Nỗ lực hoàn thành mục tiêu bao phủ BHYT đến 100% học sinh, sinh viên

Thu Hà

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, học sinh, sinh viên là một trong những nhóm đối tượng có tỷ lệ bảo hiểm y tế cao. Cùng với sự nỗ lực từ ngành BHXH Việt Nam, với sự chỉ đạo quyết liệt từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, công tác BHYT học sinh, sinh viên thời gian qua đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Đây cũng là một trong các nhóm đối tượng mà mục tiêu phấn đấu phải đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 100% học sinh, sinh viên vào cuối năm học 2019-2020 theo chỉ đạo Chính phủ cũng như theo mong muốn, quyết tâm chính trị của cả hệ thống.

Giờ học thể chất của học sinh vùng cao.
Giờ học thể chất của học sinh vùng cao.

Học sinh, sinh viên hưởng thụ nhiều lợi ích khi khám, chữa bệnh BHYT

Thời gian qua, công tác BHYT học sinh, sinh viên (HSSV) nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị. BHXH các tỉnh đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp với các sở, ngành liên quan, đặc biệt là Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai BHYT HSSV và đã đạt được kết quả quan trọng. Số lượng HSSV tham gia BHYT hàng năm đều tăng. Năm học 2018-2019, có trường học đã đạt tỷ lệ 100% HSSV tham gia BHYT.

Với quan điểm chăm lo sức khỏe nhân dân là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, để sớm hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân, bên cạnh quy định BHYT là hình thức bắt buộc, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã quy định cụ thể trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong triển khai BHYT. Trong đó, quy định trách nhiệm của Bộ GD&ĐT: “Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện việc xác định, quản lý đối tượng do Bộ GD&ĐT quản lý, trong đó có HSSV”.

HSSV khi tham gia BHYT, ngoài việc được Quỹ BHYT chi trả các chi phí khám, chữa bệnh khi khám, điều trị bệnh tại các cơ sở y tế như các nhóm đối tượng khác theo quy định, thì còn được hưởng quyền lợi chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường từ nguồn kinh phí do Quỹ BHYT trích lại dành cho y tế trường học.

Với những quy định mới trong thực hiện chính sách BHYT từ 01/01/2016 đến nay, cụ thể là: người có thẻ BHYT được đi khám, chữa bệnh tại tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện và tương đương mà không phải theo nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu đã tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT nói chung và HSSV tham gia BHYT nói riêng.

Trong xu thế quyền lợi BHYT ngày càng mở rộng, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được tăng lên, HSSV đang được hưởng thụ nhiều lợi ích khi đi khám chữa bệnh BHYT. Quỹ BHYT đã chi trả cho rất nhiều bệnh nhân là HSSV mắc các bệnh nan y, mạn tính như điều trị suy thận bằng chạy thận nhân tạo; điều trị bệnh ung thư, phẫu thuật tim mạch với chi phí từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng/một trường hợp mắc bệnh.

Nhóm HSSV có ưu thế lớn trong hưởng thụ các dịch vụ y tế từ Quỹ BHYT. Mặc dù, Luật BHYT hiện nay chưa quy định chi cho y tế dự phòng, nhưng nhóm HSSV vẫn gián tiếp được hưởng các quyền lợi này thông qua chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường từ nguồn kinh phí trích lại từ quỹ khám, chữa bệnh BHYT cho hoạt động y tế trường học, trong đó có nội dung chi hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ và phân loại sức khỏe cho học sinh đầu năm học, tổ chức các hoạt động tư vấn giáo dục, sức khỏe và phòng bệnh.

Khi người dân vẫn chưa có thói quen khám sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm bệnh tật, sự chăm sóc y tế dành cho HSSV thường xuyên, liên tục từ khi bắt đầu bước vào trường học có một ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Xét trên phương diện xã hội, khi HSSV tham gia BHYT sẽ tạo sự yên tâm cho chính bản thân các em, cha mẹ và gia đình nếu không may xảy ra tai nạn thương tích, bệnh tật. Các nhà trường cũng yên tâm trong quản lý sức khỏe HSSV, có thêm cơ hội, thêm điều kiện để nâng cao chất lượng dạy và học. Thực hiện BHYT đối với HSSV còn là trách nhiệm bảo đảm sức khỏe đối với bản thân các em và sau đó là với cộng đồng, xã hội.

Còn nhiều khó khăn, thách thức

Tuy nhiên, hiện tại còn nhiều HSSV chưa tham gia BHYT, nhất là đối tượng sinh viên. Điều này đã đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho việc phát triển BHYT HSSV năm học 2019-2020.

Theo đánh giá của các cơ quan quản lý, bên cạnh kết quả đạt được, công tác BHYT HSSV còn những khó khăn, cụ thể như: Tỷ lệ HSSV tham gia BHYT chưa đồng đều. Tỷ lệ học sinh tham gia BHYT chiếm 96%. Tỷ lệ sinh viên tham gia BHYT chỉ chiếm khoảng 80%, đặc biệt là sinh viên ở các trường dạy nghề còn thấp.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ- CP ngày 17/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT thì cơ sở giáo dục hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp được cấp kinh phí từ Quỹ BHYT để thực hiện khám bệnh, chữa bệnh trong chăm sóc sức khỏe ban đầu phải có đủ các điều kiện: có ít nhất một cán bộ có đủ điều kiện hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật, làm việc chuyên trách hoặc kiêm nhiệm trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu; nhà trường phải có phòng y tế hoặc phòng làm việc riêng để thực hiện việc sơ cấp cứu, xử trí ban đầu cho HSSV bị tai nạn thương tích, mắc các bệnh thông thường trong thời gian học tập tại trường. Tuy vậy, thực tế hiện nay một số cơ sở giáo dục vẫn chưa thể đáp ứng, đây cũng là yếu tố gây khó khăn trong việc thực hiện công tác BHYT HSSV tại trường học.

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định BHYT là loại hình bảo hiểm bắt buộc nhưng thiếu chế tài xử lý vi phạm về BHYT, do đó hiệu quả còn chưa cao. Công tác truyền thông về BHYT HSSV dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng chưa đa dạng về hình thức, chưa thường xuyên và đơn giản về nội dung nên vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Công tác tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thu kinh phí BHYT HSSV tại một số nhà trường hàng năm chưa thường xuyên, chưa đồng bộ và chưa kịp thời. Công tác phối hợp giữa các ban ngành trong việc chỉ đạo thực hiện công tác BHYT HSSV tại một số địa phương còn thiếu chặt chẽ.

Điều kiện về nhân lực làm công tác y tế trường học, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe HSSV còn trong tình trạng thiếu thốn và bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe tại các nhà trường, đặc biệt tại vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới.

Chất lượng khám, chữa bệnh BHYT tuy đã được nâng lên một bước nhưng đôi lúc, đôi nơi vẫn còn hiện tượng quá tải ở các bệnh viện và tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ có nơi, có lúc chưa đáp ứng yêu cầu… làm giảm sức hấp dẫn của BHYT.

Mục tiêu 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT cuối năm học 2019-2020

Để hoàn thành mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT vào cuối năm học 2019-2020, về phía BHXH Việt Nam, ngay từ khi chuẩn bị cho năm học mới 2019-2020, ngành BHXH đã yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo Sở GD&ĐT, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành BHXH tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT trong các trường học.

Giao chỉ tiêu tỷ lệ tham gia BHYT của HSSV đối với từng cơ sở giáo dục; đưa tiêu chí về tỷ lệ tham gia BHYT HSSV là một trong các tiêu chí đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở Đảng, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và việc chấp hành pháp luật của HSSV, bảo đảm đến hết năm học 2019-2020 đạt 100% HSSV tham gia BHYT.

BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp Sở GD&ĐT và các sở, ngành có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật BHYT bằng nhiều hình thức đến đội ngũ cán bộ, giáo viên, HSSV và các phụ huynh.

Về phía Bộ GD&ĐT, trong năm học mới 2019- 2020, để phấn đấu đạt tỷ lệ 100% HSSV tham gia BHYT theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT, các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm tập trung thực hiện các nội dung: Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tích cực triển khai công tác BHYT học sinh; Đưa kết quả thực hiện BHYT HS,SV vào tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua của các sở giáo dục và đào tạo; phấn đấu đạt chỉ tiêu 100% học sinh tham gia BHYT trong các cơ sở giáo dục năm học 2019 - 2020.

Các đơn vị trong ngành GD&ĐT tăng cường truyền thông bằng nhiều hình thức phong phú tới HSSV và cha mẹ học sinh về quyền lợi, trách nhiệm, vai trò, ý nghĩa nhân văn của các chính sách, pháp luật về BHYT đối với công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe HSSV.

Phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác BHYT HSSV tại các nhà trường. Có hình thức xử lý kịp thời đối với các trường hợp không tuân thủ quy định về BHYT. Xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai công tác BHYT cho HSSV, tiếp tục kiện toàn, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động y tế trường học bền vững gắn với y tế cơ sở. Ngành GD&ĐT phối hợp với ngành BHXH và ngành Y tế địa phương tổ chức sơ kết, tổng kết công tác BHYT và chăm sóc sức khỏe học sinh.

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, đến nay cả nước vẫn còn gần 6% số HSSV chưa tham gia BHYT. Tại một số địa phương, việc tuyên truyền, vận động HSSV tham gia vẫn gặp khó khăn. Điều này đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền và ba ngành: BHXH, giáo dục và đào tạo, y tế nâng cao trách nhiệm, tăng cường tuyên truyền để sớm đạt mục tiêu 100% số HSSV có thẻ BHYT.