Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa nửa đầu tháng 2/2020 đạt 19,23 tỷ USD


Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 15 ngày đầu tháng 2 đạt 19,23 tỷ USD, tăng 32% so với nửa cuối tháng 1/2020 và tăng nhẹ 3,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 15 ngày đầu tháng 2 đạt 19,23 tỷ USD, tăng 32% so với nửa cuối tháng 1/2020.
Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 15 ngày đầu tháng 2 đạt 19,23 tỷ USD, tăng 32% so với nửa cuối tháng 1/2020.

Cụ thể, trong 15 ngày đầu tháng 2/2020, xuất khẩu của Việt Nam đạt trị giá 9,6 tỷ USD, tăng 30% so với nửa cuối tháng 1/2020. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 6,78 tỷ USD.

Luỹ kế đến hết ngày 15/2, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 27,86 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khối doanh nghiệp FDI chiếm 18,5 tỷ USD.

Đặc biệt, xuất khẩu ngành dệt may và giày dép có mức tăng trưởng đột biến, tăng 44,64% so với cùng kỳ với kim ngạch đạt hơn 3 tỷ USD. Kim ngạch này cao hơn nhiều so với kim ngạch xuất khẩu bình quân các tháng Tết của 3 năm trước đó (khoảng hơn 2 tỷ USD).

Lý giải về điều này, theo  đánh giá của các nhà phân tích nguyên nhân chính xuất phát từ việc một số công ty đa quốc gia đã tăng công suất tại các nhà máy tại Việt Nam nhằm bổ sung cho đơn hàng dệt may, giày dép bị thiếu hụt do các nhà máy ở Trung Quốc bị đóng cửa.

Xuất khẩu mặt hàng điện tử có mức tăng trưởng khiêm tốn, khoảng 2% so với cùng kỳ do đây là thời điểm trước khi ra mắt các dòng sản phẩm mới nên nhu cầu bị suy giảm.

Ở chiều nhập khẩu, kim ngạch trong 15 ngày đầu tháng 2 đạt 9,62 tỷ USD, tăng 33,7% so với nửa cuối tháng 1. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 5,8 tỷ USD.

Luỹ kế đến hết ngày 15/2, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đạt 28,27 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, trị giá nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt 16,5%.

Cụ thể, nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI tăng 16,01% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi khu vực kinh tế trong nước tăng 12,64%, cao hơn nhiều so với năm 2019 (tăng trưởng 2 khu vực này trong năm 2019 đạt khoảng 4-5%).

Tác động rõ ràng nhất của dịch nCoV đến  hoạt động nhập khẩu là sự sụt giảm mạnh của các mặt hàng nguyên vật liệu đầu vào như phân bón, nguyên liệu dược phẩm, nguyên liệu thuốc lá và các mặt hàng nông sản (giảm hơn 30% so với Tết 2019); tình hình nhập khẩu nguyên liệu dệt may (bông, sợi dệt, vải các loại) có diễn biến trái chiều khi bông và sợi dệt giảm nhẹ (-5,50%), trong khi nhập khẩu vải các loại tăng mạnh (11,35%); Nhập khẩu mặt hàng điện tử, điện thoại và máy móc thiết bị duy trì mức tăng trưởng tốt. Đáng chú ý, nhập khẩu mặt hàng điện tử và đồ gia dụng ở Kỳ 1 tháng 2 còn có xu hướng tăng so với Kỳ 1 tháng 1.

Như vậy, trái với lo ngại, tác động ban đầu của dịch nCoV đối với hoạt động thương mại của Việt Nam là chưa nhiều, chủ yếu là tác động đến các mặt hàng được vận chuyển thông qua đường biên giới trên bộ như nông sản hoặc nguyên vật liệu đầu vào (chiếm tỷ trọng thấp). Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng đưa ra cảnh báo, trong thời gian tới, hoạt động xuất, nhập khẩu sẽ gặp nhiều thách thức do các nhà máy sản xuất của Trung Quốc vẫn chưa hoạt động trở lại hoặc hoạt động cầm trừng dẫn đến nguồn cung nhiều khả năng sẽ bị gián đoạn.