Rút ngắn thời gian kiểm tra chuyên ngành – Cần cú kích mạnh
Quản lý lưu lượng hàng hóa XNK lớn nhất cả nước, với tỷ lệ hàng phải kiểm tra chuyên ngành (KTCN) cao, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã chủ động phối hợp với các đơn vị KTCN để hỗ trợ, tạo thuận lợi nhất cho DN.
Phối hợp KTCN
Sau thời gian thực hiện kí kết quy chế phối hợp giữa Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh với các cơ quan kiểm tra chuyên ngành (KTCN), công tác KTCN tại các cửa khẩu TP. Hồ Chí Minh đã có những chuyển biến tích cực.
Theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, để hỗ trợ DN XNK trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành, tháng 8/2015, đơn vị đã thực hiện ký kết quy chế phối hợp với 10 cơ quan kiểm tra chuyên ngành trên địa bàn, gồm: Sở Khoa học và Công nghệ; Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 3; Công ty TNHH Giám định Vinacontrol TP. Hồ Chí Minh; Cơ quan Thú y Vùng VI; Viện Y tế Công cộng TP. HCM; Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm Thuốc bảo vệ Thực vật Phía Nam; Trung tâm chất lượng Nông lâm Thủy sản Vùng IV; Công ty TNHH SGS Việt Nam; Công ty Cổ phần Giám định và Khử trùng FCC và Trung tâm Giám định và chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy (Vietcert).
Sau khi có quy chế phối hợp, số lượng tờ khai DN nợ kết quả kiểm tra chuyên ngành đã giảm đi rõ rệt. Theo Phòng Giám sát quản lý - Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, trước đây, số lượng tờ khai nợ kết quả KTCN quá thời hạn rất lớn, khoảng vài trăm tờ khai mỗi tháng.
Hiện nay, con số này đã giảm đi rất nhiều, hiện chỉ còn trên 160 tờ khai (trong đó, số lượng tồn của 10 cơ quan kí kết quy chế phối hợp trên 100 tờ khai, số còn lại của 2 cơ quan chưa kí quy chế phối hợp). Qua báo cáo của các chi cục, hầu hết những tờ khai tồn đọng đều là những mặt hàng cần có thời gian thử nghiệm kéo dài, không phải là hàng tiêu dùng ảnh hưởng trực tiếp dến sức khỏe người dân.
Theo ông Đăng Thái Thiện, Phó Phòng Giám sát quản lý, qua thực hiện quy chế phối hợp, hai bên kịp thời trao đổi thông tin, phối hợp giải quyết những vướng mắc cho DN liên quan đến các lô hàng thuộc diện KTCN, nhanh chóng tạo thuận lợi cho DN trong quá trình tạm giải tỏa hàng hóa, mang hàng về kho bảo quản chờ kết quả KTCN.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa cơ quan Hải quan và cơ quan KTCN giúp cho việc quản lý và kiểm soát các lô hàng thuộc diện KTCN được chặt chẽ, tránh việc để sót, lọt hàng hóa kiếm chất lượng nhập khẩu vào thị trường Việt Nam.
Đồng thời giải quyết được vấn đề hàng hóa bị ách tắc, tồn động tại cửa khẩu, giảm chi phí lưu kho bãi tại cảng cho DN.
Theo đánh giá của các cơ quan KTCN, việc thực hiện quy chế phối hợp giữa Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh với các cơ quan KTCN trong thời gian qua đã nâng cao hiệu quả trong công tác KTCN.
Hiện nay, hầu hết tại các đơn vị đều không còn tồn đọng hồ sơ DN đến đăng ký kiểm tra nhưng không thực hiện trách nhiệm mang hàng đến phục vụ kiểm tra, ngoại trừ một số trường hợp đặc thù. Như tại Trung tâm Giám định và chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy (Vietcert) phát sinh trường hợp sau khi đăng ký KTCN, DN thay đổi loại hình từ nhập kinh doanh sang tạm nhập tái xuất nên không cần xuất trình hàng hóa để kiểm tra.
KTCN tại cửa khẩu còn chậm
Đầu tháng 01/2016, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đồng loạt triển khai địa điểm KTCN tập trung tại cửa khẩu cảng Cát Lái và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất nhằm hỗ trợ công tác KTCN cho người dân và DN làm thủ tục XNK tại 3 đơn vị hải quan, gồm: Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1; Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh.
Đánh giá về chuyển biến KTCN tại các địa điểm tập trung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường, phụ trách Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho rằng, bước đầu đã thấy sự chuyển biến, nhưng tiến độ rất chậm, số lượng DN tham gia ít, kết quả kiểm tra trả tại cửa khẩu không nhiều…
Với địa điểm tại cảng Cát Lái, nơi có lưu lượng hàng hóa XNK lớn nhất cả nước, Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 Huỳnh Sơn Tùng cho biết, ước tính các lô hàng có thể nhận kết quả ngay từ điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung chỉ chiếm 10-15% tổng số lô hàng phải thực hiện KTCN. Trong 6 đơn vị KTCN tham gia tại điểm này thì chỉ có Trung tâm Thú y vùng 6 và Trung tâm Kiểm dịch thực vật vùng 2 bố trí người có thẩm quyền quyết định, còn lại chỉ có nhân viên, chính vì thế để giải quyết các vấn đề phát sinh vẫn phải liên lạc với đơn vị có thẩm quyền
Với địa điểm KTCN tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, ông Trần Ngọc Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất nhận định, mới chỉ giải quyết được vướng mắc cho các cá nhân. Hiện tại người nhận quà biếu của người thân từ nước ngoài gửi về mà giá trị hàng hóa dưới 2 triệu đồng có thể thực hiện các thủ tục kiểm tra về vệ sinh dịch tễ ngay tại điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung đặt tại đây. Kết quả cũng có ngay, không phải mất thời gian đi lại (hoặc chờ đợi doanh nghiệp chuyển phát nhanh thực hiện) như lâu nay.
Tuy nhiên, với hàng thương mại hoặc hàng quà biếu có giá trị trên 2 triệu đồng thì điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung chỉ tiếp nhận đăng ký kiểm tra, còn các thủ tục sau đó vẫn phải chuyển về trụ sở chính của các đơn vị KTCN thực hiện vì tại địa điểm tại cửa khẩu không đủ máy móc, thiết bị thử nghiệm.
Bên cạnh đó, sau khi có chỉ đạo của UBND TP. Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã bố trí nhân viên tại cửa khẩu để kiểm tra văn hóa phẩm, tuy nhiên, nhiều loại cũng không thể thực hiện vì không có người đủ trình độ đảm nhiệm. Văn hóa phẩm qua cửa khẩu thì có nhiều thứ tiếng nhưng nhân viên có mặt ở điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung thì chỉ có chuyên môn là tiếng Anh.
Từ thực tế các địa điểm KTCN tại cửa khẩu, Phó cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Đinh Ngọc Thắng thừa nhận, đơn vị đã chủ động phối hợp với các đơn vị triển khai địa điểm KTCN tại các cửa khẩu có lưu lượng hàng hóa XNK lớn theo đề án 2026 nhưng cũng chỉ mới giải quyết phần ngọn của vấn đề. Các điểm này hầu hết vẫn thiếu con người, trang thiết bị. Còn phần gốc của vấn đề kiểm tra chuyên ngành là thể chế vẫn chưa có sự thay đổi rõ nét, hàng hóa KTCN vẫn rất lớn, tỷ lệ kiểm tra nhiều…
Để kéo các bộ ngành, cơ quan KTCN quyết liệt thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường chỉ đạo các đơn vị hải quan cửa khẩu nơi có các địa điểm KTCN tập trung cần đẩy nhanh tiến độ tuyên truyền, vận động DN thực hiện đăng kí KTCN tại các địa điểm này.
Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường cho rằng, cơ quan hải quan tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan kiểm tra chuyên ngành đẩy mạnh việc triển khai KTCN theo đề án đã được Thủ tướng phê duyệt.
Hiện nay, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đang phối hợp với Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh rà soát, lấy ý kiến DN, hiệp hội những vướng mắc, kiến nghị về KTCN để chuẩn bị cho hội nghị chuyên đề về vấn đề này do Lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh và Bộ Tài chính chủ trì.