Nợ xấu từ “túi VAMC” sang “túi khác”
Cuộc đua xóa nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam (VAMC) của một số nhà băng được nhìn nhận lạc quan, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã đủ nguồn lực lấy lại tài sản đảm bảo (TSĐB) để xử lý, cổ đông NH có thể hưởng lợi sau nhiều năm chịu đựng khó khăn. Nhưng thực chất, xóa nợ xấu để khả năng được hưởng lợi của cổ đông NH vẫn chưa thể, vì tài sản là nợ xấu vẫn còn đó.
NH dồn dập xóa nợ xấu tại VAMC
Thời gian gần đây, các NHTM ồ ạt rao bán TSĐB, từ ô tô, nhà xưởng đến quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, dự án bất động sản thương mại… với giá trị từ vài trăm triệu đồng đến hàng ngàn tỷ đồng. Việc bán TSĐB của các khoản nợ xấu để thu hồi vốn là chuyện không mới. Nhưng vấn đề đáng chú ý, năm nay nền kinh tế rơi vào khó khăn, khủng hoảng do dịch bệnh, trong khi lượng tài sản rao bán của NH lên nhiều lần so với 1-2 năm trước đây và giá cũng liên tục hạ. Vì sao lại có hiện tượng này?
Theo lý giải của một chuyên gia tài chính, thay vì NH giữ nợ, găm giữ TSĐB, họ sẵn sàng bán và giảm giá sau nhiều lần đấu giá thất bại để thu được bao nhiêu cũng tốt. Bởi lẽ, tại một số lĩnh vực, giá cả trên thị trường trở nên bất lợi hơn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến nền kinh tế, càng giải quyết sớm càng tốt. Nhưng mấu chốt theo lộ trình năm 2019-2020, là thời điểm NH đã phải tất toán các khoản nợ bằng các TSĐB đã bán cho VAMC.
Báo cáo hoạt động của VAMC các năm 2013-2016, cho thấy kết quả mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) năm 2013 của các NHTM đạt 36.257 tỷ đồng, năm 2014 đạt 92.448 tỷ đồng. Đỉnh điểm năm 2015 phải đưa tỷ lệ nợ xấu xuống 3%, VAMC mua 109.264 tỷ đồng. Theo quy định, hàng năm các TCTD phải trích 20% dự phòng rủi ro và sau 5 năm trả về cho TCTD, nếu trong thời gian này VAMC không bán được nợ. Nhưng trong tổng số 253.015 tỷ đồng nợ xấu mua từ các TCTD, đến 31-12-2016, VAMC mới thu hồi được 50.169 tỷ đồng, chiếm 19,8% tổng số nợ đã mua.
Do VAMC thu hồi nợ chưa hiệu quả, từ năm 2019 đến nay các NH buộc phải tất toán nợ xấu tại VAMC. Tính đến nay, Vietcombank, Techcombank, MB, VIB, OCB, Nam A Bank, TPBank, Kienlongbank, VPBank, Agribank, SeABank MSB đã hoàn thành mục tiêu này. Bên cạnh đó, một số NH như ABBank, Eximbank… cũng đặt mục tiêu mua lại toàn bộ nợ đã bán cho VAMC trong năm 2020. Do vậy TSĐB được lấy về cần phải xử lý để thu hồi vốn, điều này cũng đẩy lượng hàng hóa được NH rao bán trên thị trường gia tăng nhanh.
Nhưng chỉ là dịch chuyển từ nơi này sang nơi khác
Với động thái xóa nợ tại VAMC của các nhà băng, có lý giải cho rằng đây là cách để NH bảo vệ lợi ích cổ đông. Bởi theo Thông tư 32/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2013 của NHNN, quy định từ ngày 14-2-2020, TCTD bán nợ nhận TPĐB không chia cổ tức bằng tiền mặt cho đến khi TPĐB được thanh toán. TCTD bán nợ nhận TPĐB có thời hạn trên 5 năm, hoặc TCTD được NHNN chấp thuận việc gia hạn thời hạn TPĐB cũng không được chia cổ tức, để tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi TPĐB có thời hạn trên 5 năm hoặc TPĐB đã gia hạn được thanh toán. Điều này đồng nghĩa với việc tất toán nợ xấu đúng hạn, các NH sẽ được phép chia cổ tức cho cổ đông.
Nhưng thực chất quy định trong Thông tư 08/2016 sửa đổi bổ sung một số điều tại Thông tư 19/2013 của NHNN, dù cho phép các TCTD có thể gia hạn thời hạn của TPĐB tối đa lên đến 10 năm, song chỉ áp dụng chia cổ tức cho TCTD đang thực hiện phương án cơ cấu lại theo đề án đã được phê duyệt; TCTD gặp khó khăn về tài chính mà việc trích lập dự phòng rủi ro cho TPĐB có thể dẫn đến lỗ trong năm tài chính vẫn chưa thể chia cổ tức.
Một thực tế nữa cho thấy, sau khi tất toán được nợ xấu tại VAMC, NH vẫn phải lo sức khỏe của mình trước. Như Techcombank đã xóa nợ trong năm 2019 nhưng vẫn tiếp tục không chia cổ tức năm thứ 9, giữ lại lợi nhuận bổ sung nguồn vốn kinh doanh. Tương tự, VPBank cũng trình cổ đông giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2019 để tăng vốn chủ sở hữu. Thực ra năm nay NHNN yêu cầu không chia cổ tức bằng tiền mặt để có nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay, các NH lập tức hưởng ứng, gấp rút thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu với tiến độ sớm hơn các năm trước.
Với tiến độ xử lý TSĐB hiện nay, dự báo các khoản nợ xấu phải mất 2-3 năm, thậm chí 5 năm mới xử lý được. Đặc biệt, dịch Covid-19 đã làm nguy cơ nợ xấu tăng trở lại, áp lực phải xử lý nợ một lần nữa đặt lên vai các NHTM.
Như vậy, sau nhiều năm chờ đợi NH xử lý nợ, cổ đông vẫn chưa nhận được lợi ích xứng đáng. Bởi lẽ sau khi lấy TSĐB về mà chưa bán được, nợ xấu nội bảng tăng lên, nhất là nợ nhóm 5, nên các NH phải chật vật tự bán đấu giá tài sản thu hồi nợ. Đơn cử, Agribank, BIDV dù sớm sạch nợ xấu tại VAMC, nhưng nhiều TSĐB rao bán nhiều lần, mỗi lần rao bán lại giảm giá vẫn chưa tìm được chủ mới.
Trước đây khi thành lập VAMC, một chuyên gia kinh tế kỳ vọng khi NH bán nợ, VAMC không đưa tiền nhưng đưa bằng TPĐB tương đương với giá trị tài sản đã bán. Trong thời gian đó, mỗi năm NH trích lập dự phòng rủi ro, như vậy sau 5 năm, phần lớn TPĐB đó đã trích lập dự phòng đầy đủ, có thể dùng để mua lại nợ. Khi NH lấy lại TSĐB như vậy sẽ tự bán với giá nào tùy NH, không bị VAMC chi phối. Vì tài sản này đã được trích lập dự phòng bù đầy đủ, nên được xem lợi nhuận để lại của NH, bán được bao nhiêu thu bấy nhiêu, từ đó tăng sức mạnh tài chính. Khi NH trở nên tốt hơn, cổ đông sẽ là người hưởng lợi.
Nhưng với tiến độ xử lý TSĐB như hiện nay, thời điểm hưởng lợi vẫn còn xa, nhiều dự báo cho rằng các khoản nợ xấu phải mất 2-3 năm, thậm chí 5 năm mới xử lý được. Và kỳ vọng trên sẽ càng mờ nhạt hơn khi dịch Covid-19 ập đến, nguy cơ nợ xấu tăng trở lại, áp lực phải xử lý nợ một lần nữa đặt lên vai các NHTM. Chưa kể hiện nhiều nhà băng chỉ lên kế hoạch tất toán nợ tại VAMC, còn thực tế HĐQT NH vẫn chưa thực hiện được như lời hứa.