Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng:
Nỗ lực thực hiện thắng lợi toàn diện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2020
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tại Hội nghị tổng kết đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng hứa, toàn ngành Tài chính sẽ tiếp tục đoàn kết, nhất trí, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành Tài chính năm 2020.
Nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2019 được triển khai trong điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước đạt được nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện với 12/12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra (trong đó 7 chỉ tiêu vượt, 5 chỉ tiêu đạt). Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế đạt 7,02%, (vượt mục tiêu đề ra là 6,6-6,8%); Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân năm tăng 2,79%, (dưới mục tiêu Quốc hội đề ra là 4%). Kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) tăng 8,1%, (vượt mục tiêu đề ra là 7-8%) và Tổng kim ngạch XNK lần đầu tiên vượt mốc trên 517 tỷ USD.
Điểm qua những kết quả chung của kinh tế đất nước năm 2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, trong những kết quả toàn trên có phần đóng góp quan trọng của ngành Tài chính. Trong năm qua, toàn ngành Tài chính đã đoàn kết, nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm ngay từ đầu năm; Chủ động báo cáo và nhận được sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp, giải pháp quản lý, điều hành tài chính - NSNN. Nhờ vậy ngành Tài chính đã hoàn thành toàn diện, xuất sắc các nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2019.
Năm 2020, là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, chuẩn bị và tạo đà cho kế hoạch 5 năm 2021-2025 và Chiến lược 10 năm 2021-2030, cũng là năm tổ chức nhiều sự kiện, kỷ niệm những ngày lễ lớn, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào năm 2021.
Các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong tâm năm 2020 được ngành Tài chính đặt ra là: Tăng thu NSNN khoảng 3% so với dự toán Quốc hội giao; tỷ lệ động viên vào NSNN là 22,2% GDP; bội chi NSNN là 3,44% GDP; dư nợ công là 54,3 GDP; nợ chính phủ là 48,5 GDP; nợ nước ngoài của Quốc gia là 45,8% GDP; nợ thuế dưới 5% tổng thu NSNN…
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, để hoàn thành nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2020 và thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ 2016-2020; ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2020 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán NSNN năm 2020; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2020 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia năm 2020, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/BCSĐ ngày 3/1/2020 về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính NSNN năm 2020.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành các quyết định: Quyết định số 16/QĐ-BTC ngày 3/1/2020 về chương trình hành động của Bộ Tài chính để thực hiện Nghị quyết số 01 của Chính phủ với 72 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, 162 Đề án (trong đó có 56 Đề án của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và 106 Thông tư của Bộ Tài chính); Quyết định số 17/QĐ-BTC ngày 3/1/2020 về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 02 của Chính phủ với 04 nhóm giải pháp với 89 sản phẩm đầu ra.
Theo đó, năm 2020, tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đó là: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách trong lĩnh vực tài chính theo thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; Điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, kỷ cương, công khai minh bạch và đảm bảo các cân đối lớn của đất nước. Triệt để tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý NSNN.
Cùng với đó, cơ cấu lại các khoản thu NSNN; Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu NSNN, thu hồi nợ đọng thuế; quyết liệt chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chống gian lận giả mạo và gian lận xuất xứ hàng hóa; Điều hành chi NSNN theo dự toán được Quốc hội giao; Nâng cao hiệu quả quản lý chi NSNN và nợ công. Kiểm soát bội chi và nợ công trong giới hạn Quốc hội cho phép; Tiếp tục xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả; Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu và kỷ luật, kỷ cương hành chính...
Đồng thời, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan; cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; rút ngắn quy trình xử lý; Hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý; giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, đảm bảo công công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước. Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để cải cách toàn diện quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, phù hợp với thông lệ quốc tế để năm 2020 đạt được mục tiêu, yêu cầu là: nâng xếp hạng chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội lên 7-10 bậc; nâng xếp hạng chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới lên 5-10 bậc...
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết cho biết, để đảm bảo hoàn thành suất sắc, toàn diện nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2020, Bộ Tài chính đã đề ra 8 nhóm giải pháp với 24 giải pháp cụ thể triển khai mạnh mẽ ngay từ đầu năm:
Một là, điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo môi trường, động lực, nền tảng cho sự phát triển nhanh, bền vững.
Hai là, đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, xây dựng chính phủ điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Ba là, tăng cường quản lý giá, thị trường, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Bốn là, tiếp tục phát triển đồng bộ các loại hình thị trường tài chính, đa dạng các định chế tài chính, tổ chức dịch vụ kế toán, kiểm toán, thẩm định giá, xếp hạng tín nhiệm.
Năm là, tăng cường quản lý tài chính doanh nghiệp, tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII).
Sáu là, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong thu, chi NSNN, quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên,..; thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm toán.
Bảy là, tích cực, chủ động hội nhập tài chính quốc tế.
Tám là, điều hành ngân sách trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 và xử lý tiếp các nhiệm vụ của năm 2019.