Nỗ lực mở rộng quy mô hoạt động tài chính vi mô
Trải qua hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng về phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới... Những thành tựu quan trọng đó có phần đóng góp tích cực từ kết quả đạt được của hoạt động tài chính vi mô (TCVM) mà các tổ chức tín dụng, trong đó có Agribank đã và đang tích cực triển khai trong thời gian qua.
Xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, tăng trưởng về kinh tế gắn với công bằng xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới là một trong những mục tiêu hàng đầu trong công cuộc đổi mới đất nước. Với mục tiêu này, hoạt động TCVM của Việt Nam đã và đang thể hiện vai trò quan trọng trong việc tăng cường hỗ trợ tài chính thông qua việc từng bước đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn vay và các dịch vụ tài chính để phát triển kinh tế, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và các hộ gia đình thu nhập thấp. Hoạt động TCVM hướng tới các hộ gia đình có thu nhập thấp các khoản vay nhỏ, nhằm mục đích giúp họ tham gia vào các hoạt động sản xuất hoặc khởi tạo các hoạt động kinh doanh nhỏ.
Hơn 3 triệu khách hàng cá nhân vay vốn
Việt Nam là đất nước nông nghiệp, phần lớn dân số thu nhập còn thấp, do đó, việc phát triển các tổ chức TCVM là một trong những giải pháp tích cựu để hỗ trợ người dân tạo thu nhập và cải thiện đời sống. Hiện nay, cùng với Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (được thành lập trên cơ sở đề xuất của Agribank năm 1995 về thành lập Ngân hàng phục vụ người nghèo và được tách ra từ Agribank), Quỹ hỗ trợ nông dân (trực thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam), Agribank là một trong những kênh chính thức cung cấp sản phẩm dịch vụ TCVM.
Với mạng lưới rộng khắp trên cả nước gồm 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch có mặt khắp mọi vùng miền, vùng sâu vùng xa, huyện đảo… và tiên phong, chủ lực trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách (Agribank hiện đang triển khai 07 chương trình tín dụng chính sách và 02 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, về giảm nghèo bền vững), cũng như huy động vốn linh hoạt, ưu tiên chuyển tải vốn từ địa bàn thành thị về nông thôn, Agribank đã mở rộng hoạt động TCVM trên toàn quốc với hơn 3 triệu khách hàng cá nhân vay vốn, và hơn 5 triệu khách hàng gửi tiết kiệm.
Thống kê đến 31/12/2017, tổng nguồn vốn của Agribank đạt 1.074.798 tỷ đồng, trong đó tiền gửi huy động tiết kiệm từ dân cư là 853.054 tỷ đồng. Tổng dư nợ đầu tư nền kinh tế đạt 876.497 tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn là 645.367 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 73,6% tổng dư nợ nền kinh tế, tập trung vào đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình với tổng dư nợ cho vay là 605.612 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 69,1% tổng dư nợ nền kinh tế, với 3.685.681 khách hàng, chiếm tỷ trọng 99,4% tổng số khách hàng trên toàn hệ thống Agribank.
Góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Với nguồn vốn đầu tư cho “Tam nông” chiếm 51% thị phần toàn ngành ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực này, Agribank khẳng định vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông thôn. Thông qua tiên phong triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng (Cho vay theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn; Cho vay hộ gia đình, cá nhân thông qua Tổ vay vốn/tổ liên kết; Cho vay theo chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 63,65,68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Cho vay ưu đãi lãi suất đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và Thông tư số 06/2009/TT-NHNN; Cho vay xây dựng Nông thôn mới; Cho vay gia súc, gia cầm; Cho vay tái canh cà phê; Cho vay theo Nghị định 67/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản; Tín dụng ưu đãi phục vụ “Nông nghiệp sạch”)… Agribank đã không ngừng nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng, nhiều người dân trên cả nước đã được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất, có cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Trong đó, phải kể đến chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ. Tính đến 31/12/2017, Agribank đã thực hiện cho vay ưu đãi lãi suất đối với 62 huyện nghèo thuộc 18 tỉnh, dư nợ 2.699 tỷ đồng với 49.919 khách hàng. Dư nợ và số lượng khách hàng theo chương trình này đều tăng qua các năm. Dư nợ tăng gấp 8 lần, số lượng khách hàng tăng gấp 3 lần so với thời điểm bắt đầu triển khai vào năm 2009.
Nhìn chung, hơn 30 năm phát triển gắn với sứ mệnh “Tam nông”, Agribank luôn sát cánh đồng hành cùng người nông dân trong công cuộc dựng xây đất nước, hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống của người dân, trở thành một trong những tổ chức cung cấp dịch vụ TCVM lớn và hiệu quả tại Việt Nam. Minh chứng cho điều này, năm 2016, Agribank được The Asian Banker tôn vinh ở hạng mục “Dịch vụ TCVM tốt nhất Việt Nam” tại Hội nghị thượng đỉnh Ngân hàng châu Á.