Nợ khó đòi ngành xây lắp, nhìn từ các ông lớn
“Thanh toán sau”, “trả chậm”, “nợ” là những thuật ngữ quen thuộc trong sản xuất - kinh doanh mà dù muốn hay không mọi doanh nghiệp cũng đều phải đối mặt, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc ngành xây dựng. Tuy nhiên, khi năm 2019 với nhiều bất ổn trên thị trường bất động sản chuẩn bị đi qua, việc doanh nghiệp xây lắp bị nợ đọng lại nóng lên.
Các ông lớn lao đao vì công nợ
Ghi nhận của Báo Đầu tư Bất động sản từ báo cáo tài chính quý III của một số doanh nghiệp xây dựng đầu ngành đang niêm yết trên thị trường chứng khoán cho thấy, không chỉ lợi nhuận giảm sút mạnh, điều đáng lo là các khoản phải thu của nhiều doanh nghiệp đang "phình" rất to, dẫn đến vòng quay khoản thu kéo dài.
Theo logic thông thường, khách hàng nợ rồi khách hàng cũng sẽ phải trả cho doanh nghiệp, không trả lúc này thì trả lúc khác, cuối cùng thì tiền vẫn thuộc về doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng nếu khách hàng chiếm dụng vốn ngày càng lớn và kéo dài. Trong khi đó, do yêu cầu của thị trường, doanh nghiệp xây lắp cần phải thanh toán các khoản công nợ cho các nhà thầu phụ, bên cạnh việc vẫn phải duy trì sản lượng sản xuất dẫn đến tình trạng thiếu hụt tiền mặt, và ảnh hưởng chung tới toàn bộ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Trên báo cáo tài chính hợp nhất của Coteccons (mã chứng khoán: CTD) kết thúc quý III/2019, khoản phải thu ngắn hạn lên tới hơn 7.672 tỷ đồng, trong đó dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi là 214,5 tỷ đồng. Với doanh thu thuần 9 tháng đạt hơn 16.262 tỷ đồng, vòng quay khoản phải thu của CTD là 2,11 lần, tương ứng với gần 5,76 tháng.
Mặc dù cao nhưng so với nhiều doanh nghiệp xây dựng khác thì vòng quay khoản phải thu của CTD được xem là khả quan hơn. Chẳng hạn, như trường hợp của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã chứng khoán: HBC), khoản phải thu ngắn hạn tính đến hết tháng 9/2019 lên đến hơn 11.891,4 tỷ đồng, với dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi lên tới gần 387,6 tỷ đồng. Theo tính toán, khoản phải thu ngắn hạn của HBC gấp tới 3 lần vốn chủ sở hữu và vòng quay khoản phải thu lên đến gần một năm.
Mặc dù Hòa Bình cho biết, đã thu hồi được gần 2.900 tỷ đồng trong quý I/2019, nhưng tính đến hết quý III/2019, các khoản phải thu khách hàng (đã xuất hóa đơn) vẫn ở mức cao lên tới hơn 5.575,7 tỷ đồng. Ngoài ra, các khoản phải thu theo tiến độ khách hàng ký hợp đồng xây dựng (chưa xuất hóa đơn) lại tiếp tục tăng mạnh thêm hơn 1.130 tỷ đồng lên 5.130,4 tỷ đồng, cho thấy chất lượng nợ của Hòa Bình xấu đi. Trong năm vừa qua, vụ việc xác nhận công nợ của HBC cũng từng gây lùm xùm khi dẫn đến việc kiện tụng của một doanh nghiệp địa ốc khác.
Trong khi đó, đối với trường hợp của CTD, theo thuyết minh báo cáo tài chính của Công ty, chất lượng nợ của CTD có tốt hơn, nhưng một số khoản nợ lại có dấu hiệu kéo dài khó thu khi chủ đầu tư đang gặp khó trong việc thu tiền của khách hàng. Riêng khoản phải thu từ Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt lên tới 688,8 tỷ đồng. Được biết, công ty này cũng là chủ đầu tư một dự án chung cư cao cấp trên đường Trần Duy Hưng (Hà Nội).
So với hai đại gia CTD và HBC, tình hình công nợ của Ricons có nhẹ nhàng hơn. Tính đến hết quý III/2019, tổng các khoản phải thu ngắn hạn của Ricons đạt 2.894 tỷ đồng. Mặc dù giảm tới hơn 1.100 tỷ đồng so với hồi đầu năm 2019, nhưng theo tính toán vòng quay khoản phải thu của của Ricons cũng lên tới hơn 7 tháng.
Trong đó, ngoài các khoản phải thu khách hàng vào khoảng 1.501,2 tỷ đồng, thì Ricons có các khoản phải thu rất lớn tới các bên liên quan, trong đó riêng với Coteccons, một cổ đông lớn có mối liên quan mật thiết giữa lãnh đạo 2 doanh nghiệp cũng lên tới 686,8 tỷ đồng và Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Unicons khoảng 51,4 tỷ đồng. Điểm sáng đáng ghi nhận của Ricons là các khoản tiền mặt, tiền gửi ngân hàng khá lớn lên tới gần 700 tỷ đồng, giúp giảm đáng kể áp lực thanh toán ngắn hạn, đặc biệt với các nhà thầu phụ cùng tham gia thi công.
“Nước xuống, thuyền mắc cạn”
Coteccons, Hòa Bình hay Ricons chỉ là 3 trong số hàng ngàn doanh nghiệp xây dựng đang hoạt động trên thị trường. Tuy nhiên, đây là những thương hiệu gần như mang tính “biểu tượng” của ngành xây lắp khi có thể chứng minh được chất lượng dự án gắn với tên tuổi của mình. Do đó, tình trạng các đơn vị này bị nợ đọng lớn cũng phản ánh bức tranh chung của ngày xây lắp Việt Nam khi thị trương bất động gặp nhiều khó khăn.
Sau giai đoạn 2015-2017 rất khả quan vì thị trường bất động sản bùng nổ, nhiều công ty xây dựng, đặc biệt là những công ty hoạt động trong phân khúc nhà ở thương mại, bắt đầu gặp khó khăn trong việc kéo dài đà tăng trưởng cao giai đoạn 2017-2018. Đặc biệt, trong năm 2019, tình hình còn khó khăn hơn khi hầu hết các đại gia ngành xây dựng không thể giữ "phong độ".
Ngay từ Đại hội cổ đông thường niên diễn ra hồi đầu năm nay, các nhà thầu đều thừa nhận những khó khăn chung của thị trường. Năn nỉ, gọi điện mỗi ngày thúc hối trả nợ, ngưng giao hàng, hỗ trợ khách chậm trả nợ để thúc đẩy sản xuất..., thậm chí kiện ra cả tòa là những biện pháp đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng, nhằm sớm thu hồi nợ từ khách hàng. Tuy nhiên, thực tế hiệu quả của việc thu hồi công nợ cũng không dễ.
Đại diện một doanh nghiệp cho biết, để kiểm soát tốt công nợ từ khách hàng, công ty đã thành lập hẳn một Ban thu hồi công nợ đứng đầu là phó giám đốc phụ trách kinh doanh, giao nhiệm vụ cụ thể tới từng thành viên. Công ty cũng quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ cũng như quyền lợi của các thành viên trong Ban.
Dù áp dụng nhiều giải pháp để giải quyết công nợ, doanh nghiệp vẫn bị đối tác chiếm dụng vốn một cách bất đắc dĩ. "Tất cả những giải pháp thu hồi nợ chỉ là tạm thời, bởi nếu chủ đầu tư không bán hàng được, việc thu hồi nợ đúng hạn là bất khả thi", vị lãnh đạo chia sẻ và cho biết, những giải pháp thu hồi nợ trên của doanh nghiệp chỉ có tác dụng giúp kiểm soát tình hình tài chính ở ngưỡng an toàn trong một khoảng thời gian nhất định. Về lâu dài, những giải pháp đó sẽ không còn tác dụng, khi thị trường bất động sản được đánh giá là vẫn tương đối khó khăn.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, trong thời gian tới, nếu các thành phố lớn không có những giải pháp tháo gỡ tích cực thì thị trường bất động sản sẽ tiếp tục trầm lắng. Giao dịch trên thị trường hiện nay chủ yếu là từ các dự án đã được xây dựng từ giai đoạn trước. Do đó, sẽ kéo theo sự ảm đạm của ngành xây lắp. Trước tình hình này, việc phát triển các thị trường mới, đặc biệt là thị trường nước ngoài có thể là hướng đi khả dĩ của các doanh nghiệp xây lắp có thương hiệu.
Theo dự báo của BMI, tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng sẽ bắt đầu chậm lại, từ mức 9,63% xuống còn khoảng 7,8% trong giai đoạn 2019-2021. Nguyên nhân có thể do tốc độ tăng trưởng ngành bất động sản sẽ chậm lại hơn so với trước. Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành sẽ quyết liệt hơn. Cùng với đó, giá cả nguyên vật liệu sắt, thép, cát… có xu hướng tăng sẽ làm cho lợi nhuận giảm sút. Rất nhiều cái khó đang bủa vây doanh nghiệp ngành xây lắp, mà xem ra chỉ có thị trường bất động sản trở lại quỹ đạo phát triển bình thường mới gỡ được mớ bòng bong này.