OCB phát hành thành công thêm 1.000 tỷ đồng trái phiếu
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã phát hành 1.000 trái phiếu mã OCB2326012 thời hạn 3 năm, huy động thành công 1.000 tỷ đồng với lãi suất 6%/năm.
OCB là một trong những nhà phát hành trái phiếu lớn trong năm 2023. Trong gần 5 tháng trở lại đây, Ngân hàng của Chủ tịch Trịnh Văn Tuấn có 12 đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị 13.550 tỷ đồng. Các lô trái phiếu có thời hạn từ 2 – 5 năm, lãi suất giao động từ 6% – 8,1%.
Đáng chú ý, OCB cũng là một trong những ngân hàng tích cực mua lại trái phiếu trước hạn thời gian vừa qua. Tính từ đầu tháng 5/2023 đến nay, OCB mua lại trước hạn 12 lô trái phiếu với tổng giá trị theo mệnh giá 10.900 tỷ đồng. Các lô trái phiếu cùng có thời hạn 3 năm và được phát hành trong năm 2021 và 2022.
Ở một diễn biến khác, OCB đang lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, thời hạn trả lời phiếu lấy ý kiến trước 17h ngày 7/12/2023. Ở đợt lấy ý kiến lần này, cổ đông OCB sẽ thông qua việc sửa đổi, bổ sung điều lệ ngân hàng, cụ thể là bổ sung quy định về thẩm quyền của HĐQT trong việc phê duyệt phương án cơ cấu lại theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Về tình hình kinh doanh, trong 9 tháng năm 2023, OCB ghi nhận tăng trưởng ở hầu hết các hạng mục quan trọng. Theo đó, thu nhập lãi thuần của OCB tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2022 lên 5.434 tỷ đồng, lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư đạt 552 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 178 tỷ đồng. Khấu trừ thuế phí, OCB báo lãi sau thuế 3.131 tỷ đồng, tăng trưởng gần 48%, hoàn thành 65% kế hoạch lợi nhuận năm 2023.
Tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản của OCB tăng 11,7% so với thời điểm đầu năm lên 216.755 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của OCB là 129.562 tỷ đồng cho vay khách hàng, tăng 9,6%.
Trong 9 tháng năm 2023, tăng trưởng tín dụng đạt 10,4% so với cuối năm 2022. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 9,8% so với đầu năm. Trong đó, tỷ trọng tín dụng khối bán lẻ và doanh nghiệp lần lượt là 36% và 64% tổng dư nợ cho vay khách hàng (giảm nhẹ so với mức 40% và 60% cuối năm 2022). Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp tăng 35,68% so với đầu năm, giá trị tăng khoảng 1.000 tỷ đồng, chiếm 3% tổng tín dụng cho vay.
Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) trong quý III/2023 sụt giảm nhẹ 4 điểm cơ bản so với quý trước, còn 3,72%. Mức giảm này có thể do Ngân hàng thực hiện giảm lãi suất và danh mục khối khách hàng doanh nghiệp tăng trưởng mạnh hơn.