Olympic Sochi - cuộc chơi đắt đỏ của kinh tế Nga
(Tài chính) Hiệu quả kinh tế của kỳ thế vận hội đắt nhất lịch sử bị giới phân tích nghi ngờ ngay từ trước khi ngọn đuốc Olympic được thắp sáng tại Sochi.
Số tiền được ban tổ chức công bố chi cho kỳ thế vận hội mùa đông thứ 22 trước giờ khai cuộc đã vượt trên 50 tỷ USD. Con số này vượt qua mức 40 tỷ USD mà Trung Quốc chi cho Thế vận hội mùa hè Bắc Kinh 2008 và gấp ba lần Olympic London 2012. Tính trung bình, mỗi nội dung thi đấu tại Olympic Sochi có giá 520 triệu USD, gấp gần 4 lần Bắc Kinh.
Khi giành quyền đăng cai năm 2007, Nga cho biết Olympic sẽ chỉ tốn 12 tỷ USD. Nhưng sau đó, con số này ngày càng phình to do phải xây nhiều địa điểm thi đấu, đường giao thông và khách sạn. Trong đó, nhiều cơ sở vật chất tại Sochi sẽ được tận dụng lại khi Nga đăng cai World Cup 2018. Tổng cộng, hơn 400 công trình đã được xây dựng cho kỳ thế vận hội này. Trong đó, chỉ 13 là liên quan đến thể thao, còn lại là cho cơ sở hạ tầng và nơi ở.
Theo giới chức Nga, chỉ riêng chi phí "liên quan đến thể thao" đã vào khoảng 6,4 tỷ USD. Nước này đã xây 10 địa điểm thi đấu, tại cả khu vực ven Biển Đen và trên cụm núi thuộc núi tuyết Krasnaya Polyana (Sochi, Nga).
Chuyện chi phí xây dựng cho Olympic vượt dự toán là rất bình thường. Theo nghiên cứu của Allison Stewart - giảng viên Trường Kinh doanh Saïd thuộc Đại học Oxford, trung bình, các dự án này vượt dự kiến 179%.
Khu phức hợp RusSki Gorki Jumping Centre có chi phí 265 triệu USD - gấp hơn 6 lần dự tính ban đầu (40 triệu USD). Tổng thống Putin còn bị chỉ trích vì bỏ ra 8,7 tỷ USD xây đường và đường sắt cao tốc nối các địa điểm thi đấu ven biển với trên núi, Guardian cho biết.
Trên CNN, một số chuyên gia nhận định mức giá đấu thầu thấp có thể là một phần nguyên nhân sự tăng vọt này. Patrick Rishe - giảng viên kinh tế tại Đại học Webster cho biết "đặt giá thấp có thể là chiến lược nhằm giành sự ủng hộ và xóa đi lo ngại về khả năng tổ chức của nước chủ nhà", ông cho biết. Sochi đã đánh bại các thành phố khác tại Áo, Hàn Quốc và Tây Ban Nha để giành quyền đăng cai Olympic.
Bên cạnh đó, rất nhiều chi phí thực tế cũng không được công bố. Mối lo an ninh tại Nga gia tăng cũng góp phần đẩy chi phí Olympic Sochi lên cao.
Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s mới đây cũng cảnh báo kỳ Olympic này sẽ không thể thúc đẩy kinh tế Nga trong dài hạn. Bên cạnh đó, Chính phủ Nga cũng sẽ khó có đủ tiền duy tu các công trình sau Olympic và nhà đầu tư cá nhân cũng không thể kiếm lời từ sự kiện này.
"Tăng trưởng dài hạn sẽ phụ thuộc vào lĩnh vực khách sạn. Do phần lớn nhà đầu tư tư nhân đổ tiền vào đây", Moody’s cho biết. Tuy vậy, hãng cũng nghi ngờ khả năng thu hút khách du lịch của thành phố này sau Olympic để lấp đầy các khách sạn được xây dựng.
Theo Moody’s, những người thực sự giành lợi ích kinh tế là các nhà tài trợ cho Olympic, như Coca Cola, McDonald’s hay Proctor & Gamble, do họ có cơ hội quảng bá sản phẩm ra toàn cầu. Những công ty này đã chi trung bình khoảng 100 triệu USD để trở thành nhà tài trợ của Olympic, bên cạnh đó là hàng loạt khoản tiền khác nhằm hỗ trợ các chiến dịch marketing.
Dù vậy, Moody’s vẫn nhận định chi phí tăng vọt sẽ không ảnh hưởng đến tín nhiệm của Nga. Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch cũng cho biết các khoản nợ từ Sochi 2014 sẽ vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Rủi ro tài chính của chính quyền địa phương sẽ được giảm nhẹ do Chính phủ hỗ trợ rất nhiều vốn.