Nỗ lực tháo gỡ khó khăn, đưa kinh tế - xã hội phát triển
Trước những khó khăn, thách thức đã và đang tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang trong thời gian qua và dự báo còn kéo dài trong thời gian tới, do đó việc thể hiện sự quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành của các ngành chức năng tỉnh và địa phương đang là yêu cầu đặt ra của UBND tỉnh Hậu Giang trong lúc này.
Tại cuộc họp sơ kết về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang trong tháng 10 và 10 tháng đầu năm, đồng thời triển khai nhiệm vụ của những tháng còn lại của năm thì một trong những điều được ngành chức năng tỉnh, địa phương cũng như người dân đặc biệt quan tâm là hoạt động xăng dầu có biến động, gián đoạn nguồn cung đã gây khó khăn không nhỏ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân trong tỉnh. Cụ thể là nhiều cửa hàng xăng dầu để bảng hết hàng và dòng người xếp hàng chen lấn để đổ được xăng diễn ra liên tục trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Hậu Giang, từ đầu năm đến nay, tình hình cung ứng xăng dầu diễn biến phức tạp, khi giá xăng dầu tăng liên tục từ 60-85%, có lúc nguồn cung bị đứt gãy, thiếu hụt cục bộ nên gây khó khăn cho việc cung ứng theo nhu cầu của người dân.
Mặt khác, do thiếu hụt nguồn tài chính và bị thua lỗ, giá cả bất lợi nên các đơn vị thương nhân đầu mối hạn chế nhập khẩu, từ đó thu hẹp quy mô kinh doanh mà chỉ nhập khẩu cầm chừng và thực hiện cắt giảm chiết khấu cho thương nhân phân phối nên nhiều cửa hàng xăng dầu rơi vào tình cảnh thua lỗ, từ đó kéo theo khâu chuyên chở xăng dầu cũng chậm so với yêu cầu.
Tuy nhiên, nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu và kịp thời chấn chỉnh công tác đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên địa bàn tỉnh, thời gian qua Sở Công thương tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo điều hành; đặc biệt là phối hợp với các ngành có liên quan của tỉnh tiến hành nhiều cuộc kiểm tra, khảo sát tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh, nhằm nhắc nhở và kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Vũ Trường - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang, thông tin: Trong tháng 8 và ngày 3, 4/10 vừa qua, đơn vị đã phối hợp với các ngành liên quan của tỉnh thực hiện kiểm tra tại 19 cửa hàng bán xăng dầu trên địa bàn tỉnh, trong đó có 9 cửa hàng để bảng hết xăng dầu hoặc hết xăng còn dầu. Qua kiểm tra, đã lập 2 biên bản xử lý vi phạm hành chính.
Còn mới đây, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã tiến hành giám sát và phát hiện có 47 cửa hàng xăng dầu thiếu hụt nhiên liệu. Hiện Sở Công thương đang nắm thông tin và đầu mối cung cấp xăng dầu của 47 cửa hàng trên để có giải pháp tháo gỡ và xử lý đúng theo quy định.
Bên cạnh lĩnh vực xăng dầu thì tình hình mưa dầm kết hợp với triều cường dâng cao trong thời gian gần đây cũng gây ra không ít hệ lụy cho người dân trong tỉnh. Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Hiện đơn vị chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiếp tục phốp hợp với chính quyền địa phương cập nhật, bổ sung tình hình thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do ảnh hưởng của thiên tai, triều cường, từ đó kiến nghị UBND tỉnh có giải pháp hỗ trợ cho người dân được kịp thời.
Dự báo, tình hình mưa bão, triều cường dâng cao từ nay đến cuối năm còn diễn biến phức tạp, do đó, đơn vị kiến nghị các địa phương trong tỉnh và người dân cần chủ động gia cố đê bao, bờ bao để bảo vệ thành quả sản xuất. Riêng vụ lúa Đông xuân 2022-2023, do triều cường còn cao nên nông dân không thể gieo sạ vào đợt 1 (từ ngày 27/10 đến 2/11) như lịch thời vụ khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh, vì vậy ngành chức năng và người dân cần chuẩn bị chu đáo các điều kiện để tập trung xuống giống vào đợt 2 (từ ngày 26/11 đến 2/12) nhằm né hạn, mặn về sau.
Ngoài hai điểm nghẽn trên thì vẫn còn một số lĩnh vực khác cũng đang gây không ít khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể, qua ghi nhận của ngành y tế tỉnh, trong tháng 10 toàn tỉnh có 186 ca mắc mới bệnh sốt xuất huyết, lũy kế là 741 ca, tăng 686 ca so với cùng kỳ; bệnh tay - chân - miệng có 93 ca mắc mới, tăng 33 ca so với tháng trước, lũy kế là 539 ca, tăng 153 ca so với cùng kỳ.
Mặt khác, công tác giải ngân vốn đầu tư công hiện đạt 68,68% kế hoạch, tuy cao hơn 7,76% so với cùng kỳ và cả nước nhưng chưa đạt tiến độ theo kế hoạch đề ra. Đặc biệt, một số công trình, dự án trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, từ đó làm chậm triển khai các nội dung tiếp theo, nhất là tuyến cao tốc khi hồ sơ giao chậm, sai sót còn nhiều.
Trước những khó khăn trên, ông Đồng Văn Thanh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục triển khai tốt các biện pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản, cũng như chỉ đạo xuống giống vụ lúa Đông xuân 2022-2023 đạt hiệu quả; đặc biệt là theo dõi tình hình thời tiết và chủ động phương án phòng, chống thiên tai, nhất là ứng phó hiệu quả tình hình triều cường dâng cao và mưa bão cuối năm.
Bên cạnh đó, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang tích cực phối hợp với các địa phương có liên quan tập trung mọi nguồn lực cho công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (đoạn đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang), đảm bảo đến ngày 10/11 phải bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư tối thiểu 70% diện tích.
Đồng thời, đề nghị các ngành liên quan, địa phương và chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh thi công các công trình để đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh tổ chức rà soát và đề xuất UBND tỉnh xử lý dứt điểm các công trình có tiến độ thực hiện chậm…