Nông nghiệp vững chân vào chuỗi giá trị
Trong khi nhiều sản phẩm công nghiệp của Việt Nam đã chật vật nhiều năm mà vẫn chưa thể chen chân vào chuỗi giá trị của thế giới, thì các sản phẩm nông nghiệp lại đang bắt đầu làm được điều đó.
Trong khó khăn vẫn có cơ hội bứt phá
Hiện các DN xuất khẩu đang lao đao vì doanh thu sụt giảm, tình trạng huỷ đơn hàng, mất thị trường… do tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên CTCP Visimex – một DN chuyên các loại nguyên liệu có thế mạnh của Việt Nam như cafe, điều, tiêu, hồi, quế, gia vị… lại nằm trong số ít đơn vị có doanh số tăng trưởng hơn 200%. Theo chia sẻ của ông Thân Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc: “Thời gian Covid-19 vừa rồi chúng tôi đã rất may mắn có tăng trưởng doanh thu cao, do giai đoạn đó DN xây dựng được vùng nguyên liệu hữu cơ. Khi dịch xảy ra, các khách hàng lớn chủ yếu ở Mỹ và châu Âu có nhu cầu lớn về sản phẩm chất lượng cao”.
Theo vị này, với sự phát triển của kênh thương mại điện tử, DN Việt Nam không thiếu cơ hội để tìm kiếm khách hàng khắp năm châu. Thậm chí với kênh kết nối này, DN ở bất cứ quy mô nào dù là nhỏ hay siêu nhỏ, cũng có thể cạnh tranh với DN lớn. Năm 2005, CTCP Visimex đăng ký thành viên miễn phí trên trang thương mại điện tử Alibaba, từ đó dần tìm kiếm được các đơn hàng từ khắp nơi trên thế giới và dần cải thiện cơ sở sản xuất. Đến năm 2009 khi có thể đáp ứng được nhiều đơn hàng, DN này quyết định nâng cấp lên Nhà cung ứng Vàng.
Từ đó, đơn hàng nhận được ngày một nhiều hơn, trung bình khoảng 200 đơn/tháng, trong đó có khoảng 10% đã ký kết được hợp đồng với giá trị khoảng 500.000 USD/đơn. Đây chính là nguồn thu đáng kể, chiếm tới 80% doanh thu hàng năm của công ty. Khách hàng của DN này đến từ khắp nơi như Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc, các quốc gia Ả Rập, Trung Đông, Nam Phi, Tây Ban Nha…
Không chỉ có Visimex, nhờ được đầu tư chế biến sâu với chất lượng cao và thương mại điện tử nhiều sản phẩm xuất khẩu vẫn vươn lên trong bối cảnh xuất khẩu nông sản nói riêng trong các tháng đầu năm qua gặp nhiều biến động và sụt giảm. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường trong quý II/2020. Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu lạc quan cho xuất khẩu khi doanh số bán lẻ trên thị trường thế giới vẫn ổn định hoặc tăng đối với thủy sản đông lạnh, đóng hộp, ướp và hun khói với thời hạn sử dụng lâu hơn. Giao dịch thủy sản trên thế giới trì trệ vì vận chuyển bị gián đoạn, nhưng xu hướng giao dịch điện tử, bán lẻ online đã bù đắp một phần cho sự sụt giảm nhu cầu trên thị trường.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng thư ký VASEP cho biết, các DN trong ngành này đã nỗ lực đầu tư dây chuyền, công nghệ mới, để sản phẩm có thể sản xuất khép kín ở Việt Nam và sau khi nhận hàng, đối tác có thể xếp ngay tại siêu thị, không cần đóng gói ở nước thứ 3. Nhờ đó, một số mặt hàng thuỷ sản chế biến sâu vẫn có kim ngạch tăng trưởng dương.
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, tính chung 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 22,3 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên trong tháng 7, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã tăng 4,6% so với tháng trước đó. Lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục ghi nhận sự phục hồi sản xuất và lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu.
Sẵn sàng đầu tàu dẫn dắt
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc tham gia các FTA đã mở ra cơ hội mới cho nông nghiệp Việt Nam trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu. Bên cạnh đó, đây còn lại là cơ hội để các DN trong lĩnh vực này điều chỉnh sản xuất để phù hợp với thị trường.
TS. Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn đánh giá, trên thực tế các DN đã sớm nhận ra cơ hội này và có những bước chuyển mình kịp thời để đầu tư mạnh vào chế biến sâu, hay nuôi trồng các sản phẩm có giá trị cao. Đơn cử như việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các địa phương; trong đó có việc giảm diện tích đất trồng lúa, chuyển sang trồng cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long, vừa thích ứng được với biến đổi khí hậu, vừa đáp ứng được yêu cầu cơ cấu lại của ngành nông nghiệp.
Hay như với con tôm, trước đây sản xuất nhỏ lẻ chiếm chủ đạo, nhưng sau khi thực hiện tái cơ cấu, các hợp tác xã, tổ hợp tác, sản xuất có liên kết tăng mạnh, đặc biệt ở các vùng nuôi tôm lớn Bạc Liêu, Sóc Trăng… nhờ đó các nhà máy hoàn toàn chủ động được vùng nguyên liệu, sản lượng cho chế biến, xuất khẩu.
Ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, để tham gia vào chuỗi giá trị thế giới, yếu tố then chốt nhất là phải chủ động được nguồn nguyên liệu và có khả năng truy xuất nguồn gốc, thì nông nghiệp Việt Nam đều có thể đáp ứng được. Như Tập đoàn Lộc Trời đang hợp tác với một công ty của Đức để ứng dụng công nghệ blockchain vào truy xuất nguồn gốc của nông sản. Hiện nay công nghệ này đã được thực hiện với trái sầu riêng, để người mua được tiếp cận sản phẩm chất lượng tốt nhất và có thể truy được nguồn gốc tận vườn.
“Hiện nay ngành nông nghiệp Việt Nam đang chiếm một số vị trí khá lớn trong chuỗi nông sản toàn cầu, thậm chí còn có thể tạo ra yếu tố quyết định về giá nguồn cung một số mặt hàng chủ chốt như gạo, cafe, tiêu, điều, một số sản phẩm thuỷ sản…”, ông Thuận tự tin khẳng định.
Năm 2019, số DN nông, lâm, thủy sản thành lập mới là gần 2.800 DN, tăng trên 25% so với năm 2018, nâng tổng số DN nông nghiệp lên con số gần 12.600. Bên cạnh sự đầu tư, phát triển của các DNNVV, một số tập đoàn lớn đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như Công ty CP Sữa Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn TH, Tập đoàn Dabaco, Công ty CP Tập đoàn Masan… cho thấy ngành nông nghiệp đã có những đầu tàu làm động lực.
Với sự tham gia của DN, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ đã từng bước được nâng cao năng lực. Chính phủ đã “đặt hàng” với ngành nông nghiệp phải đưa nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới; trong đó ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới; Việt Nam là trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, trung tâm logistics nông sản toàn cầu. Rõ ràng, kế hoạch đó đang được hiện thực hoá rất nhanh.