Nỗ lực mới của Canada trong tiến trình phê chuẩn CPTPP
Hiện các cuộc tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đình trệ đang làm dấy lên lo ngại Canada có thể mất tiếp cận đặc quyền vào thị trường Mỹ.
Bộ trưởng Thương mại Canada Jim Carr cho biết Chính phủ nước này sẽ đẩy nhanh tiến trình phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nay đã được đổi tên là Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại quốc hội nước này.
Hiện các cuộc tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đình trệ đang làm dấy lên lo ngại Canada có thể mất tiếp cận đặc quyền vào thị trường Mỹ.
Trong một bài phát biểu trước Quốc hội Canada ngày 17/9, Bộ trưởng Carr cho biết nhanh chóng thông qua CPTPP sẽ có nghĩa “nông dân, người chăn nuôi gia súc, các doanh nghiệp và công nhân trên khắp đất nước cuối cùng có thể thâm nhập những thị trường mới”.
Theo Bộ trưởng Jim Carr, CPTPP sẽ làm tăng đáng kể GDP của Canada nhờ thúc đẩy tăng trưởng doanh nghiệp và các thành phần kinh tế. Canada bày tỏ hy vọng CPTPP sẽ mang lại cho nước này quyền tiếp cận ưu đãi với thị trường tăng trưởng năng động nhất thế giới.
TPP từng quy tụ 12 nước tham gia đàm phán gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và Mỹ. Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, 11 nước còn lại vẫn cố gắng tiếp tục thỏa thuận này và đổi tên thỏa thuận thành CPTPP, được chính thức ký kết tại Chile ngày 8/3.
CPTPP sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi ít nhất 6 trong 11 nước thành viên kể trên phê chuẩn thỏa thuận này. Thỏa thuận đến nay đã được Mexico, Singapore và Nhật Bản phê chuẩn. CPTPP đại diện cho 500 triệu người tiêu dùng và 13% sản lượng kinh tế của thế giới. Trong số các nền kinh tế thành viên, Canada đặc biệt quan tâm đến Nhật Bản, Malaysia, Singapore và Việt Nam.
Ottawa muốn nằm trong sáu nước đầu tiên phê chuẩn CPTPP song đang đối mặt với rào cản từ liên đoàn có quyền lực đại diện cho các công nhân ngành chế tạo ô tô của nước này là Unifor. Unifor muốn có thỏa thuận bao gồm các tiêu chuẩn lao động nghiêm ngặt hơn, đồng thời muốn đàm phán NAFTA sửa đổi với Mỹ và Mexico hoàn tất trước.
Các cuộc đàm phán cấp cao giữa Mỹ và Canada đã kết thúc trong tuần trước mà không thỏa thuận nào được ký kết, song Ngoại trưởng Canada, Crystia Freeland, đã có kế hoạch trở lại Washington trong tuần này để tiếp tục đàm phán.
Bộ trưởng Carr cho biết CPTPP không chỉ là một thỏa thuận thương mại mới cho Canada, đây còn là một thông điệp nước này muốn gửi đến phần còn lại của thế giới: thương mại là quan trọng, các quy định là quan trọng và Canada sẽ không đồng tình với chủ nghĩa bảo hộ.