Nới room tối đa: Hiệu quả đến đâu?

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Cơ hội để các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài tìm đối tác tham gia chi phối ở tổ chức tài chính nội đang tăng cao khi Chính phủ liên tục đề ra phương án có thể xem xét sớm nới room cho khối này.

NĐT nước ngoài luôn mong muốn Chính phủ Việt Nam có thể xem xét cho phép một số ngân hàng yếu kém được bán cổ phần. Nguồn: internet
NĐT nước ngoài luôn mong muốn Chính phủ Việt Nam có thể xem xét cho phép một số ngân hàng yếu kém được bán cổ phần. Nguồn: internet

Thời điểm tốt để đầu tư

Ngay khi có thông tin ngành dịch vụ tài chính, mà chủ yếu là hầu hết các công ty chứng khoán (CTCK), dự kiến sẽ cho phép NĐT nước ngoài được mua từ 49% đến 100% vốn của một CTCK, trên thị trường đã có những phản ứng tích cực. Đáng chú ý, trên thị trường chứng khoán (TTCK) mấy ngày qua, dòng tiền tiếp tục chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu các CTCK, góp phần làm cho giá của các cổ phiếu này tăng mạnh. Dẫn đầu thanh khoản là các mã KLS, SSI và SHS.

Theo các chuyên gia, các lĩnh vực ngân hàng và CTCK, đến thời điểm này trong con mắt của các NĐT trong nước vẫn chưa có sức hấp dẫn, vì có những thông tin không chính thức về tỷ lệ nợ xấu tăng cùng với quá trình tái cấu trúc đang diễn ra.

Tuy nhiên, trong con mắt của NĐT ngoại, về cơ bản các tổ chức tài chính yếu kém đã được xử lý thông qua hình thức kiểm soát đặc biệt, rút niêm yết (đối với CTCK) và sáp nhập, hợp nhất, bán lại (đối với ngân hàng). Đồng thời thanh khoản của toàn hệ thống đã được cải thiện và Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang từng bước đẩy mạnh tái cơ cấu để làm lành mạnh hệ thống. Như vậy, trên thị trường bây giờ chỉ còn lại những đơn vị hoạt động tốt, có tiềm năng phát triển dài hạn. Và sau quá trình tái cơ cấu, dự kiến khoảng 1-2 năm tới, khả năng cổ phiếu của hai ngành này sẽ hồi phục và cải thiện thanh khoản nhanh nhất.

Phân tích thêm, một lãnh đạo của CTCK ACBS nói rằng, tuy ngành dịch vụ tài chính của Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn về nợ, nhưng trên thực tế giá trị và các khoản nợ vẫn trong tầm kiểm soát, nếu không nói là thấp hơn so với một số nước trong khu vực trong thời kỳ khủng hoảng, ví dụ như Thái Lan, Malaysia.

“Điều này giải thích vì sao mặc dù nhìn thấy các tổ chức tài chính Việt Nam đang gặp khó khăn, nhưng các NĐT ngoại vẫn trông đợi được nới room lên tới 100% vốn. Nhất là trong ngành Ngân hàng, các NĐT nước ngoài luôn mong muốn Chính phủ Việt Nam có thể xem xét cho phép một số ngân hàng yếu kém được bán cổ phần cho NĐT nước ngoài vượt room quy định và mua đứt 100% vốn tại một ngân hàng của Việt Nam. Có lẽ vì thời điểm hiện nay được các NĐT ngoại xem là tốt để rót tiền vào cổ phiếu của các ngân hàng Việt Nam”, vị lãnh đạo trên chia sẻ.

Có vội mừng?

Thực tế trong quá trình tái cơ cấu, không chỉ NĐT ngoại mà bản thân những DN hoạt động trong ngành dịch vụ tài chính Việt Nam cũng đang trông đợi rất lớn có sự tham gia của đối tác ngoại. Bởi, khi tham gia góp vốn, NĐT ngoại đã có sẵn tiềm lực về cả tài chính lẫn kinh nghiệm điều hành. Điều này sẽ giúp cho các CTCK và ngân hàng tái cơ cấu nhanh hơn. Cụ thể, mặc dù chưa được ban hành chính thức về việc nới room cho các CTCK, nhưng CTCK HCM và SSI đã xin ý kiến cổ đông và được ĐHCĐ thông qua việc nới room tối đa theo luật cho phép.

Tuy nhiên, việc yêu cầu được nới room cho khối ngoại tới 100% vốn theo các chuyên gia cũng là điều mà bản thân DN trong nước phải cân nhắc. Bởi, ngân hàng hoặc chứng khoán đều là ngành đặc thù, có khả năng chi phối đến nhiều ngành nghề khác, ít nhất về vốn hoặc điều hành.

Và việc các NĐT nước ngoài có sẵn sàng rót vốn vào các tổ chức tài chính nội hay không sẽ còn tùy thuộc nhiều vào các yếu tố như chiến lược phát triển phù hợp, triển vọng tăng trưởng tốt và nét tương đồng văn hóa giữa 2 DN. Nếu quan sát, phần lớn, NĐT ngoại cũng chỉ lựa chọn và chờ đợi tham gia ở những tổ chức tài chính tốt. Chẳng hạn, các Tập đoàn tài chính Nhật Bản trong thời gian qua đã gia tăng sở hữu cổ phiếu tại một số ngân hàng Việt Nam như Vietcombank, VietinBank, Eximbank… thông qua hình thức M&A.

Mặt khác, trên TTCK, các chuyên viên ngành cũng vừa có bản đánh giá lại các ngành trong khoảng thời gian đầu năm cho tới nay, theo đó các CTCK có mức xếp hạng khá thấp bởi những lý do như tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận không như kỳ vọng, thậm chí không đạt mức cạnh tranh so với các ngành khác về tỷ lệ P/E hoặc ROE. NĐT ngoại chỉ để ý tham gia vào vài DN trong ngành khá tốt và chiếm thị phần cao như KLC, SSI…

Vậy đặt giả thiết, nếu được nới room tới 100% thì NĐT ngoại cũng chỉ mong muốn tham gia những đơn vị tốt, thay vì vào những DN yếu kém đang cần hỗ trợ. Như vậy, việc nới room liệu có còn nhiều ý nghĩa?

Hơn nữa, hiện cũng còn rất nhiều ý kiến cho rằng trong ngắn hạn việc nới room chưa thể đi vào hiện thực do những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính và pháp lý. Chẳng hạn, khi có nhu cầu tăng tỷ lệ sở hữu của khối ngoại, CTCK cần được ĐHCĐ thông qua rồi sau đó trình lên UBCK để được chấp thuận. Theo kinh nghiêm thực tiễn, các chuyên gia cho rằng cần ít nhất 3 – 6 tháng để một CTCK thực sự nâng tỷ lệ sở hữu của cổ đông ngoại sau khi dự thảo thực sự được thông qua. Ngoài ra, không hẳn DN nào có sự gia tăng của cổ đông ngoại cũng tạo được dấu ấn thay đổi trong hoạt động kinh doanh bởi nếu mức sở hữu này không chiếm đa số sẽ không có được tiếng nói cần thiết.