Obama giữa hai cuộc chiến
(Taichinh) - Tổng thống Mỹ Barack Obama hẳn đang lo lắng khi đàm phán thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran sắp bước vào vòng cuối mang tính chất quyết định. Cùng với đó, ông đang phải đối mặt với cuộc chiến vận động hành lang phản đối thỏa thuận không kém phần khốc liệt tại Washington.
Cuộc đua ngầm khốc liệt
Hai năm qua, những người ủng hộ và phản đối thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran tại Mỹ đã công khai lôi kéo, giành giật sự ủng hộ của những nhân vật có ảnh hưởng trong chính giới và dư luận. Khi thời hạn chót cho thỏa thuận vào ngày 30.6 đang đến gần, cuộc đua ngầm giữa các chính khách tại Nhà Trắng càng trở nên khốc liệt hơn.
Ủy ban về các vấn đề Trung Mỹ - Israel (AIPAC) - tổ chức vận động hành lang thân Israel đã bày tỏ quan ngại rằng thỏa thuận hạt nhân đạt được với Iran có thể là “một sai lầm cơ bản”. Tổí chứác này do ông Mark Wallace, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc thời cựu Tổng thống George W. Bush thành lập. AIPAC tuyên bố sẽ dồn nguồn lực cho chiến dịch truyền thông toàn quốc với quảng cáo trên truyền hình, tờ rơi, mạng xã hội… nhằm tác động tới các cuộc đàm phán hạt nhân.
Ở bên kia chiến tuyến, ông Trita Parsi, người đứng đầu Hội đồng Quốc gia Mỹ - Iran cũng đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ ủng hộ thỏa thuận hạt nhân. Phe ủng hộ thỏa thuận lập luận rằng, sự cởi trói cho ngành dầu mỏ Iran có thể giúp nước này thay thế Nga trở thành nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Ngoài ra, “chơi đẹp” với Tehran có thể giúp Washington xoay sang châu Á một cách dễ dàng nhất.
Điểm chung của hai bên đối địch là đều có các “tay trong” tại Quốc hội lưỡng viện Mỹ. Các nghị sĩ Mỹ sẽ có cơ hội bỏ phiếu bác bỏ hay phản đối bất kỳ thỏa thuận nào được đưa ra sau các cuộc đàm phán hạt nhân sắp diễn ra tại Vienna, và những người phản đối có thể sẽ nỗ lực xoay xở, tập hợp đủ đa số phiếu để chống lại thỏa thuận này.
Quốc hội Mỹ yêu cầu một thỏa thuận kín kẽ để Iran không thể tự do hành động. Rất nhiều nghị sỹ Mỹ có ảnh hưởng tuyên bố rằng họ không muốn thấy các lệnh trừng phạt Iran được xóa bỏ trước khi Tehran bắt đầu thực hiện thỏa thuận, và muốn có một sự giám sát nghiêm ngặt đối với Iran, đó là các thanh sát viên có thể kiểm tra bất kể cơ sở nào của Iran vào bất kỳ lúc nào. Họ còn muốn Tehran tiết lộ quy mô của chương trình hạt nhân quân sự trước đây, đặc biệt sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry dường như tỏ ra nhún nhường hơn khi tuần trước nói rằng Iran sẽ không bị buộc phải làm như vậy. Thượng nghị sĩ Bob Corker của đảng Cộng hòa, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nói: “Tôi ngày càng lo ngại về chiều hướng của các cuộc đàm phán này và khả năng các giới hạn đỏ sẽ bị vi phạm”. Ông Corker là người đề xuất dự luật cho phép Quốc hội có quyền thông qua hay phản đối bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào được đưa ra trong các cuộc đàm phán giữa Iran và 6 cường quốc. Tổng thống Barack Obama đã ký thông qua thành luật dự luật do ông Corker đề xuất hồi tháng trước, sau khi nhiều nghị sĩ của đảng Dân chủ ủng hộ các nghị sỹ của đảng Cộng hòa bỏ phiếu thông qua dự luật này tại Quốc hội.
Lá bài cuối chưa được đưa ra
Cho đến nay, những trở ngại lớn nhất đối với thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 nằm ở cơ chế kiểm chứng Iran tôn trọng thỏa thuận, thời điểm hủy bỏ lệnh trừng phạt của phương Tây đối với chương trình hạt nhân Iran, mức độ làm giàu uranium của Tehran cũng như việc đáp ứng những đòi hỏi của phương Tây về tiếp cận các cơ sở quân sự của quốc gia Hồi giáo. Đây là những vấn đề gai góc nhất của cuộc đàm phán, bởi Iran chưa bao giờ nhượng bộ trong các vấn đề này.
Áp lực kinh tế của phương Tây không thể khiến Tehran chấp nhận xa rời nguyên tắc trong bảo vệ các bí mật quân sự. Kiên quyết không đánh đổi và đạt thỏa thuận bằng mọi giá, Iran cảnh báo các đối tác đàm phán hạt nhân không nên đưa ra “những đòi hỏi quá đáng” và “ảo tưởng”. Trong khi đó, Pháp, quốc gia luôn tỏ ra cứng rắn và thận trọng nhất trong đàm phán với Iran, tuyên bố Paris sẽ phản đối mọi thỏa thuận hạt nhân nếu Tehran không cho phép thanh sát các cơ sở quân sự. Mỹ cảnh báo nguy cơ đàm phán hạt nhân đổ vỡ vào phút chót nếu Iran không thể tuân thủ các cam kết của mình trong thỏa thuận khung đạt được hồi tháng 4. Theo các nhà phân tích, nếu Iran và Nhóm P5+1 không đạt được thỏa thuận về các vấn đề này thì toàn bộ tiến trình đàm phán sẽ “trở về con số không”.
Vì thế, nhiều khả năng, các cuộc đàm phán sẽ kéo dài vượt quá hạn chót mà các bên đặt ra là ngày 30.6. Duy trì sức ép cho đến phút cuối cùng lên các bên đối thoại để mình chỉ phải nhượng bộ ít nhất có thể, đó là chiến lược của Iran trong những ngày qua. Những “con bài” cuối cùng có thể sẽ được tung ra vào phút chót. Song rõ ràng để đạt được thỏa thuận hạt nhân toàn diện giữa Iran với Nhóm P5+1 rất cần sự thiện chí của tất cả các bên.