Nợ xấu: Tránh “giam” về một mối
Nợ xấu là một trong những yếu tố có tác động trực tiếp đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước, do đó xử lý nợ xấu là vấn đề hàng đầu để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Thời gian qua, Việt Nam đã từng bước giảm tỷ lệ nợ xấu xuống ngưỡng an toàn gắn với thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ có tổ chức.
Báo cáo của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC – 100% vốn Nhà nước, Bộ Tài chính là đại diện) cho thấy, từ năm 2011 đến nay, nợ xấu của Việt Nam cao nhất vào năm 2012 là 4,86% tổng dư nợ do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu và dư nợ tín dụng tăng trưởng quá cao trước đó.
Sau đó, nợ xấu giảm dần ở mức 2,46% vào năm 2016; 2,34% vào năm 2017 và đến tháng 6 năm 2018 là 2,09%.
Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu này theo DATC mới chỉ tính nợ xấu nội bảng, chưa tính các khoản nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), nợ xấu tiềm ẩn như cách tính của Ngân hàng Thế giới hay các tổ chức tài chính quốc tế khác đang thực hiện. Do vậy, nếu tính nợ xấu theo phương thức đó thì tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam phải cao hơn, như năm 2012, được coi là tỷ lệ nợ xấu cao nhất thì phải là 8,6% (tháng 3/2012) và 10% (tháng 6/2012), cuối năm 2017 là 7,7% và tháng 6/2018 là 6,67% tương ứng với giá trị tuyệt đối là 486 nghìn tỷ đồng.
Theo ông Phạm Mạnh Thường, Phó Tổng giám đốc DATC, các con số này mới chỉ phản ánh quy mô nợ xấu trong các tổ chức tín dụng chứ chưa phản ánh hết mức độ nợ xấu của nền kinh tế. Trong khi đó, ông Lê Việt Dũng - Phó Trưởng ban phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, trên thực tế, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống cao hơn nhiều so với số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng.
Song, ông Lê Việt Dũng cũng cho rằng quá trình xử lý nợ xấu đã có chuyển biến rõ nét kể từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Theo đó, hàng loạt cơ chế được áp dụng như quyền thu giữ tài sản đảm bảo, thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo, cho phép bán nợ theo giá thị trường, có thể cao hoặc thấp hơn dư nợ gốc...
Vì vậy, xử lý nợ xấu trong giai đoạn từ 2012 đến nay đã có những kết quả tích cực. Hầu hết các tổ chức tín dụng đã xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu cho giai đoạn 2017 -2020. Trong đó, năm 2018 dự kiến xử lý được khoảng 20-30%, đến cuối năm 2020 đưa tỷ lệ nợ xấu thực tế (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC) xuống dưới 3%.
Mặc dù đạt được những kết quả nhất định nhưng theo các chuyên gia kinh tế, tiến trình xử lý nợ xấu vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra như: hành lang pháp lý cho thị trường mua bán nợ chưa hoàn thiện và đồng bộ. Cơ chế chính sách chủ yếu tập trung vào xử lý nợ bằng các phương pháp nghiệp vụ và mang tính hỗ trợ cho Nhà nước mà chưa hướng đến thiết lập một thị trường hàng hóa nợ.
Theo ông Phạm Tiến Đạt, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), hàng hóa giao dịch trên thị trường mua bán nợ hiện tại còn chưa đa dạng, chủ yếu tập trung giải quyết nợ xấu của các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp Nhà nước, trong khi còn nhiều nhu cầu xử lý nợ ở lĩnh vực khác như doanh nghiệp phá sản. Hay chưa có quy chuẩn về nợ được mua – được bán; hoặc có những khoản nợ xấu người bán muốn bán nhưng không có người mua…
Đại diện Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) cũng cho rằng, tâm lý e ngại của chủ nợ khi thực hiện bán nợ, hay việc định giá bán nợ còn chưa có cơ sở và sự hợp tác của bên nợ là những khó khăn vướng mắc lớn nhất hiện nay.
Theo ông Đoàn Văn Thắng, Tổng giám đốc Công ty VAMC, việc xử lý nợ xấu thông qua mua, bán nợ theo giá thị trường giúp cho việc xử lý nợ thực chất, hiệu quả hơn theo nguyên tắc bảo toàn được nguồn vốn và đảm bảo hiệu quả, đồng thời thể hiện được hiệu quả tích cực trong việc thực hiện chủ trương hạn chế sử dụng vốn ngân sách để xử lý nợ xấu của Chính phủ.
Những năm qua, để giảm nợ xấu, Việt Nam đã áp dụng nhiều giải pháp quan trọng là áp dụng mô hình xử lý nợ và môi trường thể chế cho xử lý nợ xấu. Ngoài ra, theo các chuyên gia kinh tế, về lâu dài, để có thể xử lý hiệu quả vấn đề nợ xấu, cần sớm hình thành một thị trường mua bán nợ thực sự với sự góp mặt nhiều thành phần tham gia, thay vì chỉ có một vài doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này như hiện nay.
Trên thực tế, Nghị quyết 42 cũng đã cho phép mua bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo giá trị thị trường và mở rộng đối tượng tham gia thị trường mua bán nợ xấu, gồm cả các pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ.
Trong một nghiên cứu, PGS –TS Lê Văn Ái và PGS TS Ngô Thanh Hoàng, Học viện Tài chính cho rằng giải pháp xử lý nợ xấu trong nền kinh tế của Việt Nam hiện nay là “nhốt” nợ xấu ở VAMC để chờ xử lý. Trong điều kiện như vậy, để có thể xử lý có hiệu quả vấn đề nợ xấu cần thiết phải thiết lập thị trường mua bán nợ, nhất là thị trường mua bán nợ xấu.
Ông Phạm Tiến Đạt nhận định, thị trường mua bán nợ sẽ đóng vai trò trọng yếu và có thể là bước tiến mới trong quá trình phát triển của thị trường tài chính Việt Nam. Cần xây dựng cơ chế, chính sách cho từng chủ thể tham gia thị trường mua bán nợ theo hướng khuyến khích và thu hút các nhà đầu tư tư nhân nhằm tăng tính cạnh tranh và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty mua bán nợ có vốn nhà nước. Đó là xây dựng các quy định cho các chủ thể trung gian tham gia thị trường như công ty xác định giá trị, công ty xếp hạng tín nhiệm các khoản nợ, thành lập sàn giao dịch mua bán nợ. Bên cạnh đó, cần luật hóa các quy định về thị trường mua bán nợ.
Bà Đỗ Thúy Minh, Trưởng phòng Ngân hàng, Vụ Tài chính Ngân hàng và Các tổ chức tín dụng (Bộ Tài chính) cho rằng, để có thể phát triển thị trường mua bán nợ một cách hiệu quả cần phải tuân thủ một số quan điểm như: xây dựng và phát triển thị trường mua bán nợ phải phù hợp với khuôn khổ pháp luật, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của Việt Nam; thị trường mua bán nợ phải thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính, phải vận hành theo nguyên tắc thị trường, từng bước tiếp cận với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế, gắn kết với quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, tái cơ cấu doanh nghiệp; nhà nước quản lý thị trường mua bán nợ bằng pháp luật, có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để thị trường phát triển ổn định, vững chắc, phát huy vai trò của các tổ chức, hiệp hội nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp và khuyến khích các chủ thể tham gia thị trường.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng đã có chỉ thị yêu cầu các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, VAMC và các tổ chức tín dụng triển khai nghiêm túc, quyết liệt nhiều nhiệm vụ trọng tâm về cơ cấu lại và xử lý nợ xấu.
Đặc biệt, đối với VAMC, Thống đốc chỉ thị tiếp tục tổ chức triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu VAMC đã mua; đẩy mạnh hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường theo quy định của pháp luật và phương án được duyệt, đồng thời áp dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro trong việc mua bán nợ theo giá trị thị trường.
Đồng thời, VAMC tăng cường phối hợp với tổ chức tín dụng để rà soát, phân loại, đánh giá lại tài sản bảo đảm và các khoản nợ xấu đã mua để xác định khả năng thu hồi nợ và có giải pháp xử lý phù hợp; kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc, kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả xử lý, mua bán nợ xấu; hàng năm, tổng hợp kết quả, các biện pháp xử lý nợ xấu để đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu gửi Ngân hàng Nhà nước.