Kinh tế vĩ mô đang là "bệ đỡ" tốt cho thị trường chứng khoán

PV.

Trước sự phục hồi một cách mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19 của nền kinh tế, kinh tế vĩ mô của Việt Nam được đánh giá hiện nay đang là "bệ đỡ" tốt cho thị trường chứng khoán (TTCK).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đánh giá về TTCK Việt Nam từ nay đến hết năm 2022, nhiều chuyên gia đều cho rằng, thị trường vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng khi nhiều yếu tố tích cực tiếp tục được duy trì. Theo ông Hoàng Công Tuấn - Kinh tế trưởng công ty chứng khoán MB (MBS), kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện nay đang là "bệ đỡ" tốt cho TTCK. Kinh tế Việt Nam đã phục hồi một cách mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19. Về các cân đối vĩ mô như là lạm phát, tỷ giá hối đoái và cán cân thanh toán thì hiện nay đều đang diễn biến ở mức độ tích cực. Tuy có sự quan ngại liên quan đến áp lực lạm phát, chủ yếu là đến từ môi trường kinh tế vĩ mô của thế giới hiện nay, tuy nhiên chuyên gia của MBS cho rằng, tất cả những nhịp điều chỉnh hay những nhịp giảm của thị trường đều là tạm thời. Theo đó, nếu có góc nhìn dài hạn hơn, sẽ thấy rằng là TTCK vẫn đang đi lên và có sự tăng trưởng qua từng năm.

Thực tế cũng cho thấy, trong thời gian qua, dịch bệnh COVID-9 đã được kiểm soát tốt hơn, các yếu tố nền tảng vĩ mô vẫn vững, các hoạt động kinh tế được khôi phục, tiêu dùng nội địa phục hồi, hoạt động du lịch quốc tế dần được mở cửa trở lại. Cùng với đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc. Theo thống kê của Công ty chứng khoán BIDV (BSC), đến hết tháng 4 đã có tầm 900 doanh nghiệp niêm yết công bố kết quả kinh doanh, tổng quy mô lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp này tăng trưởng khoảng 33% so với quý I/2021 và tăng trưởng khoảng hơn 12% so với quý IV/2021 vừa rồi. Điều đấy cho thấy rằng, các doanh nghiệp cũng đang phục hồi, đồng thời, đây là những yếu tố rất quan trọng để tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt mức 6,5-7%.

Ngoài ra, mặt bằng lãi suất có khả năng vẫn duy trì ổn định ở mức thấp để hỗ trợ kinh tế phục hồi, do vậy, dòng tiền có khả năng vẫn tiếp tục được thu hút vào TTCK. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới liên tục gia tăng trong thời gian qua (chỉ tính riêng trong tháng 4/2022, đã có 231.275 tài khoản chứng khoán mở mới, đưa tổng số tài khoản giao dịch chứng khoán lên hơn 5,2 triệu tài khoản) và hiện mới chiếm khoảng 5% dân số cũng cho thấy TTCK Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước.

Sau hơn 2 năm tăng trưởng mạnh mẽ, TTCK Việt Nam đang trong giai đoạn điều chỉnh mạnh để tìm điểm cân bằng mới, chuẩn bị cho một giai đoạn tăng trưởng tiếp theo. Liên quan đến sự sụt giảm của TTCK những phiên gần đây, ông Hoàng Công Tuấn cho rằng thị trường đã có những thời điểm bị giảm xuống khoảng 18% so với mức đỉnh đối với chỉ số VN-Index. Trong năm 2021 thì cũng vẫn có hai nhịp điều chỉnh mạnh như vậy ở mức độ 17 % kể từ đỉnh và khoảng 14 % kể từ đỉnh vào khoảng tháng 1 và tháng 7. “Cho nên theo góc nhìn của tôi thì với môi trường đầu tư có quá nhiều nhà đầu tư F0 thì đôi khi TTCK sẽ có những nhịp dao động rất mạnh do yếu tố về tâm lý, chứ trong thực tế môi trường kinh tế vĩ mô của chúng ta vẫn đang khá thuận lợi”, Kinh tế trưởng của MBS nhận định.

Chia sẻ về cơ hội dành cho các nhà đầu tư và triển vọng thị trường trong thời gian tới, ông Trần Thăng Long - Giám đốc Phân tích của BSC cho rằng, năm 2022 sẽ là thử thách thực sự với các nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường mà chưa trải qua những đợt thị trường có những biến động, tăng giảm mạnh. Thị trường sẽ “thanh lọc” nhiều những nhà đầu tư mà đang hơi thiên hướng ngắn hạn quá. Nhà đầu tư sẽ phải bỏ nhiều công sức hơn để lựa chọn ra những doanh nghiệp có thể đem lại tăng trưởng về mặt kết quả kinh doanh vượt trội hơn so với ngành, so với thị trường chung.

“Còn nếu xét về góc độ dài hạn hơn thì tôi nghĩ thị trường Việt Nam vẫn là một thị trường cực kỳ tiềm năng, thay vì chỉ nghĩ rằng là đầu tư thời gian ngắn hạn, trong tuần này, trong tháng này thì hãy nghĩ đến năm 2023, 2024 khi mà Việt Nam có cơ hội để trở thành thị trường mới nổi”, ông Trần Thăng Long nhấn mạnh.

Trong nhiều phát biểu gần đây, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đã khẳng định rằng, việc điều chỉnh chỉ mang tính ngắn hạn, TTCK Việt Nam vẫn còn nguyên các yếu tố hỗ trợ tích cực mang tính nền tảng từ kinh tế vĩ mô và nội tại thị trường. Vì vậy, trong tương lai, TTCK Việt Nam sẽ phát triển ngày càng hoàn thiện hơn, chất lượng hơn, khẳng định vai trò là kênh huy động vốn trung, dài hạn chủ yếu, quan trọng của nền kinh tế, doanh nghiệp; đồng thời là kênh đầu tư hấp dẫn, an toàn, hiệu quả.