Hàng loạt ngân hàng ráo riết thanh lý nợ xấu

PV.

Thời gian qua, công cuộc xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả, đặc biệt kể từ sau khi Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng ra đời.

Các ngân hàng đang rao bán hàng loạt tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu.. Nguồn: Internet
Các ngân hàng đang rao bán hàng loạt tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu.. Nguồn: Internet

Kết quả này không chỉ đến từ quyết tâm của mỗi ngân hàng mà còn là sự chỉ đạo, hỗ trợ sát sao của Ngân hàng Nhà nước. Bước tiến mới trong lộ trình xử lý nợ xấu hiện nay là hàng loạt tài sản đảm bảo được rao bán và thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư.

Nợ xấu được xử lý tích cực

786.000 tỷ đồng là con số nợ xấu đã được xử lý từ năm 2012 đến tháng 6/2018, riêng 6 tháng đầu năm nay xử lý được 58.800 tỷ đồng, trong đó các tổ chức tín dụng tự xử lý hơn 56.700 tỷ đồng, theo báo cáo tại Hội nghị Sơ kết một năm triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Quyết định số 1058/QĐ-TTg vừa được tổ chức cuối tháng 8 vừa qua.

Đối với việc xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, kết quả đạt hơn 138.000 tỷ đồng, trong đó nợ xấu nội bảng là hơn 70.200 tỷ đồng, nợ xấu ngoại bảng là 21.600 tỷ đồng và nợ đã bán VAMC xử lý được gần 46.000 tỷ đồng. Kết quả trên đã giúp tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,46% vào cuối năm 2016 xuống 2,09% vào cuối tháng 6/2018.

Đáng lưu ý là kết quả xử lý nợ xấu tại một số ngân hàng có kết quả rất tích cực, cụ thể như Sacombank sau khi thu hồi gần 20.000 tỷ đồng trong năm 2017, thì số nợ xấu thu hồi được trong 6 tháng đầu năm nay là hơn 3.600 tỷ đồng. Hay tại DongA Bank, tổng số nợ xấu và lãi thu hồi được trong năm 2017 và 8 tháng đầu năm nay là 9.100 tỷ đồng, trong đó thu vốn gốc gần 6.900 tỷ đồng, thu lãi 2.200 tỷ đồng, đạt 183% kế hoạch của 2 năm, đạt 53,3% kế hoạch 5 năm.

Đạt được kết quả trên phần lớn đến từ việc cả hệ thống đã vào cuộc với nhận thức nợ xấu không chỉ là của riêng ngân hàng mà còn là điểm nghẽn của nền kinh tế. Những giải pháp đột phá sau khi Nghị quyết 42 ra đời đã giúp các ngân hàng chủ động hơn trong việc thu hồi tài sản đảm bảo của khách hàng, giúp đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu.

Một yếu tố quan trọng khác chính là sự phục hồi và triển vọng khả quan của thị trường bất động sản khiến giá trị tài sản đảm bảo được nâng cao và ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia vào thị trường mua bán nợ, tài sản đảm bảo.

Hàng loạt tài sản được rao bán

Dù kết quả thu hồi nợ xấu 6 tháng đầu năm nay của Sacombank chỉ mới đạt tiến độ khiêm tốn so với kế hoạch đặt ra là 19.000 tỷ đồng trong năm 2018, tuy nhiên dự kiến tiến độ những tháng còn lại được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh hơn khi ngân hàng này rao bán hàng loạt tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu. 

Đáng lưu ý là 4 lô bất động sản với tổng giá trị lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, gồm dự án KCN Phong Phú ở huyện Bình Chánh với giá khởi điểm 7.600 tỷ đồng, dự án khu dân cư Bình Trị Đông và một phần thửa đất số 122 tại phường Bình Trị Đông B với diện tích 530.000m2, giá khởi điểm là 6.698 tỷ đồng, dự án khu dân cư phường Bình Thủy tại Cần Thơ với diện tích 600.000m2, giá 4.565 tỷ đồng, dự án khu nhà ở phường Long Bình, quận 9, TP.HCM 164.949,9m2, mức giá khởi điểm 1.815 tỷ đồng.

Hay như Agribank và Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank (Agribank AMC) trong tháng 9 qua đã tổ chức 10 đợt đấu giá tài sản đảm bảo, với tổng giá trị chào bán khởi điểm hơn 470 tỷ đồng, trong đó một số khoản đáng chú ý như nợ xấu của Công ty CP Tập đoàn Đông Thiên Phú tại Agribank Chi nhánh Sở Giao dịch với giá khởi điểm 220,1 tỷ đồng, nợ xấu của Công ty TNHH Thành phố Vàng của Agribank đã bán nợ sang VAMC với giá khởi điểm 76,3 tỷ đồng, tài sản bảo đảm của Công ty liên doanh Life Pro Việt Nam bao gồm nguyên phụ liệu, máy móc, công trình với giá khởi điểm là 257,4 tỷ đồng.

Đối với VietinBank, sau khi mua lại khoản nợ tại VAMC, gần đây liên tục đăng thông báo đấu giá các tài sản để xử lý khoản nợ xấu lớn. Cụ thể VietinBank Thủ Đức bán đấu giá khoản nợ hơn 21 tỷ đồng của Địa ốc Gia Phú có tài sản đảm bảo giá khởi điểm 6 tỷ đồng.

BIDV mới đây cũng thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty CP Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 cá nhân liên quan là 2.278 tỷ đồng. Khoản vay này được đảm bảo bằng trụ sở Công ty tại quận 1 và hai khu đất với 22ha tại huyện Bình Chánh, TP. HCM. Giá khởi điểm dự kiến của khối tài sản này là 845 tỷ đồng.

Với hàng loạt tài sản lớn được rao bán đã khiến thị trường mua bán nợ ngày càng sôi động và thu hút sự chú ý của không ít nhà đầu tư. Vào cuối tháng 8 vừa qua, tập đoàn sản xuất nước giải khát Tân Hiệp Phát công bố thành lập công ty mua bán nợ, và theo giới chuyên gia địa ốc là nhằm săn quỹ đất trong giai đoạn đầu làm bất động sản của tập đoàn này.

Tân Hiệp Phát chỉ là tên tuổi mới nhất tham gia vào thị trường mua bán nợ, khi đã có đến 30 công ty được thành lập trong vòng chưa đầy một năm kể từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực. Mục tiêu chính của các đơn vị này không nằm ngoài ý định thâu tóm bất động sản bị thế chấp tại ngân hàng với giá rẻ, từ đó tiến đến phát triển hoặc chuyển nhượng.

Ngày 17/9/2018, Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị số 05 về việc tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, theo đó giao nhiệm vụ trọng tâm cho các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, VAMC và các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện triệt để các giải pháp trong kế hoạch tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu đã đề ra.