Nỗ lực để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP

Theo Nguyệt Minh/baodauthau.vn

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trên cơ sở kết quả tăng trưởng GDP của quý I năm 2019 là 6,79%, nếu như kịch bản tăng trưởng của các quý còn lại giữ nguyên như báo cáo tại Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2019, thì tăng trưởng GDP cả năm 2019 dự kiến đạt khoảng 6,78%, thấp hơn mức cao (6,8%) được Quốc hội giao.

Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế tiếp tục được cải thiện nhưng đang có dấu hiệu tăng chậm lại. Ảnh: Lê Tiên
Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế tiếp tục được cải thiện nhưng đang có dấu hiệu tăng chậm lại. Ảnh: Lê Tiên

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8%, sẽ cần nhiều nỗ lực, thực hiện quyết liệt các giải pháp, nắm bắt mọi cơ hội có được.

Doanh nghiệp lạc quan

Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê về xu hướng kinh doanh trong quý II/2019 của các doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, các DN thể hiện sự lạc quan với tình hình sản xuất, kinh doanh, tin tưởng bức tranh kinh tế quý II sẽ sáng hơn quý I/2019. Cụ thể, 89,4% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên và ổn định, trong khi năm trước là 74,2%. 89,7% số DN dự báo khối lượng sản xuất của quý II tăng lên. 90,4% DN dự báo đơn đặt hàng tăng và giữ ổn định (năm trước là 78,6%).

Kết quả điều tra chỉ số PCI 2018 của VCCI vừa được công bố cũng cho thấy, mức độ lạc quan của các DN về triển vọng kinh doanh thời gian tới tiếp tục ở mức tương đối cao, 49% DN dân doanh và 56% DN FDI cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới.

Còn theo số liệu của Bộ KH&ĐT, DN thành lập mới quý I/2019 đạt 28.451 DN, tăng 6,2%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Số DN quay trở lại hoạt động đạt trên 15.000 DN. Thu hút FDI tăng 86,2% so với cùng kỳ năm 2018, đạt kỷ lục về giá trị vốn đầu tư đăng ký của quý I trong vòng 3 năm trở lại đây.

Tại phiên họp Chính phủ tháng 3/2019 diễn ra ngày 2/4, Thủ tướng Chính phủ đánh giá, những số liệu về DN, về FDI cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện. Bên cạnh đó, lãnh đạo Chính phủ nhận định tình hình kinh tế quý I có nhiều điểm sáng, GDP tăng trưởng cao so với cùng kỳ nhiều năm từ 2011 - 2017, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong 3 năm 2017 - 2019. Tổng cầu tiếp tục tăng mạnh là điểm sáng trong bức tranh tổng thể.

 

Nỗ lực để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP - ảnh 1

 

Chính phủ quyết tâm đạt tăng trưởng cao

Dù kinh tế quý I có kết quả tích cực, nhưng Thủ tướng Chính phủ nêu rõ nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối diện nhiều thách thức có khả năng ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh những tháng tiếp theo và khả năng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019.

Báo cáo của Bộ KH&ĐT tại phiên họp Chính phủ chỉ rõ những khó khăn trước mắt như tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế tiếp tục được cải thiện nhưng đang có dấu hiệu tăng chậm lại, cả ba khu vực kinh tế đều phát triển theo xu hướng chậm hơn cùng kỳ năm trước. Các động lực chính cho tăng trưởng vẫn chưa thực sự mạnh mẽ, trong khi dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng còn rất hạn chế…

Tình hình kinh tế thế giới, theo Bộ KH&ĐT, cũng sẽ tạo ra nhiều áp lực cho nền kinh tế Việt Nam. Nhiều tổ chức uy tín trên thế giới như IMF, WB, OECD, WEF, Liên hợp quốc... đều có những dự báo và nhận định không mấy khả quan về triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm nay. IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2019 lần thứ 2 trong vòng 3 tháng qua, giảm từ 3,7% xuống còn 3,5%. Về môi trường đầu tư, nhiều nước đang cải thiện mạnh mẽ theo hướng cởi mở, thông thoáng hơn, tạo thuận lợi hơn. Do đó, cạnh tranh thu hút FDI sẽ tăng lên đối với Việt Nam.

Đặc biệt cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn tiềm ẩn nhiều tác động khó lường đến kinh tế Việt Nam. Tại Ấn phẩm Kinh tế Việt Nam 2018, triển vọng 2019 của Trường Đại học Kinh tế quốc dân do GS. Trần Thọ Đạt chủ biên, nhóm nghiên cứu chỉ ra, dù có thể có được một số cơ hội hưởng lợi, nhưng rủi ro, thách thức từ cuộc chiến thương mại này là rất lớn, khó lường. Cơ hội có, nhưng cần chủ động, tăng năng lực để tận dụng cơ hội xuất khẩu và tỉnh táo sàng lọc dự án đầu tư, tránh hệ lụy lâu dài.

Trước những thách thức không nhỏ, trong khi tăng trưởng quý I đạt thấp hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết 01/2019/NQ-CP, tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải nỗ lực tối đa, tận dụng mọi cơ hội cả trong nước và quốc tế, tập trung thực hiện các biện pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh ở các khu vực với mục tiêu tăng trưởng các quý còn lại của năm 2019 phải cao hơn mục tiêu kịch bản đã đề ra.

Trước đó, ngày 1/4/2019, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký ban hành Chỉ thị về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019. Trong đó, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành để đảm bảo có thể đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng đề ra là 6,8%.