Nỗ lực đảm bảo an ninh, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu

PV.

Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC (FBCDM) do Bộ Tài chính cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì chính thức khai mạc vào sáng 23/2/2017. Trước đó, nhiều hội thảo, cuộc họp bên lề đã diễn ra; trong đó, Cuộc họp Tiểu ban Thủ tục Hải quan lần thứ nhất (SCCP 1) do Hải quan Việt Nam chủ trì.

Hải quan Việt Nam chủ trì phiên họp thứ nhất Tiểu ban Thủ tục hải quan APEC 2017
Hải quan Việt Nam chủ trì phiên họp thứ nhất Tiểu ban Thủ tục hải quan APEC 2017


Tập trung vào 7 nội dung quan trọng

Cuộc họp Tiểu ban Thủ tục Hải quan lần thứ nhất (SCCP 1) là hoạt động nằm  trong chuỗi các cuộc họp, sự kiện của SCCP trong năm APEC Việt Nam 2017. Cuộc SCCP 1 có sự tham gia của hơn 50 đại biểu quốc tế đến từ Hải quan  21 nền kinh tế thành viên APEC, Ban thư ký APEC, Ủy ban Thương mại và Đầu tư (CTI).

Tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam Nguyễn Văn Cẩn, đánh giá cao và hoan nghênh những nỗ lực cũng như kết quả hợp tác tích cực của các cơ quan hải quan APEC trong những năm qua. Đặc biệt, Hải quan Việt Nam đánh giá cao kết quả của SCCP 2016 tại Pê-ru.

Các cuộc họp SCCP trong khuôn khổ hội nghị lần thứ 25 của APEC 2017 đã đưa ra các kế hoạch hành động không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu khách quan của thương mại mà còn xuất phát từ nhu cầu nội tại thiết thực đối với mỗi nền kinh tế.

Công tác hải quan là một mắt xích quan trọng trong liên kết kinh tế khu vực với điểm nhấn là thuận lợi hoá thương mại song hành với đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng và bảo vệ an toàn xã hội. Với vai trò là một trong các tiểu ban và nhóm công tác trực thuộc CTI, nội dung thảo luận của SCCP 1 đã bám sát các ưu tiên và chủ đề của APEC và CTI trong năm 2017. 

Cuộc họp SCCP 1 đã tập trung vào 7 nội dung chính như: Triển khai thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi thương mại trong khuôn khổ WTO; Triển khai kết nối cơ chế một cửa; Phát triển chương trình Doanh nghiệp ưu tiên; Ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý rủi ro trong quản lý hải quan; Quản lý thực thi quyền sở hữu trí tuệ qua biên giới; Thúc đẩy thương mại điện tử qua biên giới; Tăng cường khung kết nối chuỗi cung ứng.

Trong đó, SCCP lựa chọn hai vấn đề ưu tiên là: Thứ nhất, đảm bảo an ninh thương mại trong kết nối chuỗi cung ứng, trong đó nhấn mạnh việc triển khai các biện pháp phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống hàng giả hàng nhái; thực thi quyền sở hữu trí tuệ qua biên giới; Thứ hai, tạo thuận lợi thương mại thông qua tăng cường triển khai và hoàn thiện kết nối cơ chế một cửa.

Chống buôn lậu, hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu

​Sau phiên thảo luận các nội dung quan trọng, SCCP 1 tiếp tục tập trung làm rõ các vấn đề quan tâm như chống buôn lậu và hàng giả, hàng nhái; hệ thống thông quan hàng hóa tự động VNACCS/VCIS, doanh nghiệp ưu tiên…

Đây là những chủ đề được các đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên trình bày và đề xuất dựa trên 2 ưu tiên đã được SCCP lựa chọn gồm: Đảm bảo an ninh thương mại trong kết nối chuỗi cung ứng và tạo thuận lợi thương mại thông qua tăng cường triển khai và hoàn thiện kết nối cơ chế một cửa.

Liên quan đến vấn đề đảm bảo an ninh thương mại, đại biểu Hải quan Việt Nam có bài trình bày về hoạt động kiểm soát và nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Hải quan Nhật Bản cử đại diện tham luận về quản lý rủi ro trong các chuyến bay dựa trên hồ sơ hành khách (PNR) và đại biểu đến từ Đài Loan giới thiệu về các giải pháp quản lý khu vực biên giới.

Đối với nội dung về tạo thuận lợi thương mại, đoàn chủ nhà Hải quan Việt Nam giới thiệu về hệ thống thông quan tự động hiện đại VNACCS/VCIS đã được áp dụng thành công trên toàn quốc, cơ chế một cửa và một số sáng kiến trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu.

Đại diện Hải quan Philippines đã trình bày về những điểm mới trong việc áp dụng chương trình doanh nghiệp ưu tiên (AEO) và đánh giá cao những nỗ lực của Hải quan Việt Nam trong việc triển khai các hoạt động này.

Đồng quan điểm với Hải quan Philippines, Hải quan Nga và Chile bên cạnh việc đánh giá cao những kết quả của Hải quan Việt Nam trong quá trình hiện đại hóa, hội nhập vừa qua đã có bài giới thiệu về hệ thống trao đổi thông tin điện tử C2C. 

Đại diện Hải quan Nhật Bản, tất cả các nền kinh tế thành viên APEC đều quan tâm tới Cơ chế một cửa, bởi đây là công cụ thúc đẩy phát triển thương mại nhanh chóng và chính xác. Cơ chế một cửa chỉ thành công khi tạo được sự kết nối, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan, qua đó tạo thuận lợi thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp.