. Trên thực tế, phạm vi nợ công của Việt Nam đã tiếp cận dần với thông lệ quốc tế, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, đảm bảo thực hiện cam kết của Việt Nam về cung cấp và phổ biến số liệu chung với các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên như IMF, WB và ASEAN.
Căn cứ theo quy định tại Luật Quản lý nợ công, nợ công bao gồm nợ của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương và được phát sinh từ việc vay nợ cụ thể của chủ thể. Như vậy, theo quy định của Luật quản lý nợ công và phù hợp với thông lệ quốc tế, các khoản nợ có tính chất phát sinh trong quá trình điều hành ngân sách của trung ương và địa phương (như khoản nợ Quỹ hoàn thuế Giá trị gia tăng, nợ phí quản lý và cấp bù chênh lệch lãi suất của Ngân hàng phát triển và Ngân hàng Chính sách xã hội, nợ đầu tư xây dựng cơ bản của các địa phương, nợ chi ứng trước của ngân sách trung ương cho các dự án đầu tư nguồn vốn NSNN, nợ quỹ Bảo hiểm xã hội) đều không được tính vào nợ công.
Tính đến cuối năm 2013, dư nợ công bằng 54,2% GDP và ước tính đến cuối năm 2014, dư nợ công khoảng 60,3% GDP, vẫn trong giới hạn Quốc hội cho phép (nợ công không quá 65% GDP).
Theo nhận định của Bộ Tài chính, trong thời gian qua, chúng ta đã huy động một lượng đáng kể vốn vay phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây là nguồn vốn cần thiết và rất quan trọng để bổ sung cho đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội.
Trên thực tế, rất nhiều công trình kết cấu hạ tầng về giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, điện, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường trên phạm vi cả nước đã hoàn thành, phát huy hiệu quả, góp phần thu hút vốn đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phát triển giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho công tác y tế chăm sóc sức khoẻ nhân dân, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao trình độ khoa học, công nghệ, kinh nghiệm quản lý và đảm bảo an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Từ năm 2008, cả thế giới đối mặt với khủng hoảng kinh tế tài chính và suy thoái. Trong điều kiện nền kinh tế khó khăn, tăng trưởng kinh tế chậm lại, cân đối ngân sách cùng lúc phải sắp xếp để thực hiện các Nghị quyết Đại hội Đảng XI, nhiều Nghị quyết Trung ương và Quốc hội đặc biệt là phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu kinh tế... dẫn đến vay nợ của Chính phủ bắt đầu tăng từ năm 2009. Các khó khăn của nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam tiếp tục kéo dài kể từ năm 2010 đến nay, Chính phủ phải huy động một nguồn lực lớn thông qua phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ cho đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, đồng Việt Nam trong giai đoạn 2009 – 2011 bị mất giá, bội chi ngân sách nhà nước tăng, cùng với việc đẩy nhanh giải ngân ODA đã làm cho dư nợ công tăng nhanh (2011 ở mức 50,0%GDP; 2012 ở mức 50,8%GDP; 2013 ở mức 54,2% GDP và năm 2014 ở mức 60,3% GDP).
Với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 vừa được Quốc hội thông qua, dự kiến nợ công đến cuối năm 2015 sẽ ở mức 2.869 nghìn tỷ đồng, bằng 64% GDP, vẫn trong giới hạn Quốc hội cho phép (nợ công không quá 65% GDP) nhưng cũng sẽ có nhiều khó khăn, thách thức như: nợ công đang tăng nhanh, cơ cấu nợ chưa thực sự bền vững, áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn, sử dụng vốn còn dàn trải, nhiều dự án chậm tiến độ, có dự án hoàn thành nhưng không đạt được mục tiêu đề ra, thâm chí còn có một số dự án đầu tư sử dụng vốn vay kém hiệu quả.
Phấn đấu tăng thu, giảm bội chi để giảm nợ công
Để từng bước tăng cường chủ động trong công tác quản lý nợ công, đảm bảo an toàn nền tài chính quốc gia, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 958/QĐ-TTg ngày 27/7/2012 phê duyệt Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó đã đề ra mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng và giải pháp nhằm huy động, phân bổ và sử dụng vốn vay hiệu quả, đảm bảo trong giới hạn các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia.
Nhiều giải pháp đang được đẩy mạnh triển khai như: Chủ động cải tiến công cụ quản lý nợ công, đa dạng hóa các hình thức vay vốn với chi phí hợp lý, chuyển đổi cơ cấu vay theo hướng tăng dần tỷ trọng huy động vốn vay trong nước, giảm dần mức độ vay nước ngoài; Tiếp tục nâng cao hiệu quả huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay công và nợ nước ngoài của quốc gia, có lộ trình giảm đầu tư công bằng nguồn vốn vay.
Đồng thời, tăng cường công tác thẩm định, kiểm soát chặt chẽ việc cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ, thu hẹp dần hạn mức cấp bảo lãnh Chính phủ. Thúc đẩy, phát triển thị trường vốn trong nước để tăng cường huy động vốn trái phiếu kỳ hạn dài, góp phần giảm thiểu rủi ro tái cấp vốn đối với danh mục nợ trái phiếu chính phủ và trái phiếu được bảo lãnh chính phủ; Tiếp tục chủ động bố trí đầy đủ nguồn để trả nợ đúng hạn, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, đảm bảo uy tín và các cam kết của Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế. Ngoài ra, phấn đấu tăng thu để giảm bội chi, tăng chi trả nợ để giảm nợ Chính phủ, nợ công.
Vào giữa tháng 2-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 02/CT-TTg tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công. Chỉ thị 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương, các chủ dự án có liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu quản lý chặt chẽ các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ theo hướng siết chặt điều kiện cấp bảo lãnh, không mở rộng diện, chọn lọc có mục tiêu ưu tiên, tiến tới thu hẹp bảo lãnh Chính phủ và kiểm soát việc bảo đảm trả nợ đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh. Đối với cho vay lại theo hướng tăng dần tỷ lệ cho vay lại, giảm dần tỷ lệ cấp phát và thu đủ nợ đối với các khoản Chính phủ vay về cho vay lại.
Ngoài việc tiếp tục thực hiện các giải pháp đã đề ra trong Chiến lược nợ công, Chính phủ đã có các giải pháp đồng bộ để tăng cường quản lý, đặc biệt nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công như yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị sử dụng vốn vay, như: Quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới; nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế xã hội quan trọng, thiết yếu theo quy hoạch.
Đồng thời, tổ chức tốt việc thực hiện dự án, nhất là khâu chuẩn bị, giải phóng mặt bằng, thẩm định, quy hoạch, kế hoạch, quyết định đầu tư, thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán, dự toán công trình, lựa chọn nhà thầu, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng công trình; Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình và theo đúng quy định của pháp luật. Chủ động ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo tiếp tục cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ trọng vốn vay dài hạn để giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn. Đẩy mạnh triển khai các nghiệp vụ quản lý và xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công (bao gồm các loại rủi ro về tỷ giá, lãi suất, thanh khoản, tái cấp vốn và tín dụng). Tăng tính thanh khoản và thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ. Chủ động bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước trong giới hạn quy định (không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước) và sử dụng Quỹ tích lũy trả nợ để đảm bảo trả nợ Chính phủ đúng hạn.