Năm 2019, cắt giảm được 2.172 đầu mối trong ngành Tài chính
Báo cáo về công tác khóa sổ thu, chi ngân sách nhà nước năm 2019 của Bộ Tài chính nêu rõ, thông qua việc thực hiện tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tài chính nên lũy kế năm 2019 và dự toán năm 2020 đã tiết kiệm được khoảng 3.000 tỷ đồng.
Đối với việc triển khai sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18/NQ-TW, đến nay đã thực hiện cắt giảm được 2.901 đầu mối, trong đó tính riêng năm 2019 giảm 2.172 đầu mối tại các đơn vị từ trung ương đến địa phương.
Cụ thể, trong đó hệ thống thuế năm 2019, Tổng cục Thuế tiến hành 3 đợt sắp xếp, hợp nhất Chi cục thuế để thành lập Chi cục thuế khu vực tại 61 Cục thuế. Tổng số giảm được 1.968 đầu mối. Trong đó, giảm 193 Chi cục thuế, giảm 1.712 Đội thuế thuộc Chi cục thuế, đồng thời, thực hiện cắt giảm 63 phòng tại Cục thuế tỉnh/thành phố.
Kho bạc Nhà nước thực hiện cắt giảm 128 phòng thuộc Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh, 15 Kho bạc Nhà nước cấp huyện và xóa bỏ 48 đơn vị cấp tổ, đội tại Kho bạc Nhà nước TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Tổng cục Hải quan thực hiện tổ chức, sắp xếp giảm 12 chi cục hải quan thuộc cục hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố… Trong đó, sáp nhập 14 chi cục, giải thể 1 chi cục và thành lập mới 3 chi cục, đổi tên 3 chi cục.
Quá trình triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Bộ Tài chính theo đúng chủ trương Nghị quyết của Đảng giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật của ngành tài chính đảm bảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua việc thực hiện tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tài chính nên lũy kế năm 2019 và dự toán năm 2020 đã tiết kiệm được khoảng 3.000 tỷ đồng.
Báo cáo về hoạt động tài chính – ngân sách nhà nước tính đến 12h00 ngày 31/12/2019, Bộ Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 1.539,4 nghìn tỷ đồng, vượt 9,1% (128,1 nghìn tỷ đồng) so với dự toán, tăng 82,1 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội, trong đó: Thu nội địa đạt 1.260,5 nghìn tỷ đồng, vượt 7,4% (87 nghìn tỷ đồng); Thu từ dầu thô 55,9 nghìn tỷ đồng, vượt 25,3% (11,3 nghìn tỷ đồng); Thu từ hoạt động xuất – nhập khẩu sau khi trừ số hoàn thuế giá trị gia tăng đã tăng thêm 18,8 nghìn tỷ đồng so với dự toán.
Bên cạnh đó, số thu cân đối ngân sách đạt xấp xỉ 217,9 nghìn tỷ đồng, vượt 15,2% (28,8 nghìn tỷ đồng) so với dự toán.Trong khi đó, tỷ lệ động viên thu ngân sách nhà nước đạt 25% GDP, riêng động viên thuế và phí đạt 21% GDP.
Với kết quả này, đánh giá cả giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ huy động thu vào ngân sách nhà nước bình quân đạt 24,7% GDP (vượt kế hoạch là 23,5% GDP); cơ cấu thu ngân sách trung ương chiếm 55%, thu ngân sách địa phương chiếm 45% tổng thu ngân sách nhà nước.
Về tình hình chi ngân sách nhà nước năm 2019 được quản lý chặt chẽ theo đúng dự toán và tiến độ thực hiện; tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, đồng thời cơ cấu lại chi trong từng lĩnh vực, gắn với đổi mới sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới khu vực sự nghiệp công.
Với kết quả thu, chi ngân sách nhà nước như trên, bội chi ngân sách nhà nước năm 2019 giảm từ mức 3,7% dự toán xuống ở mức dưới 3,4% GDP thực hiện; nợ công đến nay giảm còn 56,1% so với mức 63,7% cuối năm 2016.
Năm 2019 đã tiếp tục cơ cấu một bước nợ công, kéo dài kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ (kỳ hạn bình quân là 13,47 năm, tăng 0,78 năm so với cuối năm 2018); giảm chi phí nợ công (lãi suất phát hành bình quân 11 tháng năm 2019 là 4,68%/năm, giảm từ 1,2%-1,6%/năm so với thời điểm đầu năm 2019); tăng tỷ trọng vay trong nước, dự kiến cuối năm 2019 đạt 62,3% tổng dư nợ Chính phủ (so với mức 60,1% năm 2016)...
Kết quả thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2019 là điều kiện thuận lợi, bước tạo đà quan trọng để triển khai và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2020, cũng như hoàn thành các mục tiêu tài chính - ngân sách giai đoạn 5 năm 2016-2020, góp phần tích cực vào ổn định vĩ mô và thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2016-2020.