Tháng 8, xuất khẩu nông sản đều tăng trưởng về khối lượng và giá trị

PV.

Lũy kế 8 tháng, giá trị XK các mặt hàng nông sản chính ước đạt 9,89 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2015. Nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 9 và quý IV, Bộ NN&PTNT sẽ triển khai quyết liệt tái cơ cấu, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ để phục hồi tăng trưởng

Toàn cảnh họp báo thường kỳ tháng 9
Toàn cảnh họp báo thường kỳ tháng 9

Ngày 1/9/2016, Bộ NN&PTNT tổ chức họp báo thường kỳ tình hình thực hiện kế hoạch tháng 8 và nhiệm vụ công tác tháng 9, quý IV.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, tháng 8, toàn ngành tập trung phòng chống thiên tai, đối phó và khắc phục hậu quả của 3 cơn bão tại các tỉnh phía Bắc để nhanh chóng khôi phục sản xuất; tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ các vùng bị hạn hán, xâm nhập mặn và sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và ĐBSCL. Đồng thời, quyết liệt chỉ đạo phát triển tôm, trồng trọt và chăn nuôi để lấy lại đà tăng trưởng ngành các tháng cuối năm.

Theo đó, tháng 8, hầu hết các mặt hàng nông sản xuất khẩu (XK) đều tăng cả về lượng và giá trị XK so với tháng 7/2016, riêng hồ tiêu giảm 6,3% lượng và 7,8% giá trị.

Giá trị XK nhóm hàng nông sản chính tháng 8 đạt 1,34 tỷ USD, tăng 9,4% so với với tháng 7/2016. Giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 594 triệu USD (giảm 2,8% so với tháng 7/2016), lâm sản chính đạt 566 triệu USD (giảm 6,6%). Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành tháng 8 ước đạt gần 2,76 tỷ USD, tăng 2,7% so với tháng 7/2016, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 8 tháng, giá trị XK các mặt hàng nông sản chính ước đạt 9,89 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2015; XK thuỷ sản ước đạt 4,3 tỷ USD, tăng 4,1%; các mặt hàng gỗ và lâm sản chính ước đạt 4,54 tỷ USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2015;

Tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành 8 tháng ước đạt 20,6 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2015; thặng dư thương mại đạt 5,2 tỷ USD, tăng 28,1%.

Đối với nhập khẩu, ước giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 8 đạt 2,16 tỷ USD, 8 tháng đạt 15,4 tỷ USD, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, nhập khẩu một số mặt hàng chính đạt khoảng 10,8 tỷ USD, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước (phân bón các loại đạt 739 triệu USD (giảm 19,6%), thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt 2,1 tỷ USD (giảm 6,5%), gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,14 tỷ USD (giảm 21,5%), thuốc trừ sâu và nguyên liệu đạt 453 triệu USD (giảm 7,3%).

Nhằm phục hồi đà tăng trưởng cho ngành trong những tháng cuối năm 2016, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh: "Từ những kết quả đạt được của 8 tháng qua, có thể thấy nhiệm vụ còn lại từ nay đến cuối năm là rất lớn, đòi hỏi toàn ngành phải tập trung nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm".

Thứ nhất, triển khai quyết liệt tái cơ cấu, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ để phục hồi tăng trưởng. Ví dụ, đối với trồng trọt tiếp tục thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, nhất là các địa phương ở Nam Trung Bộ và ĐBSCL cần rà soát chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây hàng năm có nhu cầu thị trường và cung cấp nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi; chỉ đạo sát thời vụ, tăng cường sử dụng giống xác nhận, giống chất lượng cao trong các vụ hè thu, thu đông, vụ mùa.

Từ nay đến cuối năm, tập trung khắc phục hậu quả của hạn hán ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở ĐBSCL và bão lụt ở miền Bắc để khôi phục sản xuất, chuyển đổi sản xuất các giống cây trồng linh hoạt theo phương án cụ thể cho từng vùng, đảm bảo hiệu quả...

Đối với hoạt động khai thác thủy sản, hoàn thành việc thống kê thiệt hại của người dân tại 4 tỉnh miền Trung và đề xuất các giải pháp bồi thường, hỗ trợ gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; hoàn thiện Đề án đề xuất chính sách hỗ trợ người dân khu vực bị ảnh hưởng ô nhiễm môi trường biển tại một số tỉnh miền Trung;

Đồng thời, phát triển công nghiệp chế biến và ngành nghề nông thôn bằng cách thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ sản và nghề muối theo hướng bền vững, tăng giá trị gia tăng của sản phẩm theo chuỗi từ khâu sản xuất nguyên liệu đến bảo quản sau thu hoạch, chế biến và tiêu thụ.

Giải pháp trọng tâm thứ hai là tăng cường năng lực phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, phục vụ hiệu quả cho sản xuất, giảm thiểu thiệt hại về tài sản, tính mạng cho nhân dân...

Thứ ba là đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Theo đó, thực hiện nghiêm và hiệu quả các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35, trọng tâm là hướng dẫn thực hiện Nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Rà soát lại tất cả các quy trình, thủ tục thuộc lĩnh vực ngành quản lý như: các thủ tục hành chính, cấp phép, quản lý vật tư đầu vào, các danh mục…, nhất là trong các lĩnh vực: thú y, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản…

Theo dõi sát diễn biến cung, cầu thị trường trong nước và thế giới; tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong bối cảnh các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực và chuẩn bị cho TPP.

Thứ tư là đẩy mạnh phát triển nông thôn, trọng tâm là Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới....