Linh hoạt áp dụng có hiệu quả các cơ chế về xử lý nợ

PV.

So với pháp luật hiện hành, Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã cho phép áp dụng nhiều chính sách mới về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, tạo lập cơ sở pháp lý thuận lợi hơn cho việc xử lý nợ xấu, tuy nhiên sau 01 năm triển khai Nghị quyết này đã xuất hiện một số vướng mắc cần tiếp tục được nghiên cứu, điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Một số Vướng mắc, khó khăn cần sớm được tháo gỡ

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc cần sự chung sức, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là sự hỗ trợ, phối hợp của các bộ, ngành, địa phương như: chưa có thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp khiến mua bán nợ xấu chưa sôi động, chưa có nhiều các thương vụ lớn.

Vướng mắc còn ở việc thực hiện nội dung liên quan đến việc hoàn trả tài sản bảo đảm (TSBĐ) là vật chứng trong vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ; vấn đề liên quan đến thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ và nghĩa vụ nộp thuế có ảnh hưởng đến việc thực hiện thủ tục sang tên cho người mua; Công tác giữ gìn, bảo đảm an ninh trật tự và hỗ trợ các TCTD trong việc thu giữ TSBĐ của các khoản nợ xấu; Vấn đề xử lý TSBĐ là dự án bất động sản còn dở dang; Trường hợp đăng ký giao dịch bảo đảm thiếu chữ ký của bên thế chấp; Quyền nhận thế chấp, đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là tài sản bảo đảm cho các khoản nợ mà các cá nhân, tổ chức mua lại từ VAMC…

Bên cạnh đó, cơ chế tiếp cận thông tin về tình trạng TSBĐ cũng chưa đáp ứng yêu cầu của các TCTD nên các TCTD gặp khó khăn trong việc xác định tài sản bảo đảm nào đang tranh chấp, tài sản bảo đảm nào đang phải áp dụng biện pháp khẩn cấp, dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp khác nhau gây khó khăn khi áp dụng các biện pháp xử lý tài sản theo Nghị quyết số 42/2017/QH14.

Thực tế cho tháy, công tác quản trị rủi ro tín dụng đã được nghiên cứu triển khai nhưng đến nay vẫn còn thiếu một số công cụ hỗ trợ quản lý rủi ro. Thông tư 13/2018/TT-NHNN của NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại (NHTM), Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài mới được ban hành, cần có thời gian để triển khai thực hiện.

Các khách hàng sau xử lý hầu hết gặp khó khăn về tài chính, nguồn trả nợ chủ yếu từ việc phát mại TSBĐ, tuy nhiên quá trình xử lý TSBĐ lại gặp khó khăn, vướng mắc. Ví dụ như, nhiều trường hợp, gia đình chỉ có duy nhất một căn nhà đem thế chấp ngân hàng để lấy vốn làm ăn nhưng không may việc kinh doanh bị thua lỗ. Khi khách hàng thua lỗ, theo pháp luật căn nhà bị ngân hàng siết nợ. Lúc này, nếu quyết liệt thu giữ tài sản, ngân hàng sẽ bị lên án vì đẩy người dân vào cảnh không có nơi ở. Do vậy, rất khó để giải quyết những trường hợp này một cách hợp tình hợp lý.

Nghị quyết số 42/2017/QH14 tái lập quyền thu giữ TSBĐ của bên nhận TSBĐ. Mặc dù vậy, khi khách hàng không hợp tác thì các TCTD vẫn phải khởi kiện khách hàng ra TAND có thẩm quyền để được quyền xử lý TSBĐ thông qua thi hành án. Như vậy, TCTD chỉ thực hiện thu giữ TSBĐ thành công đối với một số trường hợp nhất định như: khách hàng đã bỏ trốn khỏi địa phương mà TSBĐ không có tranh chấp; TSBĐ là đất trống… Điều này vô hình chung cũng hạn chế việc xử lý TSBĐ của TCTD.

Mặt khác, tại Việt Nam, việc triển khai mua bán nợ xấu của các TCTD chưa tạo lập được một thị trường mua bán nợ thật sự chuyên nghiệp. Các nhà đầu tư có nhu cầu mua bán khoản nợ vẫn còn tâm lý e ngại nên hoạt động này chưa thật sự sôi động, chưa có nhiều thương vụ lớn, chủ yếu mới dừng lại ở việc bán nợ theo phương thức chuyển khoản nợ đã bán thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt sang bán nợ theo giá thị trường cho VAMC…

Linh hoạt áp dụng có hiệu quả các cơ chế về xử lý nợ

Thời gian qua, tuy đã có sự phối hợp giữa các bên liên quan trong xử lý nợ xấu, song để việc triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 đạt hiệu quả hơn nữa, cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, quyết liệt giữa các đơn vị liên quan, tránh tình trạng TCTD đơn độc trong xử lý nợ xấu.

Nhằm đạt được mục tiêu cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, NHNN đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và các đơn vị, tổ chức có liên quan tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quá trình phân loại, sắp xếp các doanh nghiệp, trọng tâm là các doanh nghiệp nhà nước, thực hiện tái cơ cấu, năng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, tạo điều kiện để hệ thống các TCTD xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính.

Cụ thể, NHNN đề xuất Thủ tướng Chính phủ có văn bản gửi Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp (Tổng cục Thi hành án dân sự), Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp tiếp tục chỉ đạo về việc hoàn trả các TSBĐ là vật chứng của vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14; Chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan thuế thực hiện đúng Nghị quyết số 42/2017/QH14về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm và nghĩa vụ nộp thuế; Chỉ đạo công an các cấp phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tăng cường hơn nữa công tác giữ gìn, bảo đảm an ninh trật tự và hỗ trợ các TCTD trong trường hợp cần thiết khi thu giữ TSBĐ của các khoản nợ xấu.

NHNN cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ có văn bản yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tư pháp sớm ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể để áp dụng thống nhất tại các địa phương về vấn đề xử lý TSBĐ là dự án bất động sản còn dở dang; Nghiên cứu, bổ sung hướng dẫn cụ thể về trường hợp đơn đăng ký giao dịch bảo đảm thiếu chữ ký của bên thế chấp…

Chung tay cùng ngành Ngân hàng trong xử lý nợ xấu và ngăn ngừa nợ xấu quay lại, đặc biệt tập trung tối đa mọi nguồn lực để xử lý thu hồi nợ sau xử lý nhằm tăng năng lực tài chính trước khi Cổ phần hóa theo lộ trình vào năm 2019, Agribank xác định nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động này đó là tiếp tục tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt sử dụng đồng bộ các giải pháp để xử lý thu hồi nợ đảm bảo theo kế hoạch đã đề ra như: miễn, giảm lãi, phí; thu giữ, xử lý TSBĐ; sử dụng dịch vụ xử lý nợ của AMC; bán khoản nợ đã bán cho VAMC theo giá trị trường… Việc phát mại TSBĐ được Agribank quán triệt phải thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch, đúng pháp luật.

Để có thể thực hiện hiệu quả các nội dung trên, Agribank cũng như các TCTD hy vọng các bộ, ban ngành liên quan bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể về một số nội dung như: Hướng dẫn chi tiết, cụ thể về việc nộp thuế khi xử lý TSBĐ của khách hàng trước khi thực hiện thu hồi nợ vay đúng theo tinh thần của Nghị quyết số 42/2017/QH14; Hướng dẫn thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho bên mua, bên nhận chuyển nhượng TSBĐ; Quy định rõ trách nhiệm thực hiện việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình thu giữ TSBĐ; Tập trung quyết liệt hơn nữa trong giải quyết dứt điểm các vụ việc đang thi hành án; Hướng dẫn chỉ đạo về việc hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14...