Nới room nhưng không nới chính sách
Các chuyên gia cho rằng động thái điều chỉnh nâng hạn mức tín dụng cho một loạt ngân hàng mới đây không đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhà nước sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ.
Năm 2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự kiến mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14%. Hết 6 tháng đầu năm, tín dụng đã tăng 7,33% so với cuối năm 2018, mức tăng thấp nhất trong 4 năm qua. Tuy nhiên, NHNN khẳng định tăng trưởng tín dụng phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ và tăng trưởng của nền kinh tế.
Những ngân hàng đầu tiên “nhận quà”
Theo ước tính sơ bộ, một số ngân hàng trong nhóm 9 ngân hàng đạt chuẩn Basel II như Vietcombank, VIB, OCB, VPBank, MB, ACB, TPBank, Techcombank và MSB đã có mức tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm khá cao. Trong đó, Vietcombank cho vay đạt 9% trên room 15%; OCB có mức tăng trưởng tín dụng tới 18% trên hạn mức 20%; TPBank đạt hơn 13%…
Mới đây, NHNN đã nới room tín dụng cho một loạt ngân hàng thuộc nhóm đạt chuẩn Basel II: ACB từ 13% lên 17%, VPBank từ 12% lên 16%, Techcombank từ 13% lên 17%, MB từ 13% lên 17%.
Với mức tăng như trên, các ngân hàng này đã có thêm dư địa để “đẩy vốn” ra thị trường. Chẳng hạn, ACB sẽ còn 8%, MB còn khoảng 7%… dư địa để tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng còn lại.
Không tiết lộ con số cụ thể, song một lãnh đạo Sacombank mới đây cho biết vừa được NHNN nới chỉ tiêu tín dụng. Đáng lưu ý, hồi đầu năm, Sacombank được NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 7%, nhưng trong kế hoạch kinh doanh năm 2019, nhà băng này vẫn đặt mục tiêu dư nợ cho vay tăng 16%. Chỉ sau 4 tháng, Sacombank đã chạm mức này và có thời điểm bị hạn chế giải ngân. Sau khi NHNN nới chỉ tiêu, hoạt động cho vay của Sacombank trở lại bình thường.
Trường hợp của các ngân hàng trên khiến nhiều tổ chức tín dụng kỳ vọng sẽ tạo tiền lệ cho việc nới room tín dụng. Đặc biệt, một số nhà băng khác đạt chuẩn Basel II cũng đang kỳ vọng có thể được điều chỉnh do gần chạm trần được giao sau 6 tháng đầu năm. Ví dụ, OCB ghi nhận tăng trưởng cho vay 18% sau 6 tháng, gần tiếp cận mức 20% được NHNN giao đầu năm, trong khi đặt mục tiêu dư nợ cho vay tăng 30%.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định không phải tổ chức tín dụng nào đạt chuẩn Basel II cũng đều có thể được xem xét nới room như mong đợi. Chẳng hạn, MSB dù đạt chuẩn Basel II nhưng đang trong lộ trình IPO, chưa chắc sẽ có ưu tiên “đặc biệt” cho tăng trưởng tín dụng.
Một số ngân hàng đạt chuẩn Basel II đã được nới room tín dụng |
Vẫn theo định hướng
Theo báo cáo thị trường tiền tệ hàng tuần của Bộ phận phân tích và tư vấn khách hàng cá nhân, Công ty chứng khoán SSI vừa công bố, vào phiên thứ Sáu tuần trước (19/7), lãi suất tín phiếu đã được NHNN điều chỉnh xuống 2,75%/ năm với kỳ hạn 7 ngày, giảm 25 điểm cơ bản so với mức 3%/năm đã duy trì từ 10/10/2018.
Trong gần 4 tháng trở lại đây, tín phiếu là kênh hoạt động chính trên thị trường mở (OMO), lãi suất tín phiếu hạ sẽ khuyến khích các thành viên thị trường đẩy tiền vào nền kinh tế thay vì chuyển về NHNN.
Tuần qua, NHNN bơm ròng 19.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu, lãi suất trên liên ngân hàng giảm liên tục trong tuần, hiện ở mức 3,08% với kỳ hạn qua đêm và 3,18% với kỳ hạn 1 tuần, giảm lần lượt 10 điểm cơ bản và 12 điểm cơ bản so với cuối tuần trước đó, chênh lệch lãi suất VND-USD giảm xuống 0,6-0,7%/năm.
Nhìn lại từ cuối năm 2015, dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất nhưng lãi suất tín phiếu và lãi suất OMO của NHNN vẫn duy trì ổn định, thậm chí lãi suất OMO có một số thời điểm còn giảm rất thấp (xuống dưới 1%/năm).
“Điều này cho thấy chính sách tiền tệ của Việt Nam được điều hành khá linh hoạt chứ không cứng nhắc theo một hướng là thắt chặt hay nới lỏng, với mục tiêu là giữ ổn định tiền tệ, thận trọng trong việc điều tiết dòng tiền và kiểm soát chất lượng tín dụng”, SSI đánh giá.
Vì thế, theo các nhà phân tích của SSI, nếu FED giảm lãi suất vào cuối tháng này như kỳ vọng sẽ không tác động quá lớn về chính sách tiền tệ của NHNN, mà chỉ khiến cho việc thực hiện các định hướng chính sách thuận lợi hơn do giảm bớt sức ép từ tỷ giá.
Hiện nay, một số ý kiến cho rằng NHNN đã có động thái nới lỏng tiền tệ khi vừa điều chỉnh nâng hạn mức tín dụng cho một loạt ngân hàng. Tuy nhiên, nhóm phân tích của SSI đánh giá đây là định hướng từ đầu năm của NHNN, căn cứ vào diễn biến tăng trưởng tín dụng thực tế 6 tháng đầu năm.
Các chuyên gia SSI căn cứ vào mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 14% nhưng hạn mức tín dụng phân bổ cho từng ngân hàng hồi đầu năm phổ biến ở mức thấp hơn (11-13%), thậm chí một số ngân hàng như CTG, Sacombank chỉ là 7%.
Bên cạnh đó, không tính Vietcombank thì 8 ngân hàng thương mại đã đáp ứng chuẩn Basel II có tổng dư nợ khoảng 1,1 triệu tỷ đồng. Nếu cả 8 ngân hàng này được nâng hạn mức tín dụng lên mức kỳ vọng thì số dư nợ tăng thêm so với hạn mức cũ là khoảng 46.000 tỷ đồng, tức là chỉ khoảng 0,6% tổng dư nợ toàn hệ thống.