Ổn định vĩ mô là quan trọng nhất!
Phát biểu kết luận hội nghị Chính phủ với các địa phương vài ngày trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, ngành, địa phương phải coi ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn là nhiệm vụ trọng tâm. Lựa chọn này rất trúng, rất đúng! Hơn lúc nào hết, mục tiêu ổn định vĩ mô, hỗ trợ cho cuộc sống người dân và bảo đảm quá trình hồi phục sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp quan trọng hơn việc theo đuổi tăng trưởng GDP.
Nửa đầu năm 2022 khép lại với một tin vui cho kinh tế vĩ mô. Đó là tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II ước tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ sự bứt phá “ngược chiều thế giới” này, GDP 6 tháng tăng 6,42% - tương đương mức bình quân các năm 2016 - 2019 (6,38%). Điều này có nghĩa tốc độ tăng trưởng đã hồi phục như trước khi xảy ra dịch COVID-19. Nhiều địa phương động lực cũng tăng trưởng ở mức hai con số.
Đáng mừng nữa là dù cơn bão giá càn quét toàn cầu, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng của nước ta chỉ tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 1,25% - vẫn trong tầm kiểm soát, ít nhất về mặt số liệu.
Kết quả ngoạn mục đến khó tin này là một chỉ dấu tốt về năng lực điều hành của Chính phủ; đồng thời củng cố niềm tin về khả năng tăng trưởng năm nay sẽ đạt mức 6 - 6,5% như Quốc hội giao. Thực tế, Chính phủ và các địa phương đang phấn đấu tăng trưởng cao hơn nữa, cụ thể là 7%.
Tuy nhiên, đằng sau thành tích tăng trưởng luôn có “bóng ma” lạm phát rình rập. Áp lực lạm phát rất đáng lo ngại khi khối lượng vốn đầu tư công phải giải ngân trong nửa cuối năm vô cùng lớn; cơn sốt trên thị trường dầu thế giới vẫn chưa dừng lại; và rủi ro nhập khẩu lạm phát đang hiện hữu.
Bên cạnh đó, vẫn có ý kiến cho rằng việc tính toán CPI hiện nay chưa phản ánh đúng mặt bằng giá cả. Nói cách khác, số liệu CPI 6 tháng tăng 2,44% của cơ quan thống kê chưa biểu thị được hết diễn biến “sôi trào” của giá cả mọi mặt hàng, dịch vụ - điều mà người dân trong sinh hoạt, mua sắm hàng ngày sẽ cảm nhận rõ nhất và chân thực nhất.
Theo quan sát của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam không thể tránh khỏi cơn bão giá đang bùng lên khắp toàn cầu. Lạm phát giá tiêu dùng toàn cầu tính đến quý II là 7,8%, mức cao nhất kể từ năm 2008. Ở trong nước, tình hình lạm phát về nửa cuối năm sẽ căng thẳng hơn rất nhiều chứ không nhẹ nhàng như một năm qua. Từ thực phẩm và xăng dầu, hành vi định giá sẽ lan sang những mặt hàng khác.
Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6/2022, Ngân hàng Thế giới cũng khuyến nghị các cấp thẩm quyền cần thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu đi lên. Điều này có thể cản trở quá trình phục hồi tổng cầu trong nước.
Nhìn lại giai đoạn qua có thể thấy Chính phủ đã luôn nhất quán quan điểm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và kiên trì điều hành nền kinh tế theo định hướng này. Nhờ đó, các chỉ số kinh tế vĩ mô đều khá “đẹp” và đây chính là một “động lực tăng trưởng”, là điểm tựa đưa nước ta vượt qua bão COVID-19.
Ở thời điểm hiện tại, Chính phủ đã vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19 và xoay chuyển tình thế thành công để đạt được tăng trưởng 6,42%. Cũng chính lúc này, Chính phủ càng phải kiên định giữ vững ổn định vĩ mô, kiên trì và thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, không chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá. Bởi vì với nền kinh tế và người dân, ổn định vĩ mô quan trọng hơn là tăng trưởng GDP.